8 thg 12, 2010

Mùa đông phố núi (thơ thanhdalat)

1.
Chờ đông

Cứ ngỡ mùa thu chưa qua
Mây trời vẫn màu bàng bạc.
Tơ chùng ai gieo từng giọt
Ru hồn quán vắng chiều mưa
*
Cứ ngỡ tình thu chưa già
Đường chiều còn nhiều lá rụng
Còn nghe trong ta tiếng vọng
Của tháng ngày xưa mưa nhòa…
*
Cứ ngỡ màu thu chưa phai
Dã quỳ cứ xanh bờ bụi
Lập đông sao mưa chưa ngớt,
Chiều qua còn trĩu hồn ta?
*
Cứ ngỡ hồn thu còn đây
Mưa dầm bủa vây kín lối
Ngoài hiên mưa giăng mành lưới
Quẩn quanh mái hẹp ngày dài…


th@nhdalat
24/11/2010

2.
  Khúc giao mùa phố núi

Ngỡ thu chưa đi
Mây còn bàng bạc
Tơ chùng từng giọt
Ru hồn quán trưa
*
Ngỡ thu chưa già
Đường còn lá rụng
Còn nghe tiếng vọng
Ngày xưa mưa nhòa
*
Ngỡ đã êm trôi
Con tim tháng hạ
Ngày thu không vội
Tình không thiết tha
*
Sáng nay nắng lạnh
Thắp sáng quỳ hoa
Mưa thu đã tạnh
Mùa đông đã là…
*
Mùa thu đã xa
Đường mưa đã khô
Khoác thêm áo ấm
Nhìn mây giang hồ…

th@nhdalat
24/11/2010

27 thg 11, 2010

Thăm lại phố huyện cũ. (thơ thanhdalat)

Đơn Dương buồn hơn trước
Chị ngồi rỗi trước nhà
Nắng trưa hanh ngõ vắng
Khách ơ hờ dạo qua.
Công sở dăm nhà cổ
Dấu xe rêu phủ mờ.
Ơi ngày xưa huyện lỵ,
Những rộn ràng xa xôi...
Đường quanh lên trường cũ
Đâu rồi áo trắng bay?
Cánh chuồn chờn chợ mãi...
Buồn nhớ chi những ngày...
Đi quanh tìm chẳng thấy
tiếng cười em thuở nào.
Chuyến xe về nặng trĩu,
Buồn xưa đọng chiều nay...

th@nhdalat
  4/93
-----------------------------------
-Đơn Dương : Một huyện nhỏ cách Dalat khoảng 40 km. Ngày xưa huyện lỵ đóng tại thị trấn D'ran, khoảng đầu những năm 1990 dời về thị trấn Thạnh Mỹ.
-Trường cũ: Trước 1990, Đơn Dương chỉ có một trường trung học, nằm trên một ngọn đồi, sau đó dời về phố.
-Hồ Đa Nhim : ở đập thủy điện Đa Nhim . Đa Nhim nghĩa là nước mắt.(theo tiếng người Chil).

4 thg 10, 2010

Mấy ngày nghỉ hè ở Huế - 5. ĐÙA VUI VỚI BIỂN


Hải tặc? (ảnh mờ vì phó nhòm sợ quá run tay)

 
Kỳ phép hè năm nay của tôi bị rút ngắn vì một lý do không đâu, vì vậy thời gian ở Huế trở nên quý báu. Tôi “tranh thủ” bất kỳ cơ hội nào để được đi ngoạn cảnh ở nơi xa ngoài thành phố với bạn bè. Mình thì rảnh rỗi nhưng bạn bè thì phải tất bật mưu sinh, lại còn vợ bìu con ríu nữa chứ. Bởi rứa, để có bạn cùng đi không phải dễ dàng như thuở học trò.

Sáng nay, đang ngồi ngoài sân ngắm nhìn mấy giò lan rỡn nắng thì nghe điện thoại reo – tiếng reo vui hơn mọi ngày. Tôi vào nhà lấy máy nghe. Giọng Tô:
-Đi biển không?
-Đi, đi chứ. Đang không biết làm chi đây. Tui vội nói như sợ Tô đổi ý.
-Rứa thì gọi Đính nghe.
Cuộc chơi đã khởi động. Những đầu việc xuât hiện: liên lạc tập hợp chiến hữu,


 chuẩn bị hành trang, lên kế hoạch, phác thảo lộ trình,…
**
8 giờ nhóm ba người chúng tôi lên đường, nhắm hướng Thái Bình Dương xuất phát. Lộ trình : Qua cầu Tràng Tiền, xuôi Đập Đá, qua Vĩ Giạ, chợ Mai, chợ Nọ là đến Thuận An.
Trước khi ra biển cửa Thuận, chúng tôi ghé qua làng An Bằng, nơi có thành phố mới tạo dựng ven bờ biển. Dưới nắng mai, thành phố càng thêm rực rỡ sắc màu. Những mái nhà kiểu cổ với những đường nét rồng chầu phượng múa chen nhau khoe vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ.
Chúng tôi tìm chỗ dựng xe, thật là một việc nhọc nhằn khi phải xoay trở trên vùng đất cát trắng. Tô dựng xe xong, đi vội vào thành phố không người, đưa máy ảnh chụp mấy pô. Tôi và Đính đi đến những phía khác tìm một góc độ thích hợp để thu lấy cho được cái hồn thành phố - một thành phố yên ắng nhưng không buồn, không gợi cảm giác u trầm, tịch lặng như ở lăng mộ các vua triều Nguyễn, có lẽ bởi màu sắc rực rỡ và mới mẻ của nó- thành phố lăng mộ bên bờ biển đông.
Thành phố lăng bắt đầu được xây dựng ồ ạt từ năm 1991. Người dân làng có bà con định cư ở nước ngoài làm ăn khá giả gởi tiền về xây lăng mộ như là một cách báo hiếu. Mộ càng to lớn được hiểu như là chữ hiếu càng cao. Có đến 70% người làng định cư ở nước ngoài, do đó việc xây lăng có điều kiện phát triển như nấm sau mưa.  Cả một phong trào thi đua bày tỏ chữ hiếu tự phát diễn ra rầm rộ lôi kéo cả những gia đình nghèo vào cuộc. Việc đua nhau xây lăng mộ còn là cách thể hiện “đẳng cấp” của nhà mình và dòng họ trong cộng đồng làng xã. Bởi thế có người bán đất để xây một cái lăng mộ lớn cho “bằng chị bằng em”dù nhà ở cho mình thì chỉ là mái lá lụp xụp. Tính ra , có đến mấy nghìn cái lăng được xây, tổn phí mỗi lăng, ít thì 150 triệu, nhiều thì đến hơn 2 tỉ đồng.
 (ảnh : Net)
Việc xây lăng và chạm trổ hầu hết đều do các tay thợ trong làng làm, rất khéo tay và chuyên nghiệp. Ở đây người ta có thể thấy hội tụ nghệ thuật điêu khắc đá, vẽ tranh, hoa văn và kỹ thuật gắn miếng vỡ từ loại chén bát có men ở trình độ cao. Không phải vô cớ mà thành phố lăng ven biển này có sức thu hút du khách thập phương một cách mạnh mẽ. Bà Help Charity, một du khách đến từ nước Anh nói: “ Những đường nét rất tinh tế, nó mang một vẻ tự nhiên…Đó là những nét đẹp đầu tiên thu hút tôi tới đây”.(VTV)
  
