24 thg 8, 2013

Một thoáng Huế, hè 2013 (2)

Xem MỘT THOÁNG HUẾ, HÈ 2013 (1) theo đường dẫn sau :

Bánh bèo



Hồ Tịnh, là tiếng chúng tôi thường gọi hồ Tịnh Tâm, cách nhà tui chưa đến 200 m, trên đường ra phố tui thường đi qua nơi này. Hồ Tịnh vốn là khu thượng uyển nổi tiếng hàng đầu của vương triều Nguyễn.
Một nhà báo đã viết:

“Với kiểu kiến trúc cầu kỳ, nhưng hết sức hài hòa với tự nhiên, hồ Tịnh Tâm được xem là một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam thế kỷ 19. Cảnh đẹp của hồ đã tạo nguồn thi hứng và trở thành đề tài cho nhiều bài thơ, chùm thơ nổi tiếng của các vua Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... Và đặc biệt, trong chùm thơ ca ngợi 20 cảnh đẹp đất Thần kinh của vua Thiệu Trị đã xếp hồ Tịnh Tâm là cảnh đẹp thứ 3, cho in bài thơ “Tịnh hồ hạ hứng” cùng với phong cảnh hồ vào tranh gương để treo ở các cung điện”. (Chạnh buồn bên hồ Tịnh Tâm, Bùi Ngọc Long)


Một thắng cảnh như rứa mà hại thay, sự trùng tu, tôn tạo lại diễn ra quá chậm, đên nay qua hồ Tịnh tui vẫn còn thấy hoang sơ, xơ xác. 
Hồ sen xưa nay trồng rau muống
Lầu bát giác được làm lại, lợp tôn, kích thước nhỏ và thấp hơn.
Ven hồ có một nhà hàng treo một bảng hiệu như ri:
Thoạt nhìn tưởng là đôi câu đối theo kiểu xưa, nhưng đọc kỹ hơn thì hai câu đối chẳng chỉnh chút mô về ý cũng như về luật. Đúng là “đũa mốc mà chòi mâm son”. Cái đặc sản ẩm thực nhậu nhẹt kéo cái di sản văn hóa xuống  chỗ  phàm tục một cách phũ phàng!
Không vào quán “đặc sản” dê nhưng dường như cái mùi phàm tục ấy vẫn ám ảnh chúng tôi thêm một đoạn đường dài. Chúng tôi quyết định quên cái “câu đối”  ấy bằng cách tìm ăn món quà đặc Huế: Bánh bèo cung An Định. Cung An Định (tư dinh của bà Từ Cung Thái Hậu - mẹ Vua Bảo Đại) nằm ở phía nam Huế.  Nàng chở tui qua cầu Tràng Tiền. Lúc dừng chờ đèn xanh, tui nhìn lên khoảng trời trước mặt:
-Núi Ngự Bình mô không chộ Xanh ơi!
-Anh ni vui rứa thê! Núi Ngự Bình ở phía tê tề, mà đứng đây bị nhà cửa che làm răng mờ chộ. Cái anh ni vui! (tiếng vui vút lên cao khiến cho chữ vui mang ý cười chê: anh ni tức cười quá!khùng quá!).
À mà tui “vui” thiệt, trước mắt tui là tòa nhà vuông vức môt khối thô cứng, không hòa điệu chút nào với Huế dịu dàng, sâu lắng, vươn lên cao, lừng lững che cả một khoảng trời phương nam Huế.
Câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng:
Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương…
Chiều ni tui nghe như một nỗi tiếc nhớ xót xa: Huế đổi thay nhiều quá, chỉ còn núi Ngự và sông Hương là “trơ gan cùng tuế nguyệt”!


