30 thg 10, 2011

Về Huế, hè 2011(7)Đường về quê xa lắc.


(ảnh: Blog Lan An xa xứ)
Rời bến nước làng Sình chúng tôi đi qua cánh đồng lúa rộng. Mùa hè, đồng ruộng đang được cày xới chuẩn bị cho vụ tới. Từ xa có tiếng máy cày rì rầm vọng lại . Nhưng ở miếng ruộng nhỏ cạnh đường làng thì chiếc xe máy cày Kubota lấm lem bùn đất đang nghỉ ngơi dưới nắng.


Nhìn nó tôi liên tưởng tới những con trâu cày. Tôi đưa mắt tìm khắp cánh đồng, chẳng thấy bóng con trâu nào.

Không khéo có ngày trẻ quê không biết con trâu hình dáng thế nào mất.

Photobucket 
Biết đâu, có lúc con trâu chỉ còn được thấy trên những tờ giấy bạc cổ?



Đính và tôi rời chiếc Honda đi săn ảnh. Chiếc Honda đứng trên bờ, đầu xe quay về phía chiếc Kubota đứng lẻ loi dưới ruộng. Trông chúng như hai người bạn lâu ngày hội ngộ, người thì ở chốn quê mùa lam lũ, kẻ thì bấy lâu rong ruổi kinh thành, áo quần choáng lộn, dáng bộ điệu đàng.
   Nhìn kìa, chiếc Kubota dưới ruộng đang đứng nghiêng nhìn xa xôi, dáng cô đơn, nhưng thảnh thơi, chẳng chút mặc cảm thân phận quê mùa. Cô nàng Honda áo quần sạch sẽ, đẹp đẽ , đầu xe quay “nhìn xuống” ông bạn cố tri cùng quê Nhật Bản lấm lem bùn đất lòng đầy trìu mến, và ít nhiều hiếu kỳ, thương cảm.


Tôi đưa máy ảnh lên thu lấy hình ảnh cuộc tao ngộ ngẫu nhiên mà cảm động  không ai nói nên lời này vào bộ nhớ 2 GB cũng từ Nhật Bản đem sang. 

     (Đây là chuyện trên đồng ruộng, ở trong nhà của người nông dân thì cuộc sống chung của xe gắn máy Nhật và anh trai cày Kubota còn cách biệt hơn nữa. Nàng xe óng ả luôn được ông bà chủ chăm sóc cẩn thận, được ở trong nhà gạch sạch sẽ, ấm áp, còn anh trai cày thân phận người cày thuê phải ở nhà sau, nhiều đêm không ngủ được vì tiếng gà gáy, heo kêu, tiếng chuyện trò của những người ra đồng làm việc sớm,...và những đêm mùa đông thì, trừi ưi, lạnh thấu xương, hai đầu gối run lập cập,...).

  Đằng xa, Đính đang chạy theo người nông dân đang điều khiển con trâu sắt rì rì dọc ngang trên đồng ruộng. Cũng là một hình ảnh khác của cuộc tao ngộ giữa kẻ thị thành và chàng trai thôn dã. Trời trưa nắng như đổ lửa, nhưng Đính vẫn lom khom chạy theo, tay đưa máy ảnh  nhắm tới người nông dân trên máy cày. Không biết Đính đã chụp được bao nhiêu hình, nhưng ngắm nghía kỹ quá, tôi ngại sẽ làm cho anh nông dân ngượng ngùng, khó chịu. 


Nhưng coi kìa, anh nông dân vẫn điềm nhiên cày ruộng, không hề bận tâm tới anh chàng trên phố về đang cầm máy ảnh đuổi theo, như người nông dân bao nhiêu thế kỷ trước vẫn an nhiên tự tại trước bao cuộc biến thiên. Tôi lại đưa máy ảnh lên, bấm bấm. Thế là lại có thêm tấm hình nữa cùng đề tài.
Trên đường về, bởi hỏi đường mà gặp thêm nhiều người dân quê khác, anh trai cày đang vác cuốc ra đồng, cậu bé đi học về trên chiếc xe đạp, chị nhà quê đang cỡi chiếc Yamaha chở mấy két bia từ trong làng ra. Ai cũng hồn hậu nhiệt tình chỉ đường, họ thương quý người trên phố về lắm, còn tụi tui , người trên phố về thăm thì thâm tâm vẫn không khỏi có ít nhiều cảm nghĩ “nhìn xuống”.
 
Em bé quê   Diễn viên Tăng Thanh Hà (ảnh : net)


Đính hỏi tôi: Quê anh ở gần đây phải không? Tôi chỉ về phía xa bên kia những lũy tre. Quê Đính cũng gần đâu đó. Hóa ra chúng tôi cũng gốc người nhà quê lên tỉnh vì chiến cuộc, hoặc vì những lý do khác. Thế mà chỉ sau một thế hệ, về lại làng quê chúng tôi lại mang theo quá nhiều mặc cảm.