Tôi đứng giữa thành phố lăng mộ mà không có cảm giác đìu hiu u trầm. Quả là lạ. Điều này dấy lên trong tôi ý nghĩ : Phải chăng thành phố lăng là sự hiển thị một quan niệm mới về lẽ sống chết? Và việc xây lăng thật to, thật cầu kỳ phải chăng là vì người sống hơn là vì người đã khuất?
***
Bỏ lại cho thành phố lăng những suy tư tâm linh, chúng tôi chạy xe về phía biển nắng. Tô đưa chúng tôi đi vào xóm, đến nhà người bà con để mượn những đồ nhà bếp: son, chảo, chén đũa, bếp ga,… rồi qua cảng cá Thuận An cách đó 3 km. Đã 10 giờ, cảng cá sáng ngời dưới nắng. Có năm chiếc thuyền đánh cá lớn neo đậu. Người mua kẻ bán xôn xao. Chúng tôi hòa vào đám đông, đi đến tận những con thuyền cập cảng đang chuyển cá xuống bến. Việc mua bán diễn ra ngay đó. Những giỏ cá bằng nhựa đầy vun. Mỗi giỏ đựng một loại cá. Tô mua một kg cá ngân tươi rói. Tôi và Đính cũng sục sạo từ thuyền này sang thuyền khác, nghiêng nghiêng ngó ngó như muốn thu hết cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của cảng cá. Bởi đây là lần đầu tiên tôi và Đính được chứng kiến và tham gia như một người buôn cá “dỏm”, hay nói theo cách người dân ở cảng cá tưởng nhầm-chúng tôi là những phóng viên ( mà thiệt ra, cũng “dỏm” luôn). Hic.
    
Vũ điệu SONG NGƯ                                                       Đi chợ về

Căn lều chúng tôi thuê ở vị trí tương đối gần lối vào bãi biển. Nắng trưa chói chang như muốn xuyên qua hai lớp vải bạt trên mái. Gió lộng thổi căng, tấm vải bạt che bên phía nắng như cánh buồm no gió. Biển sáng trước mặt. Cả một bát ngát, mênh mông phơi phới ùa vào lòng chúng tôi. Chỉ trong vài phút ngắn ngủi, bọn tôi đã gần như người nguyên thủy. Có khác hơn họ chăng chỉ là cái quần xà lỏn mỏng manh. Vậy mà dì gió còn tinh quái thổi mạnh khiến vải quần ôm sát rạt vào da thịt. Ô, mà cũng chẳng là vấn đề gì, vì tụi tui đều là liền ông cả ha ha ha…
Rồi, không “trì hoãn thêm phút giây sung sướng”* nào nữa, chúng tôi tẻn tèn ten lao ngay xuống biển, hụp đầu vào đại dương mát rượi, nhoài người bơi nhẹ theo sóng từng đợt dập dờn… Đầu óc rỗng rang. Bao nhiêu ưu tư như đã gởi trả cho phố phường. Chúng tôi vui đùa với sóng-như trẻ con. Sóng biển từng đợt, từng đợt gột rửa sạch những tạp niệm từng làm khổ tâm hồn chúng tôi. Tâm hồn chúng tôi đã như người nguyên thủy. Giữa thiên nhiên biển rộng tâm hồn chúng tôi sạch sẽ và thể xác chúng tôi cũng thảnh thơi. Cái quần đùi xà lỏn mỏng manh còn lại không hề gây cảm giác cản trở chúng tôi đến với tự nhiên.
Bữa ăn trưa dã ngoại chúng tôi tự làm bếp, như hướng đạo sinh, thật tuyệt vời. Cá tươi luộc chín , không có gia vị nhưng vị ngọt tự nhiên đậm đà không sao tả xiết. Chúng tôi mua thêm ít bánh bột lọc, đậu phụng luộc để lai rai. Một két bia Huda để sẵn giúp giải khát sau mỗi miếng mồi.
 
Như thể từng đợt sóng xô vào bờ, chúng tôi hết lai rai với bia lại nhào xuống chơi với biển, chơi bưa sức với biển lại chạy lên bờ lai rai với bia, hết lai rai với bia lại nhao xuống đùa vui với biển, chơi bưa sức với biển lại lên bờ lai rai với bia…
Khi đã đủ vui và đủ mệt, tôi lên bờ ngồi nhìn ra biển. Trong lều Tô thiu thiu ngủ, Đính cầm máy ảnh đi săn ảnh. Từ xa, dáng còm nhom của Đính thoắt biến thoắt hiện bên những người đẹp tóc vàng cao lớn, thân hình nở nang đang giỡn sóng mép bờ. Tôi vẫn chưa rời những con sóng. Ngồi sát bờ nước, tôi để những lượn sóng tràn qua người. Có những lượn sóng lớn đẩy lùi tôi ra sau. Bỗng nhớ những lời ca về biển của Trịnh Công Sơn.

