10 thg 12, 2012

Đón mừng Noel


 



Vừa tản cư xong thì Noel và Xuân mới đến bên thềm rồi các bạn ơi! Thôi tạm dừng tay xây nhà vui đón Noel và Xuân Dalat 2013 nhé!
(Trong lúc dọn nhà Rhum tìm được cái Video cũ này đây, mong đem lại chút hương ngày cũ cho vui cảnh mới)
thanhdalat 
12/12/12

9 thg 12, 2012

Quán bún bò "Không thiết!"




 
 Mệ Kéo
  
Đang nói về Huế mà nhắc đến bún thì ai cũng nghĩ ngay đến “bún bò Huế”, một cụm từ cố định gần như một thành ngữ về ẩm thực Huế, thậm chí người giàu óc tưởng tượng còn cảm thấy vị đậm đà của món ăn này đang làm nước miếng ứa ra đầu lưỡi. Nhưng xin lỗi các bạn, bài viết này lại nói tới món ăn sáng khác đang phổ biến ở Huế.
 Không biết có “phái sinh” từ bún bò Huế không nhưng thực tế thì ngoài sợi bún và hương vị đậm đà của bún bò Huế ra thì nó khác nhiều: thay cho mấy lát thịt bò, cái giò khoanh thường đóng vai chính thì ở đây là một cục chả bự nhìn “đã con mắt” nằm choán gần hết đoại. Tên gọi là “Bún chả cua”. Món ăn này mới xuất hiện chưa đến chục năm nhưng nó đã có mặt trên nhiều con phố ở Huế. Suốt hai bên đường Mai Thúc Loan sầm uất (con đường chạy từ Ngã Tư Anh Danh đến cửa Đông Ba) và con đường Bạch Đằng rất nhiều gánh bún chả đầy khách ngồi quanh, còn trong những ngõ xóm thì có những gánh bún chả gánh rong chăm sóc tận nơi. Cũng như nhiều món ăn sáng khác, những gánh bún chả cũng xuất phát từ An Cựu (nghe nói mỗi sáng có đến 250 gánh hàng ăn đủ loại từ An Cựu tủa ra khắp thành phố Huế). Không dám nói đây là món ăn đã chiếm ngôi chúa của bún bò Huế ở Huế nhưng thực tế nó đã và đang được khách ăn Huế và du khách ưa chuộng. Ở đường Bạch Đằng, cách cầu Gia Hội chừng 300 m có một gánh bún chả như thế, không chỉ được khách ăn trong thành phố tìm đến mà còn được du khách biết tiếng nhờ các bài báo và phóng sự của các đài truyền hình chuyên mục ẩm thực nhắc đến. Đó là “bún chờ mệ Kéo”. 