Quán bánh bèo cung An Định dễ tìm như Tịnh Tâm quán vì nó ăn theo tên một địa danh. Nhưng nếu việc ăn theo của quán thịt dê Tịnh Tâm khiến chúng tôi phiền lòng thì việc ăn theo của quán bèo nậm lọc lại khiến chúng tôi thích thú, tò mò. Cái tên “cung An Định” đã gợi cái chất Huế rồi, mà những món quà chiều nay lại là đặc sản ẩm thực Huế, là những món ăn bình dân thanh tao, nhẹ nhàng. Hai cái tên BÁNH BÈO và CUNG AN ĐỊNH  thiệt là hợp với nhau. Quán nằm ở một đường nhỏ bên phải khuôn viên cung An Định, thế thì tên gọi cũng có lý, may thay, hương vị món ăn cũng đậm đà, thái độ phục vụ khách hàng cũng nhẹ nhàng, rất Huế.
-         Cho hai dĩa bánh nậm lọc, ít ram nghe.
-         Dạ.
-         Cho nhiều ớt vô nghe.
-         Dạ.
-         Tui ăn cay lắm.
-         Dạ.
-   O có nghe câu ni chưa : Không ăn đậu không phải là người Mễ, không đi trễ không phải là người Việt.
-   Dạ.
-   Tui thêm : Không ăn cay không phải là người Huế, đúng không o?
-   Dạ.
-   O ni vui hè, noái chi cũng dạ!
-   Dạ.
Dạ, dạ, dạ,…nghe thiệt là Huế.
Tôi ngần ngừ trước cái bánh nậm còn lại trên dĩa. Bụng hơi no mà nhiều thứ bánh ngon khác còn chờ,…Thấy vậy, nàng cao giọng:
-Ăn họn cho rồi chơ làm duyên làm dáng chi nữa!
Ăn “họn”(ăn luôn đi, ăn quách đi cho xong)! Ui chao! Lâu lắm mới nghe lại cái tiếng rất Huế này!
…tui bỗng nhận ra một điều may mắn mà mấy hôm trước mãi bận tâm, bực bội vì những cái “phản Huế” tui không nhận ra: tui đang được ngồi ăn món quà Huế bên một cô nàng người Huế ! Mà như rứa cái thú thưởng thức văn hóa ẩm thực Huế mới trọn vẹn.
Trong khi lắng nghe vị bùi, béo, mềm mịn tan dần trong miệng, tui bốc phét:
-Vài năm nữa nghỉ hưu anh sẽ mở một quán món ngon xứ Huế, mời o chủ quán bánh bèo cung An Định vào làm bánh, Xanh thấy răng hè?
Nàng dí ngón tay thon mềm vào trán tui:
-Xí! Anh đừng có mà mợt nghe! Chủ nhà hàng Kim Long trả o 15 triệu một tháng mà o có thèm ừ hử chi mô!
Không cần biết Kim Long quán ở đâu, mười lăm triệu nhiều ít thế nào, tui đã bị choáng bởi tiếng “mợt” thốt ra từ cái miệng xinh đẹp của nàng rồi!
Lại thêm một tiếng Huế “chính chủ” mà tui đã quên bẳng đi từ lâu. (“mợt” là tưởng bở!). Ôi, vừa nhai bánh ít ram, nghe vị dòn rụm của bánh ram trộn lẫn với cái mềm mịn, dẻo dính của bánh ít vừa nghe âm vang của tiếng “mợt” rất Huế mơn man lỗ tai, sướng khoái nói răng cho hết!
Bánh ít ram
Dù còn thòm thèm, tụi tui vẫn phải rời quán ra về, mang theo hương vị bèo, nậm, lọc, ít ram cung An Định và âm vang ngọt ngào của hai tiếng đặc Huế: họn, mợt…
Cà phê Cố Hương vẫn thường là nơi nghỉ chân hóng mát của chúng tôi sau mỗi chiều dạo phố, quán ở bờ bắc sông Hương, nhìn ra khoảng sông xanh, êm ả giữa hai cây cầu quen thuộc: Tràng Tiền, Phú Xuân, hai cây cầu một cũ một mới bắt qua sông Hương như là biểu trưng cho cái cổ điển và cái hiện đại của Huế.(**)
Khi nắng chiều tắt hẳn thì cầu Tràng Tiền hiện ra với vẻ diễm lệ tân tiến của mình. Những vài cầu mềm mại lần lượt sáng lên với những màu sắc khác nhau. Đó là màu của những ngọn đèn màu được bố trí kín đáo để rọi sáng các vài cầu. cứ khoảng 3 phút cầu thay đổi màu một lần, có lúc mỗi vài cầu có một màu khác  nhau. Trong lúc đó thì những chiếc thuyền rồng với tiếng đàn ca réo rắt xuất hiện, lờ lững trôi qua . Đây là những chiếc thuyền chở du khách đi dạo sông Hương và trình diễn ca nhạc cung đình.
Trước cảnh non nước hữu tình đó, nàng cất tiếng hát nhỏ bài ‘Huế xưa”. Đây là bài hát tôi thích và đã nghe nhiều lần qua giọng ca Thiên Trang, Phi Anh nhưng lần này nghe nàng hát lòng tôi dạt dào cảm xúc. Tôi ngồi xích lại gần bên nàng, mê mẩn. Mê mẩn vì tiếng hát thân thương được cất lên trong khung cảnh hữu tình. Chúng tôi ngồi sát bên nhau lúc nào không hay, để lòng chơi vơi theo cảm hứng của cái đẹp của đất trời, của âm nhạc, của tình yêu Huế thiết tha, sâu thẳm trong lòng của những đứa con của Huế thương. Thật thanh cao, trong sáng, lòng không bợn chút bụi trần…
Tui đã tìm lại Huế của tui như rứa đó!
Sáng hôm sau, theo lời gọi của mệ Ba, tui ra quán Lục Bộ. Tại đây, thật vui, tui được gặp những khuôn mặt của Huế một thời:
Anh Cao Hữu Điền, anh Giảng, mệ Ba, R
Với các anh, hoài niệm từ một thời Huế xưa sôi động xuống đường hoặc thơ mộng lãng mạn tràn về. Những cái tên vang vang hoài niệm: Trường Quốc học, Đồng Khánh, giảng đường Đại học, cà phê Tổng Hội, cà phê Chín Lỗ bên sông  An Cựu(*), những ngày công tác xã hội ở những miền quê hoang tàn vì bom đạn,..hiện về trong hồi ức. Huế vẫn còn đó!
Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương…
Lúc này hai câu thơ của thi sĩ đất Quảng Nam vang lên như một lời khẳng định. Điều này càng được củng cố hơn vào những ngày cùng nàng đi thăm một vài cảnh cũ, thưởng thức những món ăn dân dã cổ truyền của Huế ở nhũng góc đường, hè phố của những gánh hàng giản dị, gặp lại những người năm xưa, đi vào chiều sâu của Huế.
thanhdalat
23/8/2013
Đi tìm lại Huế: (ảnh tui chụp, trừ ảnh thứ 14,15 nhờ chụp)
 Chùa Huyền Không Sơn Thượng