Biển sóng,biển sóng đừng xô tôi…
Đừng xô tôi ngã dưới chân người…
Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi…
Đừng cho tôi thấy hết tim người…

Trịnh nhìn sóng với cái nhìn thật lạ. Với ông, sóng biển là hình ảnh sóng tình . Ông viết: “Những đợt sóng tình xô đẩy ta, làm ta đau khổ. Ta phải đẩy lùi lại nhưng với một tấm lòng khoan dung, nhân ái để thoát khỏi khỏ đau. Và mơ ước sóng với ta cùng sống hoà hợp, hiền hoà trong đời sống ngắn ngủi, mỏng manh này”.
Biển sóng, biển sóng, đừng xô nhau…
Ta  xô biển lại , sóng về đâu…
Biển sóng, biển sóng đừng trôi xa
Bao năm chờ đợi sóng gần ta…
Một buổi sáng nhìn biển, ông chợt nhận ra: những con sóng tình này dìm chết người giữa dòng tình, giữa bể ái nhưng nó cũng giúp đưa người qua bến bờ giác ngộ.

Một lần khác, trước biển khơi xôn xao bao người giỡn sóng, chỉ có Trịnh nhìn thấy:
Có người im lặng,
có người vui đùa, giữa cuộc vui
Biển ơi!
em đùa đùa chơi à.. ơi
Bờ xa có người im lặng. Biển ơi!

Biển ơi! Có người im lặng
Biển ơi! Có người muôn trùng
Biển ơi! Có người im lặng
Biển ơi! Có người muôn trùng
Biển ơi! Có người vui đùa
Biển ơi! Có người xa vắng.

(Muôn trùng biển ơi) 
Trịnh cô đơn quá, ngay cả khi đứng trước biển đầy nắng và gió trùng khơi. Còn tôi? Phải chăng tôi đã an lạc trước biển? Không, chỉ là một ngày mượn nắng và gió và biển và sóng để ru giấc chiêm bao mà thôi.
*
Đến 3 giờ chiều thì chúng tôi cũng đã đủ đen giòn để mang nắng gió của biển về nhà. Khi chuẩn bị nhổ neo thì có một thuyền cá cập bờ. Chúng tôi chạy tới – như thể phóng viên. Chụp hình. Nghiêng nghiêng ngó ngó. Đính mua 2 ký ghẹ, tui một ký cá. Thật đúng là những gã đàn ông tốt. Đó là những món mà chúng tôi đem về nhà cho người thân như để chia sẻ ít nhiều niềm vui của một ngày đi biển.

***
Trên đường về, chúng tôi còn cố kiếm lời bằng cách nhét vào hành trang đi biển của chúng tôi thêm một món nữa: đi thăm ngôi tháp Chàm vừa mới được phát hiện mấy năm trước đây.
Đó là Tháp Chăm Mỹ Khánh (ở thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), sau đổi tên là Tháp Chăm Phú Diên. Ngôi tháp này đã bị vùi lấp dưới một đồi cát ven bờ biển suốt mấy trăm năm trước. Tháng 4/2001, khi đang khai thác quặng Titan dọc bờ biển xã Phú Diên, người ta phát hiện một khối gạch lớn vùi sâu 8m trong lòng cát. Đó chính là một trong những tháp Chàm cổ nhất Việt Nam đứng ở độ cao hơn mực nước biển chỉ có 1,8 m và cách mép nước khoảng 100 m. (Đây là một điều khiến nhà khảo cổ lưu ý, vì hầu hết tháp Chàm đều được xây dựng trên những ngọn đồi cao).
 
Tháp được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 8, tức là được xây dựng cách đây 12 thế kỷ. Lúc đó nước ta đang là thời kỳ Bắc thuộc; Chăm pa, thời kỳ đó là Vương triều Panduranga (còn gọi là Hoàn Vương quốc), một đất nước hùng mạnh, đã hai lần tấn công châu Hoan và châu Ái (Thanh Hóa , Nghệ An) nước ta, mang về nhiều phẩm vật. Ngôi Tháp Chàm Phú Diên là dấu tích của người Chăm thời kỳ hưng thịnh đó. Khi chúng tôi đến thì ngôi tháp đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp. Nguyên nhân một phần do sự bất cập về công tác bảo tồn, phần khác còn do người dân lấy đất trên tường của tháp để làm thuốc chữa bệnh.

Dưới nắng xế chiều vàng, gió biển lao xao hàng thông ven bờ biển vắng, tôi đứng lặng yên trước ngôi tháp cổ xưa mà lòng tràn ngập niềm ngưỡng vọng. Ngưỡng vọng trước cái tuổi già 12 thế kỷ của tháp, càng ngưỡng vọng hơn trước nét đẹp tinh xảo của công trình kiến trúc cổ, ngưỡng vọng những bàn tay tài hoa đã làm nên nó. Tưởng như thấy những dáng hình vũ công khắc nổi trên các tháp Chàm đang uốn lượn nhịp nhàng. Nơi đây hàng ngàn năm trước đã có hàng đoàn người vào đây cúng bái, ca múa , đã có những ngày  rộn ràng lễ hội. Nhưng chiều  nay, khi tôi đến nơi này thì, than ôi
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ…**
 
***
Tưởng như Ngôi tháp Chàm in bóng suốt trên đường về, nhưng khi đi ngang Vĩ Dạ thì những hàng cau thôn Vĩ đã kéo tâm hồn chúng tôi về một thế giới khác, thế giới của một thời thơ ca lãng mạn đẹp đẽ . Mới ngày nào Hàn Mặc Tử đã qua đây, đã buồn vui những ngày thôn Vỹ. Chừ đây, nắng cũng thắp sáng hàng cau và cũng đem lại niềm vui, niềm vui nhẹ nhàng của một buổi chiều ngoại ô êm ả.
 Hàng cau Vĩ Dạ đã đi vào thơ ca lãng mạn, nhưng ít ai biết, có một hàng cau khác, ở thôn láng giềng của thôn Vỹ đã đi vào thơ ca dân gian từ thời xưa với nét cười hóm hỉnh:
Con gái Nam Phổ ở lỗ trèo cau.***
Tôi khẽ cười khi tưởng tượng tới cái cảnh ngộ nghĩnh đó.
Rứa đó, chuyến đi biển của tui trong MẤY NGÀY NGHỈ HÈ Ở HUẾ đã kết thúc với nốt nhạc vui.

th@nhdalat
28/9/2010
 ...................................................
 *Chữ dùng của Vũ Trọng Phụng.
**Ông Đồ - Vũ Đình Liên.
***Ở lỗ: ở truồng.(ăn lông ở lỗ). Nam Phổ: Một thôn nhỏ bên cạnh thôn Vĩ Giạ, có món ăn nổi tiếng xứ Huế: Bánh canh Nam Phổ.