Mệ Kéo (ảnh:thanhdalat2012)
Kéo là tên của bà bán bún, nhưng CHỜ là tên gọi tâm trạng khách ăn trong thời gian từ khi vào quán đến lúc được thưởng thức món ăn của mệ Kéo. Thường thì khoảng 6g30 thực khách đã đến quán ngồi chờ sẵn, vừa chuyện trò làm quen với nhau vừa chong mắt nhìn về phía cầu Gia Hội chờ chiếc xích lô chở gánh hàng của mệ (*) đi qua. Những người đến muộn thì phải chờ lâu hơn mới đến lượt – thật không khác chi cảnh ngồi ở phòng khám chữa răng!
Nói là quán chứ thực ra vốn là gánh. Cách nay bốn năm, mệ Kéo đặt gánh lên vỉa hè của ngôi nhà cổ ( xưa là nhà của một thượng thư triều Nguyễn) để bán hàng ăn. Thế rồi không biết cơ duyên nào, ông chủ nhà lại cùng mệ hợp tác làm ăn. Mệ đem gánh vào nhà (đặt gánh ở gian trước là gian dùng làm phòng khách), gia đình chủ nhà phụ giúp mệ dọn hàng, phục vụ thực khách, riêng ông chủ căn nhà cổ một đời bôn ba buôn bán thăng trầm nhiều nỗi, khi cầm trong tay bạc tỉ khi trở về làm đầu nậu buôn cá ở cảng cá Thuận An, đọc và am hiểu triết học Phương Đông nhận việc rửa chén đoại. Ngoài việc mệ chia lãi hàng ngày cho vợ chồng chủ nhà theo thỏa thuận Mệ còn chịu truyền nghề cho bà chủ.
Điểm chung của cả hai đối tác là “không thiết”. Ông chủ chỉ muốn có việc cho vui những ngày “gác kiếm” về làm ẩn sĩ, mệ Kéo thì bán mà không tha thiết làm giàu, mỗi ngày một gánh bún, hết thì về, dù đắt mấy cũng không thêm gánh thứ hai, chất lượng không hề thay đổi. Có lẽ vì thế mà nét mặt của mệ rất bình thản, không hề bộc lộ cảm xúc, dù đắt hay không, không một tiếng chào mời. Vậy mà khách thì luôn tôn trọng mệ, không một lời ta oán dù có chờ lâu. Cái tay nghề của mệ nói thay cho mệ mọi điều. Vào “quán” rồi, mệ vẫn ưa ngồi trên nền nhà với đôi gánh hàng hai bên. Lạ một điều là ngoài một số khách ăn ngồi đàng hoàng trên ghế cạnh bàn thì nhiều thực khách thiệt sự của mệ vẫn ưa ngồi chồm hổm quanh gánh hàng, ưa thức gì, thêm thức gì thì cứ chỉ mệ múc cho. Dường như đối với họ ăn kiểu như rứa mà lại thú vị hơn. Chủ khách đều “không thiết” đổi thay, họ đều muốn giữ mãi cái không gian quen thuộc, vị đậm đà quen thuộc và cách giao tiếp bình đạm quen thuộc và ấm áp cũ.

 Ngồi chồm hổm chờ và chỉ món ngon ưa thích (ảnh: Kim Đính)
 Một chi tiết nữa không biết các bạn người Huế có để ý không chớ tui rất “tâm đắc”, đó là cái nồi nước bún đít tròn của gánh bún mệ Kéo. Đây là loại nồi lúc còn nhỏ tui thường thấy ở những gánh bún ngon (như bún bò mụ Thê trong thành nội). Sau này ít thấy, hình như nó đi theo những bà bán bún bò ngon đi vào dĩ vãng. Gần đây bất ngờ thú vị thấy cái nồi này xuất hiện trở lại lác đác đây đó vài cái, dò hỏi mới biết có một ông cụ ở làng Kim Long nhận gò lại nồi theo yêu cầu của một số gánh bún, nhưng chỉ được dăm cái rồi ông thôi. Thật ra nấu nước dùng cho bún bò trong nồi này ngon là có cái lẽ khoa học của nó: do đít nồi hình khối tròn nên nhiệt hướng tâm, làm cho thịt mau nhừ và ngọt nước. Mà thật, theo nhận xét riêng của tui, ngày xưa và bây giờ quán/gánh bún nào ngon cũng có dùng cái nồi đít hình khối tròn cả!
 