Cổng chùa Diệu Đế (Sư và tiểu lợp lại ngói)
Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế bên sông An Cựu
Cổng vào thành nội

Lầu Ngọ Môn
Con đường ngăn cách trường Quốc Học và trường Đồng Khánh

Bến nước làng Sình
O con gái Huế
Nói chuyện hội họa

Nói chuyện blog
Sinh hoạt Hướng Đạo. 8/2011 (nhiều thế hệ)
…………….
(*) Quán cà phê bên sông An Cựu của một gia đình gồm có bà mẹ và tám o con gái xinh đẹp trông coi. Sinh viên Huế thường đến “ngồi thiền” vì mấy o. Có cậu sinh viên nào đó ranh ma ngồi đếm “lỗ” rồi đặt tên cho quán.
(**)Gọi là cầu mới nhưng Phú Xuân xây dựng từ năm 1974; còn cầu Tràng Tiền có tuổi thọ đã hơn 100 năm.



12 thg 8, 2013

Một thoáng Huế, hè 2013 (1)

Xưa là Huế mộng, Huế mơ…
Huế đã tự nhiên đi vào thơ, nhạc từ lúc nào không hay. Không cần phải phát động phong trào viết về Huế, tự phong cảnh cố đô gợi cảm hứng cho khách thơ . Khách thơ viết về Huế như một cách tỏ tình với Huế.
Nhạc sĩ Văn Cao đã bày tỏ : Huế là một nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 40. Thơ và nhạc là điều tôi tìm từ nguồn ấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của Cố Đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tạo”. Việt Trang thì coi Huế là người bạn thơ, người bạn tri âm, ông trực tiếp tâm tình với Huế:
Tiếng thơ người gởi cho tôi
Tiếng  thơ tôi gởi cho người thiết tha.
                                                                (Bài thơ gởi Huế)
Con sông Hương, cầu Tràng Tiền, thôn Vĩ Giạ, Thành Nội, Kim Long,…những địa danh của Huế đã đẫm chất thơ tự bao giờ.
Nhưng có người quả quyết:
            “Vẻ đẹp Huế có nơi nào có được.
            Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư.”
khiến người Huế nghe mà ốt dột. "noái chi trạng rứa!" Rất may, nhà thơ đó không phải là người Huế và không nói đúng giọng Huế. (Thơ của Đỗ Thanh Bình, lúc đó, là Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh TP Quy Nhơn (Bình Định). Người phổ nhạc là Trương Thị Tuyết Mai, quê ở tỉnh Phú Yên).Nói giọng Huế phải như ri nì: “Vẻ đẹp Huệ có chỗ mô mà có được… Néc diệu dàng pha lững trầm tư.”