29 thg 9, 2010

Mấy ngày nghỉ hè ở Huế - 4. THĂM LẠI ĐỒI XƯA

Về Huế luẩn quẩn trong phố mới hai ba hôm đã thấy nhớ ngoại ô và những ngọn đồi phía Tây Nam thành phố, tôi rủ Tô lên đường Nam du . “Con đường Nam Giao thẳng mà không bằng” đưa chúng tôi rời Huế đến vùng đồi của những lăng tẩm. Đến đàn Nam Giao, tôi dừng xe ngoái nhìn lại tìm cột cờ Phu Văn Lâu để xác nhận sự chính xác của câu văn xuôi đầy chất thơ của nhà thơ Xuân Diệu là đúng với thực tế, rồi đi tiếp. Qua một khúc quành, chúng tôi đến khu vực lăng Tự Đức. Tô bảo tôi dừng lại để đi xem cây sanh cổ thụ mới được Công ty Làng Việt di dời từ vùng núi A Lưới về nơi này cách đây mấy tháng. Việc đưa cây sanh cổ thụ từ trên núi về thành phố và chăm sóc cho nó sống tiếp cuộc đời dài bằng mấy đời người quả là một kỳ công. Dự định ban đầu của Công ty Làng Việt là thuê trực thăng chở về, nhưng vì một lý do nào đó không thực hiện được. Sau Công ty đã thuê hai xe cần cẩu đưa nó về Huế. Phải mất tới hai ngày đêm vượt qua hơn 50 km, qua những đoạn đường núi cheo leo giữa vách núi và vực sâu, cuối cùng cây sanh cổ thụ đã đến được nơi ở mới. Kỳ công thứ hai là trồng lại cây sanh này trên nền đất mới, đất đồng bằng. Khi chúng tôi đến thì nó đã yên vị, cành lá xanh tươi, oai vệ đứng bên đường, chỗ mà sau này là cổng vào của khu du lịch nghỉ dưỡng Làng Việt. Cây sanh cổ thụ được bảo vệ kỹ lưỡng, có hàng rào và phên che. Nhờ quen với một người dân ở gần đó nên Tô và tôi được cho vào xem tận nơi…
Tuổi cao tác lớn của cây sanh cổ thụ khiến cho con người kính trọng.( ở nơi ở cũ, cây sanh này được người dân địa phương thờ như vị thần thành hoàng và trước khi di dời nó, Công ty Làng Việt đã làm một lễ để xin phép). Tuy nhiên, đối với những người làm nghề kinh doanh du lịch thì việc bỏ ra một món tiền lớn, dành một sự nâng niu, chăm sóc đặc biệt cho cây sanh cổ thụ không hẳn do lòng kính ngưỡng tuổi tác của nó mà vì lý do thực tế hơn nhiều: lợi nhuận mà nó đem lại.
Nhìn ngắm cây sanh cổ thụ với dáng đứng hùng vĩ ở một vùng ven thành phố, tôi chạnh nghĩ tới nỗi trống vắng của một vùng núi mà từ bao nhiêu năm qua cây sanh này đã là bóng râm quen thuộc, đã là hình dáng quen thuộc. Sự quen thuộc không chỉ của núi rừng mà còn với bao thế hệ con người nơi đó. Người dân vùng này có việc qua nơi ở cũ của cây sanh cổ thụ, thấy một khoảng trống, chắc hẳn lòng cảm thấy một mất mát khó thể nguôi ngoai.
**
Rời cây sanh có cái mạng lớn, chúng tôi tiếp tục đi về hướng đồi Vọng Cảnh. Đây là một ngọn đồi thấp , cao khoảng 43m, cách Huế 7 km về phía Tây Nam ,chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương, đối diện với điện Hòn Chén. Nằm nghỉ ngơi giữa vùng lăng tẩm, đồi Vọng Cảnh là một danh thắng của cố đô. Cái đẹp không ở hình dáng ngọn đồi mà ở chính vị trí tuyệt đẹp của nó, như tên gọi, đứng trên đồi mà nhìn ngắm cảnh sắc sông Hương thì không nơi nào bằng. Trong một tập địa phương chí về thị xã Huế (được biên soạn vào năm 1973), phần Thắng cảnh và du lịch có một đoạn viết về Vọng Cảnh như sau:
"Soi bóng trên dòng sông Hương nước chảy lờ đờ, đồi Vọng Cảnh gần sát lăng Tự Đức là một ngọn đồi cao, chung quanh gò đống nối nhau như rồng cuộn. Đứng trên đồi nhìn xuống mới thấy tất cả cái vẻ đẹp thơ mộng của non nước Hương Bình, núi sông hòa điệu nhịp nhàng với không khí trầm mặc, êm ả, xa xa lăng tẩm các nhà vua ẩn hiện dưới bóng cây xanh và từ đồi Vọng Cảnh nhìn qua bên kia sông Hương là điện Hòn Chén”.
 
     Đồi Vọng cảnh       Điện hòn chén .     Lăng Tự Đức      Lăng Đồng Khánh    .Lăng Thiệu Trị 
  Phía trên:     Chùa Thiên Mụ .       Trong vạch màu   Kinh thành Huế 


  Năm 2004, UNESCO đã có văn bản mời tỉnh Thừa Thiên lập hồ sơ đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ - trong đó có đồi Vọng Cảnh – tiến cử vào danh mục di sản thế giới. Thế nhưng chỉ sau đó một năm, ngọn đồi di sản này có nguy cơ bị hủy hoại bởi một dự án xây dựng khách sạn trên đó. Đó là một dự án lớn của một nhà đầu tư Hà Lan nhằm biến ngọn đồi này thành một khu du lịch trong một hệ thống Life Resorts trên lãnh thổ Việt Nam . Công cuộc xây dựng được tiến hành nhanh chóng. Chỉ sau mấy tháng có quyết định của UBND Tỉnh, đơn vị thiết kế đã cho khoan thăm dò địa chất để thiết kế nền móng cho công trình tại khu vực đồi.
 
Phối cảnh khách sạn trên đồi Vọng Cảnh

Khi các nhà trí thức, các nhà văn hóa lên tiếng bảo vệ thì nó đã bị khoan 5 lỗ. Tuy nhiên, dù vào cuộc chậm hơn, bước đi chậm hơn các nhà kinh doanh; các nhà trí thức, các nhà văn hóa ở Huế và cả nước cũng đã cứu được ngọn đồi xinh đẹp. Hôm nay lên thăm lại đồi Vọng Cảnh, lòng không khỏi vui mừng thấy ngọn đồi thân thương vẫn nằm yên lành bên bờ sông Hương. Dự án kia, sau mấy lần điều chỉnh, đã tìm được một nơi thích hợp hơn, đó là cồn Hến.
 