 Nồi đít hình khối tròn quyến rũ
 

Gánh hàng của mệ nổi danh cũng đúng. Trước khi đến ăn hàng mệ, tui đã dừng lại ở một hàng bún chả ở đường Mai Thúc Loan, đã không ngon chi mà giá đến hai chục ngàn một đoại. Sáng hôm sau qua bên quán mệ ngồi “chờ” một chặp thì không bõ công: cục chả đã bự lại ngon,dòn; nước dùng đậm đà, vân vân… mà chỉ phải trả có mười lăm ngàn. Hi hi quá đã!
***
Để khách quan hơn, mời bạn nghe những thực khách phương xa tả lại :
…“Nơi đầu tiên khách được khám phá là “bún chờ” mệ Kéo nằm dưới một mái nhà cổ ven sông Đông Ba đoạn gần cầu Gia Hội, TP Huế. Mấy mươi năm qua, mưa cũng như nắng, đông cũng như hè, cứ 7g15 mỗi sáng, xích lô chở mệ Kéo (từ An Cựu) mới dừng trước quán. Nhưng từ trước 7g đã có rất nhiều người, kể cả những nhân vật vốn “nổi đình nổi đám” không chỉ ở Huế mà còn ở trung ương, trên tay đôi đũa chồm hổm ngồi chờ. Cái vị ngọt rất thật từ thịt, xương của nước bún mệ Kéo khó lẫn vào đâu được.
Tôi kêu ba tô bún thịt ba chỉ - đặc sản riêng có của bún mệ Kéo - cùng chả cua và da heo. Miếng thịt không gây ngán mà giòn rụm cộng nhúm rau sống lẫn chuối thân thái mỏng là lạ... Hai thực khách không chê mà còn xuýt xoa làm tôi yên lòng.”
(Thái Lộc- Báo Tuổi Trẻ)
…”Một Bà già người nhỏ gọn dáng nhanh nhẹn, lưng đeo bó đũa, vai vác trường côn "donganhtre" phi thân vọt qua đống tàn thuốc lá, nhẹ nhàng đáp xuống vỉa hè: Mệ đến.
Kéo có lẽ là tên của Mệ, còn "chờ" thì đơn giản như đan rổ là muốn được ăn thì phải chờ đến lượt. Bún ở Huế thì quá trời trời nhưng bún Mệ thì hơi bị lạ, hơi bị ngon.
Lạ vì bún Mệ hắn ko giống ai cả, lạ vì họ là bún bò giò chả, gân cua...nhưng bún Mệ ko có thịt bò. Lạ và có lẽ là độc nhất chỉ có ở bún Mệ đó là bún có thịt ba chỉ. Hôm đầu tiên đi ăn, ngồi nghe họ kêu: Cho tô cua ba chỉ mình chả biết cái chi chi, "Vâng, bây giờ thì E đã hiểu"
(Thông tin chi tiết xin LH: Bunmekeokobanthieu@yahoo.gioheo.mamnem.com.vn.)
***
Thế rồi bốn năm hợp tác làm ăn trôi qua, “Bún chờ mệ Kéo đã nổi danh cả nước, khách đến đông, xe hơi đậu thành dãy. Có lần chủ quán – vốn là người làm ăn, có đề nghị mua thêm bàn ghế, chén đoại cho cái quán khang trang hơn, phục vụ được nhiều thực khách hơn, nhưng mệ buông một câu : “Làm chi cho tốn kém!”. Thế có nghĩa là ông chủ muốn làm chi thì làm, cứ bỏ tiền ra. Ông chủ cũng có mua thêm bàn, ghế nhưng chỉ dừng lại chừng đó. Việc truyền nghề không nghe nhắc tới, không biết bà chủ học được gì chưa vì mệ nấu nướng ở nhà bên An Cựu rồi mới đi xích lô chở gánh hàng qua quán. Mà rứa lại hay, cái quán vẫn là cái quán bình dị thân quen như ngày nào. Hỏi: răng rứa? Ông chủ lắc đầu , hờ hửng buông hai tiếng: “Không thiết!”.
Viết đến đây ngòi bút vốn ưa thơ mộng hóa mọi thứ bỗng như muốn hết mực, thôi thì bù lại bằng cách triết lý một câu vậy : Trải qua bốn năm làm ăn dâu bể đa đoan của quán “bún chờ mệ Kéo” không biết hai chữ “không thiết” có còn nguyên màu như xưa trong lòng những người hợp tác? Nếu nó đổi màu thì cái quán “bún chờ mệ Kéo e mất đi nhiều hương vị cũ.
thanhdalat
29/11/2012
……………………………
(*)Mệ: tiếng Huế dùng để gọi bà nội, bà ngoại (mệ nội, mệ ngoại) hoặc những phụ nữ đáng tuổi bà nội, bà ngoại. Đặc biệt ở cố đô, nhiều khi người Huế  dùng tiếng “mệ” để gọi những người đàn ông thuộc Hoàng phái triều Nguyễn, ví dụ anh Nguyễn Phúc Vĩnh Ba thường được chúng tôi thân ái gọi là Mệ Ba)