 Huế, hè 2013 trong mắt Rhum.
Lọc cọc…Ai canh khô…ng…rẻng rẻng…
Bắt đầu từ tiếng lọc cọc, rổn rảng như tiếng nhạc đệm cho tiếng rao quen: Ai…canh khô…ông….Thay cho đòn gánh tre đè nặng trên đôi vai o Lài là chiếc xe bốn bánh, đó là chiếc xe đẩy cải tiến . Phải chăng đây là kết quả của chuyến Mỹ du của o năm ngoái? Tự dưng lòng bâng khuâng vì sự hiện đại hóa gánh hàng rong của o Lài. Cũng đỡ nhọc nhằn cho o, nhưng …



Bánh khoái Thượng Tứ. Một cái tên quen thuộc trong ẩm thực Huế như cơm Hến Trương Định, bún bò mụ Rớt, nậm lọc Gia Hội; nói theo cách nói hôm nay: Bánh khoái Thượng Tứ là một “thương hiệu” có giá trị. Ngày xưa thơ bé, đã được thưởng thức một lần, nhớ hoài cái bánh bột chiên dày, đầy thịt, trứng, tôm, mực…Ăn một lần cứ ao ước mãi. Chiều hôm nay cùng một cô bạn Huế đi tìm lại hương vị cũ với bao nhiêu háo hức.
Tụi tui đến khúc đường ngoài cổng thành Thượng Tứ, nơi mà bánh khoái Huế thành danh. Có hai cái quán kề nhau : Lạc Thiện, Lạc Thạnh. Chúng tôi vào Lạc Thiện (có lẽ vì chữ Thiện nghe dễ thương hơn chữ Thạnh?). Khách chờ khá đông. Nhưng do lòng kiên nhẫn của tâm hồn ăn uống hoài cổ, chúng tôi cũng có được cái mình mong đợi: hai cái bánh khoái chất đầy cái dĩa trên bàn. Tôi và bạn im lặng thưởng thức cái món ăn đã là thương hiệu. Lật qua lật lại, ngắm nghía, nhai, nuốt,…Té ra cũng chẳng khác cái bánh xèo tôi vẫn thường ăn ở những góc đường vô danh ở Dalat, nghĩa là một món quà chiều bình dân, giản dị: bột chiên, con tôm, lát thịt ba chỉ. Cô bạn nói: bánh khoái dòn hơn bánh xèo! Chỉ vậy thôi sao? Vậy mà nhờ cái thương hiệu, bánh khoái đã lên ngôi một cách bất xứng. Chúng tôi đã trả cho cái thương hiệu đó khá đắt : 25.000đ/cái (trong khi một cái bánh xèo chất lượng tương đương : 5,000đ/cái).

 Buổi sáng cùng bạn đi cà phê, qua cầu Tràng Tiền, chiếc cầu xưa hẹp, những cô gái Huế mặc quần short, đội nón bảo hiểm, cỡi xe tay ga phóng vèo qua mặt, chen lách tài tình như làm xiếc. Còn đâu những mái tóc dài, vành nón lá, tà áo dài tha thướt bên mấy nhịp cầu? Câu hát xưa
Cầu Tràng tiền sáu vài mười hai nhịp,
Em qua không kịp tội lắm người ơi.
đã xưa rồi, vì chỉ vài phút thôi là chiếc xe tay ga đã đưa o tóc ngắn qua hết 12 nhip 6 vài.
A, mà chính cây cầu xưa cũng đã đổi khác sau một lần sửa chữa: thành cầu hai bên làm lại thẳng ro, cắt phăng các ban công ở hành lang hai bên tại vị trí các trụ cầu (nhịp cầu). Thế là khách qua cầu không còn chỗ để dừng chân ngắm sông Hương và cảnh vật hai bên bờ. (*)


Tụi tui ngồi ở quán cà phê ở góc đường Nguyễn Huệ (sau lưng trường Luật ngày xưa). Bên kia đường là tòa nhà khá lớn dùng làm thư viện tư nhân của gia đình ông Nguyễn Hữu Châu Phan, một nhân sĩ Huế, là chủ biên tập san Nghiên Cứu Huế.