Lên đồi, đi quanh một vòng, bỗng nhớ câu thơ của Bùi Giáng:
Dạ thưa phố Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.
Thế sự và phố phường đã lắm lần bể dâu nhưng dòng Hương vẫn còn lặng lẽ trôi êm đềm, và đồi Vọng Cảnh, sau một lần thoát nạn , lại vẫn nguyên dáng xưa yêu kiều bên dòng sông mộng.




Lát sau thì Hồng đến, chúng tôi chụp thêm một số ảnh “nghệ thuật”: Vọng Cảnh trong nắng chiều.



"Ảnh nghệ thuật" của Nguyễn Văn Hồng

Nguyễn Tô vẫn còn duyên dáng lắm! (ảnh của Nguyễn Văn Hồng)

 Nguyễn Văn Hồng vàng rực trong nắng chiều (ảnh của Nguyễn Tô)
Đường về ở vùng đồi thật êm ả, vắng vẻ, ít nhiều đìu hiu khiến lòng người lắng xuống. Hai bên đường là những hàng thông cao, bóng râm đổ xuống mặt đường nhựa thẫm đen dần. Nhớ hồi đó, mấy anh em tôi trong độ thiếu niên vẫn thường đạp xe qua lối này lên Thiên An hốt rác thông khô về chụm bếp thay cho củi (củi hồi đó rất đắt). Dù phải đi kiếm rác xa, chúng tôi vẫn mong đến chiều thứ bảy để đi “lao động” theo lệnh của ba tôi. Vì thật ra, đối với chúng tôi, đó là những cuộc du lịch dã ngoại vô cùng thú vị. Trên đồi thông bát ngát, giữa một vùng thiên nhiên xanh tươi trong lành chúng tôi mặc sức chạy nhảy leo trèo, tha hồ hú gọi để nghe âm vang trong trẻo hồn nhiên của mình từ những ngọn đồi chung quanh vọng lại; vui chơi mệt thì nằm trên cỏ mềm lặng ngắm mây trời và thả hồn mơ mộng. 
Rồi cũng lối đi này, ngày xưa đạp xe cùng tôn nữ qua mấy ngõ hoa để rồi gió cuốn mây bay cách một đại dương, cách mấy bờ mộng mị…
Ôi, chỉ đôi phút hồi tưởng mà sao thấy lòng hiu hắt không đâu
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn ra... ồ phố xa lạ…
(TCS)
Ừ hí, rứa mà đã hơn phần tư thế kỷ trôi qua rồi.
Hoài niệm cùng đi theo tôi thêm một đoạn đường dài. Xuôi dốc Nam Giao, chúng tôi về đến phố. Lặng nhìn dòng Hương êm trôi, lòng tôi nghe vang vọng câu thơ của ai đó mà giờ tôi đã quên tên:
Anh về bên sông nhặt hòn cuội nhỏ
Ném thia lia vào kỷ niệm mù tăm…*

th@nhdalat
18.9.2010
…………………………………………………
* Hình như thơ của Lê Đức Dục
Nguyễn Văn Hồng vàng rực trong nắng chiều (ảnh của Nguyễn Tô)

2 thg 9, 2010

Mấy ngày nghỉ hè ở Huế - 3 Trở về với gánh cơm hến


Về nhà nghỉ được một ngày, vừa rũ gần sạch bụi đường xa thì đã nghe Hùng gọi điện thoại hẹn lát nữa đi ăn cơm hến. Đã nghe giọng Huế thứ thiệt lại thêm hai tiếng cơm hến nữa thì cảm giác Huế đã rõ ràng rồi, nghe như cái vị hến thấm ở đầu lưỡi. Lòng thấy ấm áp trước tình bạn học cũ nồng hậu.
Nắng Huế lên sớm. Mới 7 giờ sáng đã một sắc vàng đậm đà, khỏe khoắn chan hòa trên cây lá, chảy tràn trên các nẻo đường. Hùng dừng xe trước nhà Tạo. Tui tưởng mình hoa mắt. Căn nhà cổ thâm nghiêm bên bờ sông An Cựu răng sáng ni xôn xao kẻ ngồi người đứng? Ngồi trước bậc thềm nhà là một người phụ nữ khá đứng tuổi đang thoăn thoắt múc cơm, bỏ hến, các loại rau cùng gia vị , nước dùng vào đoại. Một cô bé tóc cột đuôi gà nhanh nhẹn đem từng đoại cơm hến cho khách ăn. Nhìn kỹ, tôi ngỡ ngàng nhận ra người phụ nữ bán hàng ấy là Loan, vợ của Tạo, còn cô bé tóc đuôi gà là bé Lan, gái út của Tạo. Hùng nói:
- Cơm hến đây ngon lắm, ngồi xuống làm một đoại đi.
Hùng kéo tay tui lúc tui còn tần ngần nhìn Loan, mới năm ngoái về còn thấy điệu đàng quý phái... Dù việc làm ăn của Tạo lúc đó đã xuống dốc nhưng nàng vẫn còn giữ nếp nhà, giữ cái phong thái đường hoàng hợp điệu với ngôi nhà cổ kính. Loan mải việc không nhìn thấy tui. Tui vội kéo tay Hùng theo lối hẹp vào nhà sau . “Thôi, vào gặp Tạo đã”. Hùng nói :“Mi ngại chi rứa”, nhưng cũng đi theo tui.
Vừa vào đến khoảnh sân nhà sau thì đã thấy một gã đàn ông ngồi lúi húi rửa đoại. Cái dáng tròn, mập, đầu cắt tóc ngắn quen quen. Hùng ồm ồm:
-Rửa đoại chi mà chậm chạp rứa hè. Hết đoại múc cơm hến rồi đó!
Gã đàn ông ngước mặt lên, cười nhẹ:
- Lo chi, mô rồi cũng vô nớ thôi.
Tạo đó ư ? Tôi nhìn Tạo, cũng ngỡ ngàng như khi gặp Loan trong dáng vẻ người đàn bà bán cơm hến.
Một đại gia trong nghề buôn phế liệu, ngang dọc Bắc , Nam , với những hợp đồng bạc tỉ bây giờ đang ngồi rửa đoại cho vợ bán hàng ăn sáng! Nhưng càng ngạc nhiên hơn: khuôn mặt Tạo trông thật thanh thản, bình an.
-Mi ra lúc mô?
-Hôm tê. Xuống rủ ông đi cà phê đây.
-Đợi tau một xí. Ăn sáng chưa, cơm hến nghe. Ơ Lan ư.ơ.i…
Tui vội ngăn lại:
-Thôi thôi, tụi tau ăn rồi. Tự nhiên đi.
Hùng vào nhà lấy hai cái ghế thấp, tụi tui ngồi xuống bên cạnh Tạo.
Ngoài kia, trước cửa nhà là cảnh xôn xao ăn uống, nhưng trong này, chỉ cách 10 mét lại là một thế giới của tĩnh lặng. Cách chỗ Tạo ngồi mấy bước chân là cái bể cạn có hòn non bộ ẩn khuất trong lùm trúc cảnh, phía trên cao, dưới mái hiên là mấy cái lồng chim . Tiếng chim hót buổi sáng như đẩy những lao xao ra khỏi khoảng sân rêu
  