Một thực khách người Huế (ảnh: Kim Đính)

Những quán cà phê thân thiện ở Huế




Ở Huế chúng tôi thường hay đến một vài quán cà phê quen, mở nhạc xưa hoặc không có nhạc, giá bình dân nhưng cà phê cũng khá ngon, lâu dần thân quen với chủ quán như anh em và quán trở thành quán hẹn hàng tuần, có khi mỗi sáng. Cứ tưởng như hiếm có ở nơi khác, nhưng thật ra tôi biêt những quán cà phê thân thiện này nơi nào cũng có, ở Dalat có quán cà phê Tùng ở khu Hòa Bình, quán 31ở đường Hồ Tùng Mậu. Xa hơn, quán cà phê Tygon ở gần nha Địa Dư cũng rất thân thương, anh Ugno Dalat là chủ xị ở đây, nơi này đã có hân hạnh đón tiếp anh Lục Bình ghé thăm Dalat năm ngoái. Hy vọng sẽ được đọc một bài viết của anh Ugno về cái quán cà phê thân thiện này. Xin trở lại ề à về những quán cà phê thân thiện ở cố đô.
Trước hết, đó là quán cà phê dưới gốc đa cổ thụ ở đường Nguyễn Chí Diễu, nhìn qua khu Lục Bộ ngày xưa (bây giờ là những trụ sở của các cơ quan của tỉnh, phường hoặc là những khu đất trống). Không biết đã được gọi là quán Vĩnh Ba hay chưa vì đây là quán anh Ba nhà ta thường xuyên “ngồi thiền” mỗi sáng hoặc là chỗ anh hẹn gặp bạn bè gần xa của anh, đây cũng là điểm khởi đầu cho những kế hoạch ăn chơi khác trong ngày rảnh rỗi: đi lên Huyền Không Sơn Thượng, leo núi Bạch Mã,… hoặc về đường Trịnh Công Sơn lai rai ở một quán bia bên bờ sông Hương,…
Quán này thân thiện là bởi chủ quán cũng là một giáo chức hưu trí chỉ cần nhìn mặt là thấy gần gũi rồi, lại thêm giá rất thân thiện : một ly có 5 ngàn, mà “ngồi thiền” bao lâu cũng được, luôn luôn có trà nóng miễn phí.