   Những mặc cảm linh tinh đã làm cho con đường trở về với gốc gác của chính mình thêm xa lắc...
chuồn chuồn

29/10/11

23 thg 10, 2011

Những đoản khúc cuối thu (thơ thanhdalat)

Photobucket
Tháng 9 cao nguyên

Tháng 9 nơi này mưa không dứt
Lũng sâu mờ mịt một màu mây
Nắng gió miền xuôi như nỗi nhớ
Quẩn quanh đèo quạnh quẩn quanh ngày. 
 Photobucket

Gởi bạn đường  xa
(Tặng Hải Yến Xứ Người)
Đất khách muôn trùng mênh mông quá
Quê nhà một dải nhớ khôn nguôi
Lòng thương gởi tình ai sầu xứ
Bên cửa nhìn mây mây cứ trôi…
 Photobucket
Phải đi đâu đó
Những ngày những tháng nối nhau đi
Blog lan man cũng chỉ vì
Mấy đoản văn nhàu, mong đồng cảm.
Dăm vần thơ vụn, đợi tương tri.
Tâm tình kể mãi… nào vơi nhỉ?
Thế sự luận hoài… có được chi?
 Phố núi chiều nay mưa kín lối,
Đường lầy, sương lạnh. Cũng ra đi... 
thanhdalat
25/10/11
Photobucket 

17 thg 10, 2011

Về Huế, hè 2011(6)Thăm lại bến đò xưa

Photobucket
Vừa học bài vừa coi quán

Đò từ Đông Ba
Đò qua Đập Đá,
Đò về Vĩ Giạ
Thẳng ngã ba Sình
Lờ đờ bóng ngả trăng chênh
Tiếng hò xa vọng
Nhắn  tình nước non…
Mấy câu hò của chí sĩ Phan Bội Châu đã giục tôi về miền quê thăm bến đò làng Sình cách đây hai năm và bây giờ một lần nữa, vào một trưa nắng gắt.
Về lại lần này để thấy lòng ngao ngán và kinh sợ cho cuộc bể dâu.
Nào có xa xôi chi mô. Mới hai năm trước đây bến đò Sình, nơi nhìn ra Ngã Ba Sình , chỗ hợp lưu của sông Hương và sông Bồ để cùng đổ ra biển, còn là một bến đò quê điển hình: con đường đất nhỏ, cái bến cát vừa đủ rộng cho con đò xoay trở, cây đa cổ thụ soi bóng nước và là nơi che nắng che mưa cho khách chờ đò. Từ trên bến đò nhìn ra: ngã ba sông hiện lên trong cái khung vừa cổ xưa, vừa thôn dã hữu tình.
 Photobucket
Bến đò làng Sình (2008)

Ngôi quán lá bên bến đò có hai chị em tuổi chừng 13, 14 đang ngồi học bài. Cô chị đứng giảng bài cho em, còn cô em tóc cột đuôi gà ngồi lắng nghe, một chân co lên ghế. Ôi trông quê mùa và thân thương làm sao!
Photobucket
Dừng xe bên đường lặng nhìn cảnh cũ, bất giác Đính thốt lên:
-Bến xưa còn đó người xưa đâu rồi!
Tôi phì cười mà lòng thì đồng cảm:
-Đính nói nghe như thơ.
Có tiếng cười nhỏ. Bên kia đường, phía trước quán nước có cô gái đeo khẩu trang ngồi trên chiếc Honda nhìn hai đứa tôi với đôi mắt tinh nghịch. Tôi dị cho Đính quá, nói khỏa lấp:
-Người xưa không còn thì người nay đó tề. O cho tui chụp một pô lưu niệm nghe.
-Khôn, khôn được mô. Ốt dột lắm!
Cô gái nổ máy chạy mất.
Photobucket
Ờ, hai cô bé năm xưa đâu rồi không thấy… Cái quán dường như đã có chủ khác, đã được xây gạch và nới rộng ra phía con đường đi xuống bến, mà con đường thì đã được phủ lên một lớp bê tông rồi, còn đâu dấu tích xưa. Nơi cây đa rủ bóng xuống bến sông bây giờ là căn phòng mới xây có mấy bộ bàn ghế và những két bia và nước ngọt. Cây đa cũ không còn bên bến nước, bến nước trơ trụi như người mất hồn.
 Photobucket
Bến đò làng sình (2011)

Thế là một bến đò làng Sình nên thơ, một điểm văn hóa-lịch sử đã biến thành một bến nước chật hẹp và xoàng xĩnh. Tôi đưa máy ảnh chụp vài pô để ghi dấu sự đổi thay, nhưng không biết làm sao mà chụp luôn mấy pô đều không thấy ưng ý.
Dường như máy ảnh cũng chia sẻ nỗi ngậm ngùi của người cầm máy!

chuồn chuồn
12/10/2011
 Photobucket
Làng Sình (hình thang) đối diện với ngã ba Sình (chỗ có dấu+)
Photobucket
Bến nước làng Sình (2008)


Photobucket
Ngõ vắng 1
 Photobucket
Ngõ vắng 2
Photobucket"Con gái nuôi" của tui