Ông Nguyễn Hữu Châu Phan
 Đây là thư viện gia đình nhưng có nhiều cuốn sách cổ. quý hiếm mà ngay cả thư viện tỉnh, thư viện đại học Huế cũng không có, là kết quả một đời đọc sách của kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, thân phụ ông Nguyễn Hữu Châu Phan. Thư viện mở cửa cho sinh viên, học sinh hay bất cứ ai có nhu cầu đến đọc, hay mượn một cách dễ dàng, phục vụ miễn phí vào các ngày chẵn trong tuần. Năm 2008, tủ sách của gia đình Nguyễn Hữu đã giật giải “quán quân” tại cuộc thi “Tủ sách gia đình lần thứ 2” do NXB Văn nghệ tổ chức. Đang bình luận về cái thư viện tư nhân hiếm có này thì bên đường, một phụ nữ khoảng 40 tuổi, miệng rớm máu, tay lăm lăm hòn đá to dứ dứ vào mặt kính trước của chiếc xe hơi bóng loáng đậu trước quán, một gã đàn ông trung niên, có lẽ là ông chồng, ăn mặc lịch sự sấn sổ chạy đến, khách hàng ngồi gần đó đứng dậy can ngăn. Hình ảnh không chút thơ mộng này che khuất cái thư viện chúng tôi đang nói đến. Thấy tôi ngỡ ngàng trước cảnh tượng đó, người bạn dường như hiểu ý,, nói:
-Chuyện đời mà, ở đâu cũng có, riêng chi Huế.
Phải rồi, dẫu có bị một lớp bụi thời đại phủ lên, Huế vẫn còn đó. Điều này mấy hôm sau tôi đã có dịp nhận ra.

thanhdalat
12/8/2013
-------------
(*)Sau khi kết thúc chiến tranh (1975); mãi tới năm 1991 cầu Trường Tiền mới được khôi phục, trùng tu lần nữa. Ở lần trùng tu này do Công ty Cầu 1 Thăng Long đảm nhiệm, kéo dài trong 5 năm (1991-1995), có nhiều thay đổi quan trọng, đó là việc dỡ bỏ các ban công ở hành lang hai bên tại vị trí các trụ cầu, lòng cầu (cả đường chính và phụ) bị hẹp lại do phải nẹp thêm hai ống lan can, màu sơn ghi xám thay cho màu nguyên bản từ xưa của cầu là màu nhũ bạc,...[9].
Từ Festival Huế năm 2002, cầu Trường Tiền được lắp đặt một hệ thống chiếu sáng đổi màu hiện đại...

Huế, hè 2013

Xưa là Huế mộng, Huế mơ…
Huế đã tự nhiên đi vào thơ, nhạc từ lúc nào không hay. Không cần phải phát động phong trào viết về Huế, tự phong cảnh cố đô gợi cảm hứng cho khách thơ và khách thơ viết về Huế như một cách tỏ tình với Huế.
Nhạc sĩ Văn Cao đã bày tỏ : Huế là một nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 40. Thơ và nhạc là điều tôi tìm từ nguồn ấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của Cố Đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tạo”. Với Việt Trang, Huế còn là người bạn thơ, người bạn tri âm. Hãy nghe ông thì thầm :
Tiếng thơ người gởi cho tôi
Tiếng  thơ tôi gởi cho người thiết tha.
                                                                (Bài thơ gởi Huế)
 Con sông Hương, cầu Tràng Tiền, thôn Vĩ Giạ, Thành Nội, Kim Long,…những địa danh đã đẫm chất thơ.
Lại có người quả quyết:
            “Vẻ đẹp Huế có nơi nào có được.
            Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư.”
khiến người Huế nghe mà ốt dột. Rất may, nhà thơ đó không phải là người Huế và không nói đúng giọng Huế. Thơ của Đỗ Thanh Bình, nhạc của Trương Thị Tuyết Mai.  Đỗ Thị Thanh Bình, lúc đó, là Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh TP Quy Nhơn (Bình Định). Trương Thị Tuyết Mai quê ở tỉnh Phú Yên.Nói giọng Huế phải như ri nì: “Vẻ đẹp Huệ có chỗ mô mà có được… Néc diệu dàng pha lững trầm tư.”

.
 Huế, hè 2013 trong mắt Rhum.