 Sân sau Trung tâm Liễu Quán


 Nhàn đàm hoặc ngồi thiền

Quán thứ hai : Liễu Quán. Gọi tên này là gọi ké Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Liễu Quán trên đường Lê Lợi, bên bờ sông Hương, nơi này có đặt tượng Quán Thế Âm do nhà điêu khắc tài danh Lê Thành Nhơn sáng tác. Quán được mở ở sân sau trung tâm, dưới bóng mát của những tàng cây cao. Ở đây có thể nhìn ra sông Hương hóng gió hoặc nhìn vào những hoa văn dưới mái hiên chùa để “thiền”, nhưng thường thì khi có thêm vài người bạn thì chúng tôi lại sôi nổi chuyện trò về đủ thứ chuyện tầm phào về văn nghệ và văn nghệ sĩ xứ Huế. Mặc dù chúng tôi đều cười về câu hát ngây ngô :”Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”!
Quán cà phê này thân thiện ở chỗ quy ước ngầm của chúng tôi về cách trả tiền nước. Ai muốn về trước cứ tự đông để tiền lại trên bàn, bao nhiêu đó tùy, sẽ có người trong bàn gom lại, thiếu thì bù, dư thì sung vào “công quỹ” để thỉnh thoảng kéo nhau đi lai rai đâu đó. Muốn gặp và nghe đủ chuyện về đất Huế thì bạn hãy đến đây gặp blogger Butsref .
Quán thứ ba: bên sông Bạch Đằng (tên cũ là sông Hộ Thành), con sông đào thông với sông Hương, bọc bên ngoài thành nội, quán giản dị là cái bàn với vài cái ghế nhựa đặt dưới cội bồ đề lâu năm, khách tự động vào gặp chủ quán (bên kia đường) lấy bàn ghế đem qua và tự động xê dịch ghế ngồi tránh bóng nắng. Chủ quán chỉ làm cái việc đem cà phê, nước trà ra, nhận tiền, khoảng 9 giờ sáng chủ quán lặng lẽ đóng cửa quán đi về sau khi đem gói trà và bình thủy nước sôi cho khách tùy nghi sử dụng, để mặc khách ngồi đến trưa hay…chiều cũng được. Trước khi về khách tự đem bàn ghế vào để trước quán là xong. Uống cà phê hoài thành ra được ngầm xếp vào diện…người nhà!
Nơi này chúng tôi thừa thời gian để nói lan man về chuyện thiền, đạo học Đông phương, đạo sống ở đời và cả chuyện tiếu lâm. Chính nơi này tui gặp một nhân vật kể chuyện tiếu lâm dân gian cười bể bụng là anh Ái (và đáp lại chúng tôi gọi trêu anh là Lao Ái).




 Nhìn về phía cầu lòn (cầu vượt)
 Nhìn về phía cầu Gia Hội

 
 Hoặc mải mê nghe anh Ái kể chuyện tiếu lâm

Một quán cà phê thân thiện đặc biệt khác xin phép cô chủ được nhắc tới, đó là quán cà phê thân thiện chỉ còn trong ký ức người dân Huế một thời là Cà phê Tôn, ở gần cửa Hiển Nhơn, trong Thành Nội. Đây là quán quen của giáo sư và sinh viên của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế hồi trước. Nơi này những ngày sau 1975, Rhum thường gặp các ông anh TCS, Đinh Cường, Tôn Thất Văn ngồi nói chuyện sáng tác văn nghệ trong hoàn cảnh mới.Với chúng tôi, quán còn thân thiện hơn vì chủ quán là thân phụ của bạn Kim Ty của chúng ta.
Rảnh rỗi viết lan man vài câu cho vui thế thôi. Nhưng các bạn blogger thân mến nếu có dịp đến Huế mà hợp cái gu thân thiện như rứa thì hãy  hỏi anh npvinhba (tức Vĩnh văn tế) hay Kim Ty để nhàn du một chuyến nhé.
thanhdalat
16/11/2012

13 thg 9, 2012

Hòn non bộ mới




Gia chậm bước đi đến bên hòn non bộ.
Kỳ nghỉ hè năm trước, Gia xây hòn non bộ dưới gốc cây đào cổ thụ. Giữa quần sơn lô nhô là hai cái hồ thông nhau bằng một khe nước hẹp, có cây cầu gỗ bắc ngang, bên cầu có liễu rủ thướt tha, có ông lão lặng lẽ buông câu mặc cho đàn kiến bò quanh chỗ ngồi. Rải rác quanh bờ hồ là những bụi cỏ xanh tạo vẻ mềm mại cho đá núi.
Thường mỗi chiều hè nhàn tản, Gia ngồi bên hòn non bộ ấy thả hồn trong cõi bồng lai, thưởng ngoạn cái công trình nho nhỏ do mình tạo ra với một ít tự mãn của óc tư hữu rằng mình đã tạo ra một thế giới riêng, tĩnh lặng. Đó là một thế giới có sự sống nhưng êm đềm với những chuyển động nhỏ của dăm ba con cá lững lờ, vài cánh bèo trôi nhẹ nhàng như thực như mơ…
 