Là sĩ quan chế độ cũ, sau thời gian cải tạo, trở về nhà Tạo làm bất kể việc gì để kiếm sống. Lên rừng tìm trầm, chạy xe thồ (xe ôm), buôn gỗ lậu, cuối cùng phất lên nhờ buôn phế liệu. Tạo trở thành nhà buôn lớn ở thành phố Huế. Nhưng cũng chính những năm làm ăn tất bật đó, thằng con trai một của Tạo bỏ học theo lũ bạn xấu lang thang các nơi ăn chơi, đốt tiền ở các chiếu bạc. Vầng trán đã nhăn bởi những lo tính chuyện kinh doanh, lại thêm nhiều nếp nhăn vì đứa con hư hỏng. Cách đây hai năm, nghề buôn phế liệu của Tạo gặp nhiều khó khăn, nhiều chuyến  hàng trốn thuế bị tịch thu. Vừa mất hàng vừa mất các mối làm ăn. Một số bạn hàng trở mặt. Chán nản, Tạo muốn rút chân ra khỏi nghề buôn phế liệu nhưng không thể. Các bạn hàng còn nợ Tạo một khoản tiền lớn buộc Tạo phải tiếp tục công việc để thu hồi dần. Việc làm ăn thua lỗ và nhùng nhằng, đứa con trai bỏ nhà vào Quảng Nam đào thiếc đã khiến Tạo rơi vào một cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Nhưng cũng có cái may, do việc buôn bán trì trệ, Tạo có thời gian để tìm cách thoát ra cơn trầm cảm. Tạo tìm đọc nhiều sách kinh Phật, kinh Thánh, kinh Dịch,… lên chùa đàm đạo với các nhà sư.
Những công phu nầy rồi cũng đem đến cho Tạo một số kết quả. Trong những lúc bạn bè gặp gỡ, Tạo là một diễn giả say sưa nói về con đường giải thoát. Nghe Tạo nói về lẽ thịnh suy ở đời, bạn bè ngồi nghe cũng cảm thấy tâm hồn mình như thanh cao hơn, như đã vượt lên những bon chen đời thường – ít ra là ngay lúc ấy.
Một lần, chúng tôi đang hăng say tranh cãi về một cuộc thi Hoa Hậu, vấn đề trí tuệ của các mỹ nữ chân dài, Tạo buông một câu khiến cả bọn “tắt đài”:
-Hoa hậu chân dài trí tuệ ngắn, hay trí tuệ dài ra răng thì cũng chỉ là cái túi da đựng toàn đồ nhơ bẩn, là sự giả hợp của đất, nước , gió, lửa đó thôi …
Lần khác, chúng tôi đang nói về cuộc gặp gỡ của hai nguyên thủ của hai nước lớn, đối trọng về quyền lực mà ảnh hưởng của cuộc gặp có quy mô toàn cầu. Tạo chậm rãi:
-Một giả tướng nhìn một giả tướng, vì vô minh nên cứ tưởng là thật!
Quả thật, triết lý cao siêu của nhà Phật luôn làm cho lý lẽ của cuộc sống trần gian trở nên tầm thường. Khi mà con người hướng tới từ bỏ tham, sân, si thì đúng là không còn gì để mà ngồi bàn cãi. Hầu như bao giờ Tạo cũng là người kết thúc cuộc tranh luận.
Thế nhưng, sau cuộc gặp mặt ồn ào, bọn tui ra về lòng nhẹ nhỏm – ít ra là vài phút sau đó, thì Tạo ra về với nét mặt trầm tư, với vầng trán đầy những nếp nhăn và một trái tim trĩu nặng. Tạo vẫn đang còn trong cơn khủng hoảng tinh thần.
 
Năm nay gặp lại Tạo, trông bạn khác hẳn. Nét mặt Tạo tràn đầy sự bình an. Sau khi giúp vợ dọn dẹp gọn gàng các thứ sau buổi bán hàng sáng, Tạo cùng chúng tôi đi tìm quán cà phê hàn huyên tâm sự.
Câu chuyện chuyển dần về hướng triết lý nhân sinh. Tạo nhấp một hớp trà, khẽ đặt xuống bàn, thong thả nói:
-Tau đã đọc nhiều kinh sách: Kinh Thánh, kinh Phật , Lão, đoc cả những triết nhân hiện đại như Krishnamurti, Osho,…Tau đi nghe các thầy thuyết giảng đến mê mẩn. Rứa mà cứ buồn sầu triền miên. Buổi sáng đi thể dục, rồi cà phê sáng, buổi chiều lai rai , quên mình đi một chốc, nhưng trở về nhà nhớ tới thằng con đang lang thang trong Nam , nghĩ tới chuyện làm ăn thất bát, những mưu mô, thủ đoạn thương trường tau lại như bị đọa dưới địa ngục. Nhưng chỉ một câu nói của một ông thầy cúng mà tau thức tỉnh. Thầy cúng chứ không phải đại sư, thiền sư chi mô. Cách đây gần một năm, một lần có công chuyện làm ăn tau vào Nam, ngồi gần ông thầy trên một chuyến tàu, nói chuyện cho quên đường dài. Tau lại nổi máu diễn giả, dẫn kinh sách này nọ. Ông nghe, khuôn mặt hiền từ thoáng sắc giận:
-Hỏng rồi, hỏng rồi! Phải xô đổ bức thành dày kinh sách mới mong, mới mong…
Tau cũng nổi giận. Vì tự ái. Từ đó im lặng suốt đoạn đường còn lại.
Nhưng rồi cơ duyên dắt dẫn răng đó, tau lại gặp ông ở sân chùa Từ Đàm trong một dịp lễ. Ông  đang bận nên chỉ chào hỏi qua loa, rồi nhìn sâu vào mắt tau, nói một câu:
-Mỗi người có một cái nghiệp riêng, người nào nghiệp đó. Không ai gánh thay cái nghiệp của ai được mô.
Ông ni trước bảy lăm là trung úy Nhảy Dù, sau khi học tập về, lên núi tìm trầm, may mắn trúng được nửa ký kỳ nam, trở nên giàu lớn. Sẵn tiền, ông ta ăn chơi xả láng, khét tiếng Thọ- Kỳ- Nam . Rồi chẳng mấy chốc núi tiền tiêu tan. Ông ta lại lên núi, nhưng lần này thì cuốc đất làm rẫy. Rồi không biết cơ duyên nào mà trở thành thầy cúng.
Câu nói ngắn ngủi đơn giản của ông thầy cúng đã khiến tau nhìn mọi việc một cách khác hẳn.  Hè năm ngoái, thằng con về nhà, gầy guộc, xanh xao. Tau thuyết cho hắn một buổi. Hắn ngồi nghe, lầm lì, cuối cùng mới nói: “Con là ri đây, ba có nhồi vào đầu con bao nhiêu chữ thì con cũng lớn ngang ni thôi, không cao hơn được mô”. Lúc đó tau giận lắm. Sau này, nghĩ lại, hắn nói cũng có lý, mỗi người có một phận số, có cái nghiệp của mình, con mình có cái nghiệp của hắn, mình không gánh thay cho hắn được. À, mà thiệt ra hắn có phải là con mình đời đời kiếp kiếp mô. Hắn chỉ ghé qua trú ở nhà mình một kiếp trong cuộc luân hồi mà thôi.
Tạo nhấp một hớp trà, nói tiếp:
Còn như cái nghiệp của mình là ri đây, làm ăn lớn rồi cuối cùng trở về với gánh cơm hến – nghiệp nhà từ đời trước. Th@nhdalat à, từ khi nghe câu nói của ông thầy cúng, tau như tỉnh cơn mê, tau buông bỏ được nhiều thứ. Bây chừ tụi bay thấy đó, gánh cơm hến của nhà tau đông vui không? Cơm hến “Tạo phế liệu” bắt đầu nổi tiếng rồi đó, ha ha ha…
Giọng cười sảng khoái vang lên, nụ cười tươi sáng nở trên khuôn mặt Tạo, khuôn mặt bình an và đẹp trong nắng trưa. Những nếp nhăn trên trán Tạo bớt hắn đi.

Tui mừng cho bạn đã tìm được an lạc bởi một câu nói hợp với căn duyên của mình. Nhưng con đường đến an lạc đâu chỉ có một. Con đường của Tạo không phải là con đường của tui, tui vẫn mãi đi tìm…
              Photobucket
thanhdalat
31.8.2010
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Cơm hến đây nì
Ý kiến của một blogger về cơm hến nhà "Tạo-phế -liệu": 
Cảm nhận vị ngọt của nước hến thấm dần đầu lưỡi, chất béo hến lan toả trong miệng, vị thơm lừng của nhóm rau thơm nồng dâng lên mũi, vị dòn rụm của đậu phộng cộng thêm vị cay xé của ớt huế thấm đượm đầu môi. (NYhttp://vn.360plus.

Các bạn muốn thưởng thức một đoại cơm hến thiệt sự và các món Huế khác, xin mời đến quán Cố Đô của Butsref .http://vn.360plus.yahoo.com/butsref
*

23 thg 8, 2010

Mấy ngày nghỉ hè ở Huế - 2 - MỘT NGÀY CỦA MẠ

Một ngày của mạ

1.
Buổi sáng, lúc mấy đứa con lớn đầu của mạ (1) còn đang cuốn mùng, đã thấy mạ ra mở quán. Cái quán tạp hóa nhỏ trong xóm nghèo lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng giúp mạ có việc để tính toán, để loay hoay tới lui cho vui tuổi già. Mạ đi chậm thôi, mạ làm việc chậm thôi, nhưng khi đứa con lớn đầu này bước ra sân thì mạ đã sắp xếp xong các món hàng đâu vào đó rồi. Mạ ngồi têm trầu rồi nhai bỏm bẻm, vẻ như đang ngóng chờ. Mạ ngóng chờ chi sáng sớm? Lúc này đã có ai mua hàng đâu? Tui giúp mạ treo tấm vải bạt che nắng. Lâu lắm mới về nhà, làm siêng một chút chứ bao nhiêu ngày nắng mưa mạ tự loay hoay làm hết trong khi o Hiệp còn phải đi chợ, chạy hàng và làm mấy việc khác.
-Ai canh khô ô ô ô…….ng!
Đôi mắt mạ sáng lên. Mạ không phải gọi vì o bánh canh quen rồi, hễ thấy ánh nhìn của mạ là đặt gánh hàng xuống hiên trước của quán. Cũng như phần nhiều gánh hàng ăn sáng ở Huế, gánh bánh canh o ni là từ bên làng Thủy Dương (bên kia sông An Cựu, ngoại ô thành phố Huế) gánh qua thành nội. Thường thì người dân Huế ăn sáng chỉ một đoại(2) 2000đ là đủ. Vậy mà mạ gọi một đoại đến 4000đ. Mạ gọi tui vào. “Ăn đi , bánh canh o ni mi thích đó!”
Ui trời, mạ nhớ dai dữ. Đúng là năm ngoái, năm tê chi đó, một lần ăn bánh canh tui có nói với mạ : “Bánh canh ai nấu mà ngon thiệt!” Rứa đó mà sáng nay mạ ra quán sớm ngóng đợi o bánh canh ni, để gọi cho tui một đoại đặc biệt!
Đoại bánh canh quê nhà sáng ni ngon quá, bởi vì trong đó có một thứ gia vị tuyệt vời: tình mẹ!