Lọc cọc…Ai canh khô…ng…rẻng rẻng…
Bắt đầu từ tiếng lọc cọc, rổn rảng như tiếng nhạc đệm cho tiếng rao quen: Ai…canh khô…ông….Thay cho đòn gánh tre đè nặng trên đôi vai o Lài là chiếc xe bốn bánh, không chạy bằng xăng mà do o Lài đẩy tới. Phải chăng đây là kết quả của chuyến Mỹ du của o năm ngoái? Tự dưng lòng bâng khuâng vì sự hiện đại hóa gánh hàng rong của o Lài. Cũng đỡ nhọc nhằn cho o, nhưng …


Bánh khoái Thượng Tứ. Một cái tên quen thuộc trong ẩm thực Huế như cơm Hến Trương Định, bún bò mụ Rớt, nậm lọc Gia Hội; nói theo cách nói hôm nay: Bánh khoái Thượng Tứ là một “thương hiệu” có giá trị. Ngày xưa thơ bé, đã được thưởng thức một lần, nhớ hoài cái bánh bột chiên dày, đầy thịt, trứng, tôm, mực…Ăn một lần cứ ao ước mãi. Chiều hôm nay cùng một cô bạn Huế đi tìm lại hương vị cũ với bao nhiêu háo hức.
Tụi tui đến khúc đường ngoài cổng thành Thượng Tứ, nơi mà bánh khoái Huế thành danh. Có hai cái quán kề nhau : Lạc Thiện, Lạc Thạnh. Chúng tôi vào Lạc Thiện (có lẽ vì chữ Thiện nghe dễ thương hơn chữ Thạnh?). Khách chờ khá đông. Nhưng do lòng kiên nhẫn của tâm hồn ăn uống hoài cổ, chúng tôi cũng có được cái mình mong đợi: hai cái bánh khoái chất đầy cái dĩa trên bàn. Tôi và bạn im lặng thưởng thức cái món ăn đã là thương hiệu. Lật qua lật lại, ngắm nghía, nhai, nuốt,…Té ra cũng chẳng khác cái bánh xèo tôi vẫn thường ăn ở những góc đường vô danh ở Dalat, nghĩa là một món quà chiều bình dân, giản dị: bột chiên, con tôm, lát thịt ba chỉ. Cô bạn nói: bánh khoái dòn hơn bánh xèo! Chỉ vậy thôi sao? Vậy mà nhờ cái thương hiệu, bánh xèo đã lên ngôi một cách bất xứng. Chúng tôi đã trả cho cái thương hiệu đó khá đắt : 25.000đ/cái (trong khi một cái bánh xèo chất lượng tương đương : 5,000đ/cái).
Bà chằng lửa?
 Một sáng ngồi ở quán cà phê ở góc đường Nguyễn Huệ (sau lưng trường Luật ngày xưa). Bên kia đường là tòa nhà khá lớn dùng làm thư viện tư nhân của gia đình ông Nguyễn Hữu Châu Phan, một nhân sĩ Huế. Đây là thư viện gia đình nhưng có nhiều cuốn sách cổ. quý hiếm mà ngay cả thư viện tỉnh, thư viện đại học Huế cũng không có, là kết quả một đời đọc sách của kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, thân phụ ông Nguyễn Hữu Châu Phan, thư viện mở cửa cho sinh viên, học sinh hay bất cứ ai có nhu cầu đến đọc, hay mượn một cách dễ dàng, phục vụ miễn phí vào các ngày chẵn trong tuần. Năm 2008, tủ sách của gia đình Nguyễn Hữu đã giật giải “quán quân” tại cuộc thi “Tủ sách gia đình lần thứ 2” do NXB Văn nghệ tổ chức. Đang bình luận về cái thư viện tư nhân hiếm có này thì bên đường, một phụ nữ khoảng 40 tuổi, miệng rớm máu, tay lăm lăm hòn đá to dứ dứ vào mặt kính trước của chiếc xe hơi bóng loáng đậu trước quán, một gã đàn ông trung niên, có lẽ là ông chồng, ăn mặc lịch sự sấn sổ chạy đến, khách hàng ngồi gần đó đứng dậy can ngăn. Hình ảnh không chút thơ mộng này che khuất cái thư viện chúng tôi đang nói đến. Thấy tôi ngỡ ngàng trước cảnh tượng đó, người bạn dường như hiểu ý, nói:
-Chuyện đời mà, ở đâu cũng có, riêng chi Huế.
Phải rồi, Huế vẫn còn đó dẫu có bị một lớp bụi thời đại phủ lên. Điều này mấy hôm sau tôi đã có dịp nghiệm ra.