Nhưng bây giờ... Hòn non bộ đã có bộ mặt khác.
Thay cho hai hồ, hòn non bộ đã có thêm cái hồ thứ ba, quanh hồ lởm chởm những cục xi măng giả sơn. Bên cạnh cây cầu gỗ có thêm một cây cầu bằng xi măng rộng rãi, chắc chắn. Đó là phần đóng góp của chú Quang, em trai của Gia, tô điểm cho hòn non bộ. Phần tô điểm này thể hiện rõ tính cách người tạo tác mới. Quang, dân Kỹ Thuật ( sinh viên cao đẳng Kỹ Thuật cơ điện), làm nghề ít lâu thì bỏ, đi làm thầu xây dựng. Do công việc làm ăn gần đây gặp khó khăn, Quang thất nghiệp gần một năm nay.
Nhìn bộ mặt mới của hòn non bộ, Gia  cảm nhận một nỗi mất mát dâng lên trong lòng . Anh đã mất đi niềm vui của người tạo tác, và tưởng như vừa mất đi cái thế giới êm đềm xưa. Anh lặng người đi một lúc, cay mắt nhìn Quang lăng xăng cho đàn cá đông đảo ăn. Cái bàn tay gân guốc, lực sĩ của chú ấy với cảnh non bồng nước nhược, cái thế giới tĩnh lặng mà chàng tạo ra năm trước thật là một tương phản, nhưng bây giờ, với hòn non bộ mới thì xem ra cũng đã khá phù hợp. Gia đứng dậy, chàng không biết sẽ làm gì trong buổi sáng ngày hè hôm nay nữa. 
 
Gia quay lưng bỏ mặc chú Minh với hòn non bộ và lũ cá háu ăn của chú, chàng lấy xe đi đến nhà An, một người bạn ở Vĩ Giạ.
Ba năm trước, An từ giã Tây Nguyên và cuộc hôn nhân đổ vỡ, anh về quê. Đất vườn rộng và nỗi buồn riêng là điều kiện khiến chàng tạo ra một thế giới mộng sau những giờ dạy hội họa ở một trường trung học trong huyện. Thế giới riêng của anh là một hòn non bộ lớn, chiếm cả một góc vườn. Đó là cái hồ có dạng vuông , mỗi cạnh có khúc giữa lồi ra hình cung. Diện tích mặt hồ rộng chừng 50 m2. Giữa hồ là một hòn non bộ lớn với cây cỏ, rêu xanh, và đủ những Ngư Tiều Canh Mục của một hòn non bộ cổ điển Á Đông. Có lẽ do ảnh hưởng những năm công tác ở Tây Nguyên và vùng Tháp Chàm, An xây thêm ở một cạnh của hồ hai biểu tượng Yoni và Linga. Cái Linga được đặt trên và chính giữa cái Yoni. Cái khe rãnh của Yoni hướng về phía hồ. Hòn non bộ của An là sự dung hợp của hai nền văn hóa phương Đông, mang một quan niệm riêng của An về cuộc đời. Gia không hỏi, chàng cảm nhận điều đó qua niềm đam mê và an lạc của bạn trong lúc tạo dựng và những lúc ngồi lặng yên bên hồ.
 
Mỗi khi xuống thăm bạn, Gia không vào nhà ngồi mà ra đây, uống trà, đánh cờ, nói đủ chuyện vui buồn thế gian…trong tâm thế những triết nhân thoát tục.
Về ngồi nơi cảnh thiên thai này, lòng Gia đã dịu đi, huống chi lại có người bạn, đối với chàng  là một cư sĩ, cư sĩ không chỉ của triết lý Phật giáo mà của văn hóa tư tưởng phương Đông nói chung, người đã để cái tâm của mình ở những cây, đá, rêu xanh mấy năm rồi. Nghe Gia nói chuyện về hòn non bộ mới, An trầm ngâm:
-         Chú Quang đang cần có hòn non bộ riêng cho chú ấy, có lẽ cần hơn Gia nữa đó.
Nhìn mấy đám mây trắng trôi trên bầu không xanh thẳm, An mơ màng:
- Còn mình thì sẽ đến lúc cần cái vườn hơn hòn non bộ này. Chỗ này sẽ là vườn cà, vồng đậu. Chiều chiều mình sẽ ra vườn cuốc cỏ, tưới nước. Bàn tay chai đi, da đen đi, tâm tư sẽ bình dị đơn sơ như người nông dân…