2.
Buổi trưa oi nồng, quán tạp hóa khép cửa, mạ vào nhà  nằm nghỉ. Lúc cả nhà đang thiu thiu thì nghe tiếng gọi từ ngoài ngõ.
-Bán cho 500 đồng nước đá, 500 đồng kẹo.
Tui dợm dậy nhìn qua, mạ cũng đang ngồi dậy huơ huơ chân tìm đôi dép.
-Thôi lựng (3) mạ. Mua có mấy trăm đồng mà dậy chi cho mệt rứa!
-Mi cứ ngủ trưa đi, kệ tau. Người ta cần thì cũng như mình cần rứa, ra bán cả (kẻo) tội.
Cả tội! Mấy tiếng này tôi nghe mạ nói hoài. Tui còn nhớ kỳ phép hè năm kia, ngồi than phiền với mạ, bằng một giọng hậm hực, về một người cùng làng tha phương biệt dạng cả chục năm, bỗng một hôm lên Dalat tìm thăm, hàn huyên tâm sự chuyện làng nước họ hàng , khi từ giã có hỏi mượn tiền, nói ra ngoài nhà trả ngay. Thế mà đã nhiều năm rồi không nghe nói năng chi. Nghe tui nói xong, mạ ngồi thừ ra, rồi nói , giọng buồn buồn, thương xót:
-Rứa à, chắc ông nớ đói lắm. Người ta khổ lắm mới làm rứa con à. Tội nghiệp, tội nghiệp!
“Cả tội!” Mấy tiếng ni khiến tui không nói năng chi thêm được, bèn ra phụ mạ chặt nước đá, còn mạ lấy kẹo đưa cho thằng bé. Thằng bé tóc cháy nắng, chỉ mặc độc cái quần xà lỏn, hở cả rốn, trông thiệt dễ thương. Tui nghĩ thầm: mình cố nhớ 500 đồng là mấy cái kẹo để khi khác bán giùm cho mạ để mạ yên giấc trưa. (vậy mà suốt kỳ nghỉ hè tui có nhớ được chi mô, hàng tạp hóa cả trăm thứ linh tinh không làm răng nhớ hết).
Thằng bé gật đầu chào mạ “Con về mệ hí!”(4) rồi dợm chân một cái chạy vèo. Không đưa tiền. Mạ cười :” Chạy chậm cả bổ (té). Thằng cha mi, xớn xớn xác xác!”(5)
Rứa đó. Bán hàng chịu mà. Không sổ sách chi cả, rứa mà mạ nhớ hết mới tài!
Có lần tui lấy cuốn tập, làm tài lanh hỏi mạ mua chi, bán chi,…kẻ dọc mấy cột, kẻ ngang mấy dòng, ghi vào ra bộ “khoa học, kỹ thuật” lắm. Nhưng đúng là tài lanh thôi. Mạ không dùng , rồi mọi việc vẫn đâu vào đó theo cách tính dân gian lâu đời của mạ.
Nhưng hè năm nay đã có một chuyện làm tui không an lòng.
Một buổi trưa, lúc tui đang ngồi trông quán cho mạ một lát để mạ vào làm bếp thì có người khách ghé vào, hỏi mệ ở mô, rồi đưa cho tui 5 000 đ, bảo : "Mệ thối tiền nhầm." Ui, mạ đã nhớ nhầm thì có nghĩa là mạ đã già yếu hơn trước rồi.
Tui rưng rưng nước mắt.
3.
Đêm World cup này, không đi qua nhà ông bạn hàng xóm để cùng xem, tui lọ mọ dậy ngồi coi một mình. Tui vặn volume thật nhỏ và ngồi gần màn hình để xem. Căn nhà rường cổ xưa vốn chật hẹp nên khó cản được âm thanh của trận cầu sôi động vang trong nhà, lại thêm tiếng kèn Vuvuzela rền rĩ suốt trận đấu nữa chứ! Tôi ngồi coi được gần một hiệp thì nghe có tiếng dép lệt xệt. Mạ đi xuống bếp. Tui áy náy hết sức, muốn tắt Tivi đi ngủ nhưng trận cầu đang có những tình huống hấp dẫn nên cố nán cho hết hiệp một. Khi hiệp một kết thúc, định tắt Ti vi thì nghe tiếng mạ nói:
-Ăn chút mì cho khỏe con.
Tui bổng cáu gắt:
-Chao ôi là mạ! Mặc con, con có đói mô. Răng mạ dậy làm chi cho khổ rứa!
-Tau thấy mi ngồi coi một mình tội tau nấu cho đoại mì đó. Mi thiệt khó chịu!
Ánh mắt từ ái của mạ đang nhìn tôi làm tui cảm thấy ân hận vì đã cáu gắt với mạ. Tôi cầm đũa lên.
-Con ăn đây. Thôi mạ vô ngủ đi.
Chợt nhớ một chuyện , tui hỏi :
-Bàn chân của mạ răng rồi?
-Đi lại được như thường rồi con à.
-Con biết, nhưng còn đau nhức chi không?
-Hết đau rồi con.
Mấy tháng trước, ở Dalat tui đã nghe tin: mạ bị vấp ngã gãy xương bàn chân, chỗ gần các ngón. Phải đăng bột cả tháng mới lành. Vậy mà từ hôm về nhà đến giờ tui không nghĩ đến, mà mạ thì cứ lo lắng cho tui từng tí, cứ như tui vẫn còn là thằng bé trong vòng tay mạ.
Tôi bật đèn lên coi bàn chân mạ. Bàn chân đã lành lặn, chỉ còn một vạch sẹo trắng chạy ngang. Thật là ơn phước. Thường thì người già bị gãy xương rất khó lành, nếu may mắn cũng phải hai tháng mới đi lại được, còn mạ thì mới đăng bột hơn một tháng đã đòi tháo bột vì thấy khó chịu, bực bội. Chìu mạ, chú Mừng đã xẻ tháo bột ra. Vui thay, mạ đi lại được gần như bình thường. Tui nghĩ thầm, mạ sống có đức nên trời thương.
Giờ đây tui lại sống xa mạ, nghĩ về mạ lòng ngùi ngùi. Nhưng tui biết mạ còn lo lắng cho tui nhiều hơn.
Vài hôm nữa mùa Vu Lan về, sung sướng biết bao, tui sẽ lại đến chùa để được các em Oanh Vũ cài lên ngực đóa hoa hồng thắm.
 
thanhdalat
Mùa Vu Lan 2010
Chú thích một số tiếng Huế dùng trong bài viết:
(1)   Mạ : mẹ
(2)   Đoại : tô
(3)   Lựng : lận, mà.
(4)   Mệ: Bà nội hay bà ngoại.
(5)   Xớn xác : hấp tấp, vội vàng.