Niềm vui giản dị (ảnh Net)



 
Hoa trái hiền lành (Hoa cà chua - ảnh Net)



*
Nói vài câu chuyện đời, đánh vài ván cờ thì đã chiều, Gia trở về nhà.
Quang đang loay hoay bên hòn non bộ. Chú đang thay nước và thả thêm cá vào hồ. Nhìn cái hòn non bộ lạ lẫm, nỗi bực dọc lại dâng lên trong lòng.
Gia cười khẩy:
-         Hừ, cái hồ ba bể!
Chú Quang ham làm, không nhận ra ý mỉa mai trong cách nói của Gia. Chú khoe:
-         Anh coi mấy con cá vàng đẹp không?
Gia cau mặt:
-         Chú làm như hồ chuyên nuôi cá giống không bằng!
Quang quay nhìn anh, tròn mắt:
-         Mấy con cá cảnh này hiếm lắm nghe, hồi sáng tui lên dòng Thiên An xin thầy Tâm An đó.
Lên nhà dòng tận trên đồi Thiên An? Chú mi mà chơi thân với thầy Tâm An nữa à? Gia chăm chăm nhìn Quang. Bây giờ chàng mới nhận ra những thay đổi trên khuôn mặt chú. Vẻ ngang ngạnh mà chán đời của Quang những ngày thất nghiệp đã biến mất, thay vào đó là nụ cười hiền lành. Gia hỏi:
- Chú đã bỏ rượu rồi à?
- Rượu à, chỉ còn lai rai thôi, ham chơi hòn non bộ quên rượu luôn đó anh.
Chú nói nhẹ nhàng. Trông chú tươi tắn và bình an, Gia thầm nghĩ : Ờ há, Quang đang cần có hòn non bộ của chú ấy, cư sĩ An nói đúng quá, chàng dịu giọng:
-         Hòn non bộ chú sửa lại cũng có cái hay riêng đó. Cá vàng trên chùa đây à, ờ ờ, đẹp lắm.
Gia cùng chú Quang đến bên hồ, ngắm nhìn đàn cá tung tăng bơi lội, rượt đuổi nhau, chen nhau lách qua những khe hẹp. Có một khe cạn, cá muốn lách qua phải ngoi lên gần mặt nước, mà lạ thay, điều đó như kích thích đàn cá thử sức mình, đua nhau “vượt vũ môn”! Vượt qua được thì ngoe ngoẩy đuôi xem ra đắc ý lắm. Cái khe cạn độc đáo này là sáng kiến của chú Quang, thể hiện một quan niệm của chú: Đem sự sống sôi động vào thế giới của hòn non bộ.
Cho cá ăn xong, Quang vớt bỏ mấy cánh bèo vàng úa, nhặt mấy chiếc lá rụng, uốn lại cần câu cho lão ngư,…Mắt chú linh hoạt, bàn tay chú nhanh nhẹn, sự thích thú hiện rõ trên khuôn mặt.
Lặng nhìn chú hăng hái chăm sóc hòn non bộ, bổng nhiên Gia thấy một niềm vui mới dâng lên trong lòng mình. Niềm vui do chính chú Quang đem lại: Chú đã thoát ra tâm trạng buồn chán , mệt mỏi của những ngày thất nghiệp kéo dài. Chú đã bắt đầu lại từ cái hòn non bộ đơn sơ này. Không phải hòn non bộ theo cách nhìn của Gia mà là một hòn non bộ theo cách nghĩ của chú ấy.
Gia thở phào, suýt chút nữa thì những ngày hè thanh thản của ta mất đi chỉ vì mấy cục đá!
thanhdalat
9/9/2012

Dưới đây là hòn non bộ tương lai của An: