23 thg 8, 2010

Mấy ngày nghỉ hè ở Huế - 2 - MỘT NGÀY CỦA MẠ

Một ngày của mạ

1.
Buổi sáng, lúc mấy đứa con lớn đầu của mạ (1) còn đang cuốn mùng, đã thấy mạ ra mở quán. Cái quán tạp hóa nhỏ trong xóm nghèo lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng giúp mạ có việc để tính toán, để loay hoay tới lui cho vui tuổi già. Mạ đi chậm thôi, mạ làm việc chậm thôi, nhưng khi đứa con lớn đầu này bước ra sân thì mạ đã sắp xếp xong các món hàng đâu vào đó rồi. Mạ ngồi têm trầu rồi nhai bỏm bẻm, vẻ như đang ngóng chờ. Mạ ngóng chờ chi sáng sớm? Lúc này đã có ai mua hàng đâu? Tui giúp mạ treo tấm vải bạt che nắng. Lâu lắm mới về nhà, làm siêng một chút chứ bao nhiêu ngày nắng mưa mạ tự loay hoay làm hết trong khi o Hiệp còn phải đi chợ, chạy hàng và làm mấy việc khác.
-Ai canh khô ô ô ô…….ng!
Đôi mắt mạ sáng lên. Mạ không phải gọi vì o bánh canh quen rồi, hễ thấy ánh nhìn của mạ là đặt gánh hàng xuống hiên trước của quán. Cũng như phần nhiều gánh hàng ăn sáng ở Huế, gánh bánh canh o ni là từ bên làng Thủy Dương (bên kia sông An Cựu, ngoại ô thành phố Huế) gánh qua thành nội. Thường thì người dân Huế ăn sáng chỉ một đoại(2) 2000đ là đủ. Vậy mà mạ gọi một đoại đến 4000đ. Mạ gọi tui vào. “Ăn đi , bánh canh o ni mi thích đó!”
Ui trời, mạ nhớ dai dữ. Đúng là năm ngoái, năm tê chi đó, một lần ăn bánh canh tui có nói với mạ : “Bánh canh ai nấu mà ngon thiệt!” Rứa đó mà sáng nay mạ ra quán sớm ngóng đợi o bánh canh ni, để gọi cho tui một đoại đặc biệt!
Đoại bánh canh quê nhà sáng ni ngon quá, bởi vì trong đó có một thứ gia vị tuyệt vời: tình mẹ!

2.
Buổi trưa oi nồng, quán tạp hóa khép cửa, mạ vào nhà  nằm nghỉ. Lúc cả nhà đang thiu thiu thì nghe tiếng gọi từ ngoài ngõ.
-Bán cho 500 đồng nước đá, 500 đồng kẹo.
Tui dợm dậy nhìn qua, mạ cũng đang ngồi dậy huơ huơ chân tìm đôi dép.
-Thôi lựng (3) mạ. Mua có mấy trăm đồng mà dậy chi cho mệt rứa!
-Mi cứ ngủ trưa đi, kệ tau. Người ta cần thì cũng như mình cần rứa, ra bán cả (kẻo) tội.
Cả tội! Mấy tiếng này tôi nghe mạ nói hoài. Tui còn nhớ kỳ phép hè năm kia, ngồi than phiền với mạ, bằng một giọng hậm hực, về một người cùng làng tha phương biệt dạng cả chục năm, bỗng một hôm lên Dalat tìm thăm, hàn huyên tâm sự chuyện làng nước họ hàng , khi từ giã có hỏi mượn tiền, nói ra ngoài nhà trả ngay. Thế mà đã nhiều năm rồi không nghe nói năng chi. Nghe tui nói xong, mạ ngồi thừ ra, rồi nói , giọng buồn buồn, thương xót:
-Rứa à, chắc ông nớ đói lắm. Người ta khổ lắm mới làm rứa con à. Tội nghiệp, tội nghiệp!
“Cả tội!” Mấy tiếng ni khiến tui không nói năng chi thêm được, bèn ra phụ mạ chặt nước đá, còn mạ lấy kẹo đưa cho thằng bé. Thằng bé tóc cháy nắng, chỉ mặc độc cái quần xà lỏn, hở cả rốn, trông thiệt dễ thương. Tui nghĩ thầm: mình cố nhớ 500 đồng là mấy cái kẹo để khi khác bán giùm cho mạ để mạ yên giấc trưa. (vậy mà suốt kỳ nghỉ hè tui có nhớ được chi mô, hàng tạp hóa cả trăm thứ linh tinh không làm răng nhớ hết).
Thằng bé gật đầu chào mạ “Con về mệ hí!”(4) rồi dợm chân một cái chạy vèo. Không đưa tiền. Mạ cười :” Chạy chậm cả bổ (té). Thằng cha mi, xớn xớn xác xác!”(5)
Rứa đó. Bán hàng chịu mà. Không sổ sách chi cả, rứa mà mạ nhớ hết mới tài!
Có lần tui lấy cuốn tập, làm tài lanh hỏi mạ mua chi, bán chi,…kẻ dọc mấy cột, kẻ ngang mấy dòng, ghi vào ra bộ “khoa học, kỹ thuật” lắm. Nhưng đúng là tài lanh thôi. Mạ không dùng , rồi mọi việc vẫn đâu vào đó theo cách tính dân gian lâu đời của mạ.
Nhưng hè năm nay đã có một chuyện làm tui không an lòng.
Một buổi trưa, lúc tui đang ngồi trông quán cho mạ một lát để mạ vào làm bếp thì có người khách ghé vào, hỏi mệ ở mô, rồi đưa cho tui 5 000 đ, bảo : "Mệ thối tiền nhầm." Ui, mạ đã nhớ nhầm thì có nghĩa là mạ đã già yếu hơn trước rồi.
Tui rưng rưng nước mắt.
3.
Đêm World cup này, không đi qua nhà ông bạn hàng xóm để cùng xem, tui lọ mọ dậy ngồi coi một mình. Tui vặn volume thật nhỏ và ngồi gần màn hình để xem. Căn nhà rường cổ xưa vốn chật hẹp nên khó cản được âm thanh của trận cầu sôi động vang trong nhà, lại thêm tiếng kèn Vuvuzela rền rĩ suốt trận đấu nữa chứ! Tôi ngồi coi được gần một hiệp thì nghe có tiếng dép lệt xệt. Mạ đi xuống bếp. Tui áy náy hết sức, muốn tắt Tivi đi ngủ nhưng trận cầu đang có những tình huống hấp dẫn nên cố nán cho hết hiệp một. Khi hiệp một kết thúc, định tắt Ti vi thì nghe tiếng mạ nói:
-Ăn chút mì cho khỏe con.
Tui bổng cáu gắt:
-Chao ôi là mạ! Mặc con, con có đói mô. Răng mạ dậy làm chi cho khổ rứa!
-Tau thấy mi ngồi coi một mình tội tau nấu cho đoại mì đó. Mi thiệt khó chịu!
Ánh mắt từ ái của mạ đang nhìn tôi làm tui cảm thấy ân hận vì đã cáu gắt với mạ. Tôi cầm đũa lên.
-Con ăn đây. Thôi mạ vô ngủ đi.
Chợt nhớ một chuyện , tui hỏi :
-Bàn chân của mạ răng rồi?
-Đi lại được như thường rồi con à.
-Con biết, nhưng còn đau nhức chi không?
-Hết đau rồi con.
Mấy tháng trước, ở Dalat tui đã nghe tin: mạ bị vấp ngã gãy xương bàn chân, chỗ gần các ngón. Phải đăng bột cả tháng mới lành. Vậy mà từ hôm về nhà đến giờ tui không nghĩ đến, mà mạ thì cứ lo lắng cho tui từng tí, cứ như tui vẫn còn là thằng bé trong vòng tay mạ.
Tôi bật đèn lên coi bàn chân mạ. Bàn chân đã lành lặn, chỉ còn một vạch sẹo trắng chạy ngang. Thật là ơn phước. Thường thì người già bị gãy xương rất khó lành, nếu may mắn cũng phải hai tháng mới đi lại được, còn mạ thì mới đăng bột hơn một tháng đã đòi tháo bột vì thấy khó chịu, bực bội. Chìu mạ, chú Mừng đã xẻ tháo bột ra. Vui thay, mạ đi lại được gần như bình thường. Tui nghĩ thầm, mạ sống có đức nên trời thương.
Giờ đây tui lại sống xa mạ, nghĩ về mạ lòng ngùi ngùi. Nhưng tui biết mạ còn lo lắng cho tui nhiều hơn.
Vài hôm nữa mùa Vu Lan về, sung sướng biết bao, tui sẽ lại đến chùa để được các em Oanh Vũ cài lên ngực đóa hoa hồng thắm.
 
thanhdalat
Mùa Vu Lan 2010
Chú thích một số tiếng Huế dùng trong bài viết:
(1)   Mạ : mẹ
(2)   Đoại : tô
(3)   Lựng : lận, mà.
(4)   Mệ: Bà nội hay bà ngoại.
(5)   Xớn xác : hấp tấp, vội vàng.

19 thg 8, 2010

Mấy ngày nghỉ hè ở Huế . 1 ĐI CÂU CÁ

ĐI CÂU CÁ

-Lên xe. Coi chừng mất con mã!
-Mã giao chân . Coi chừng chiếu tướng bắt xe nghe.
Trong những ngày nghỉ hè ở Huế , hầu như chiều nào tui và anh Bút, ông giáo hàng xóm vừa nghỉ hưu, cũng tránh cái nóng bằng cách để hết tâm trí vào bàn cờ tướng. Nắng nóng gần 40 độ C nhưng có gió nồm nên không quá khó chịu cho “người-Dalat” . Chúng tui ngồi đánh cờ dưới tàng cây đào rậm lá, thỉnh thoảng có làn gió từ phía hồ Tịnh Tâm thổi qua mát rượi . Ngồi đánh cờ tuy có tập trung suy nghĩ từng nước cờ qua lại nhưng miệng vẫn có thể nói đủ chuyện trên đời mà không ảnh hưởng mấy đến chất lượng ván cờ. Sau khi đặt con pháo xuống một vị trí tấn công lợi hại, anh Bút khe khẻ ngâm:
Một mai một cuốc một cần câu
 Thơ thẩn dù ai vui thú nào.
Vừa lúc anh Bút hạ chữ “nào” thì tui cũng vừa nghĩ xong nước cờ hiểm, tui gõ con cờ một tiếng cộp vào lưng con mã của anh Bút. Thế là tui đã có lợi thế hơn quân.
-Ui chao! –anh Bút kêu lên tiếc nuối.
Nhưng không lâu sau đó, anh Bút ăn lại con pháo của tui. Anh lại cất giọng:
Ôm cần ngồi lại ven sông
Được không không được có hòng chi đâu.
Từ trong sâu thẳm thẳm sâu,
Niềm vui chợt đến nỗi sầu vơi đi.
-Thơ của ai mà hay vậy anh Bút?
-Hay chi mô. Lúc ngồi câu rảnh rỗi mình ngâm đại mà ra rứa thôi.
-Anh cũng đi câu à! Xưa nay thấy anh hễ ra khỏi nhà là áo đóng thùng nghiêm chỉnh thôi mà.
-Nghỉ hưu rồi thì tìm cách tiêu khiển chơ. Muốn đi câu chiều đi với anh.
-Đi chớ răng không! À , mà anh đọc lại mấy câu thơ tui ghi.
Thế là tự dưng bàn cờ bị bỏ quên vì thơ và chuyện câu cá. Có hề chi! Đánh cờ chỉ để trốn nắng nóng thôi mà. Được không không được có hòng chi đâu.


Buổi chiều khoảng 4 giờ, tui theo anh Bút , mỗi người một chiếc xe đạp, đến ven một con sông ở Hương Hồ. Anh Bút chọn một chỗ ngồi câu quen thuộc, tui tìm một chỗ khác không cách xa lắm, đủ để nghe anh ngâm thơ hoặc kể chuyện tiếu lâm trong khi câu. Ngồi thu lu bên bờ nước, mắt chăm chăm nhìn phao câu, một chấm trắng nhấp nhô theo sóng gợn. Có con chuồn chuồn kim vờn bay trên cái phao như chiếc trực thăng , thỉnh thoảng đậu xuống một tí làm lan ra một vòng sóng nhẹ. Buổi chiều êm ắng. Mấy đám mây trắng như bông lững lờ trên nền trời xanh thẳm. Thật lâu không thấy ai câu được cá, chỉ thấy thỉnh thoảng nhắc cần câu lên thay mồi.
Bổng một giọng ề à ngân lên từ một lùm bụi nào đó:
Xách giỏ lên câu đến thạch bàn.
Cá không ăn mồi ta vẫn ngồi khan.
Có ai xem giỏ cười không cá,
Không cá mà ta đặng chữ nhàn.
Tất nhiên không phải anh Bút ngâm, nhưng cái tĩnh tại, thư thái theo giọng ngâm lan ra bao trùm cả một khoảng sông thì cũng như giọng anh Bút vẫn ngân nga mỗi lúc cao hứng.
Tui cũng như lây cái tâm trạng đó, lòng bình an, thanh thản. Bỗng nhớ mấy câu thơ hình như của thy sỹ Bùi Giáng, tuy nội dung không nói về câu cá, tui cũng khinh khoái cất giọng:
Xách giỏ cầm mác
Vào núi hái sim
Bên triền bát ngát
Ta nhảy như chim.
Khi trời sẩm tối , chúng tôi ra về với lòng nhẹ tênh, với những giỏ đựng cá cũng nhẹ tênh. Một vài con cá câu được, chúng tôi thả hết xuống sông, cho nó tung tăng trở về nhà.

Một tháng nghỉ hè của tui ở quê nhà cũng trôi qua tương tự như thế.
Tạm quên đi những mục tiêu ngắn và dài, tạm quên đi những viêc cần làm ngay và những việc cần làm trong tuần, trong tháng, tôi đã có những ngày vô tư lự, không mưu cầu một điều chi. Những ngày bình an, có thể coi là hạnh phúc.
Đó là những ngày hiếm hoi trong cuộc đời mà tui có thể ngâm nga
Được không không được có hòng chi đâu.

thanhdalat
Cuối tháng 7.2010

4 thg 8, 2010

NHỮNG THÀNH PHỐ BUỒN. *thanhdalat


Một người bạn quê quán ở Huế, nhưng sinh trưởng tại Đà Lạt , dịp Tết năm nay là lần đầu tiên về thăm quê, khi vào cảm khái:
-Huế đẹp nhưng buồn quá. Buồn không chịu nổi!
-Sao lại nói thế?
-Buổi chiều đi qua Thiên Mụ, nhìn lên cái tháp rêu phong, rồi nhìn xuống dòng Hương lặng lờ buồn chịu không xiết. Vào Đại Nội thì chỉ thấy những bức tường nâu cũ, câm lặng,…thê lương quá!
-Cả đời ông sống ở Đà Lạt quá quen cái buồn của những“đường quanh co bên gốc thông già” rồi, sao lại còn than buồn khi đến thành phố khác nhỉ?
-Mình thấy Đà Lạt vậy mà còn vui hơn Huế!
Thật không hiểu nổi ông bạn. Không hiểu sao ông bạn lại thi sĩ thế không biết. Mình vốn đa cảm, và tuy không là thi sĩ nhưng cũng có tâm hồn thi nhân thứ thiệt (sic), hè nào cũng về Huế ở cả tháng mà đâu có thấy Huế buồn “chịu không nổi” như ông bạn than vãn đâu. Huế dạo này đông dân, sinh hoạt cũng khá là nhộn nhịp đấy chứ.
Chỉ sợ cái vẻ trầm mặc của Huế mất dần đi và Đà Lạt vắng bóng “những con đường mù sương giăng mắc”thôi!
**
Nhưng lời nói của ông bạn đã bám riết tâm tư của mình. Thành phố buồn có giá trị gì cho con người không?
Huế buồn, Đà Lạt buồn mà răng mình lại yêu hai thành phố nớ như rứa hè! Vào Đà Lạt thì nhớ sông Hương, núi Ngự mà ra Huế thì nhớ đồi Cù và tiếng thông ngàn. Còn các bạn thì sao? Có phải than buồn “chịu không xiết” khi đến Đà lạt và Huế không?
Có những khu dân cư mà cảnh vật trông buồn thê thiết thật.Đó là những  thị trấn xa xôi, hẻo lánh, những ga xép tỉnh lẻ. Nhưng cũng có những thành phố …buồn. Đó là những thành phố cũ, ngày xưa phồn thịnh nhưng do những đổi thay của thời thế , sự sa sút về phương diện kinh tế mà nay tàn tạ thì trông cũng thê lương , ảm đạm lắm. Khách phương xa có dịp đi qua không khỏi bùi ngùi, và buồn bã. Tôi từng nghe những người bạn- dân Quảng Trị nói như thế về thành phố quê hương của họ. Tuy nhiên, có những thành phố mà nét buồn lặng  của nó là cần thiết, là nên thơ. Đó là những cố đô với những công trình kiến trúc cổ, vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị thẩm mỹ, đó là những thị trấn, thành phố tuy ở những miền rừng núi xa xôi nhưng phong cảnh nên thơ, hữu tình. Như Huế và Hội An, như Đà Lạt, và Sapa ,… Bây giờ chúng ta hãy ghé qua thăm cố đô và thành phố sương mù một xí nhé.
Đến Huế là chúng ta đi vào một không gian xanh của cây lá, cây được trồng nhiều dọc hai bên đường, trong những khu vườn . Thành phố vườn là cái tên cho Huế. Trước mắt chúng ta ,dòng Hương giang trong xanh, lặng lờ và núi Ngự Bình  hiền hòa đã là cảm hứng cho bao nhiêu thi nhân.  Nhà thơ Thu Bồn hiểu cái hồn của Huế lắm khi viết
Con sông dùng dằng…con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.
Bùi Giáng thì triết lý bằng cái giọng rất Huế :
Dạ thưa phố Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương
Hoàng thành với những bức tường nâu cũ, câm lặng kia khiến bạn tôi than buồn “chịu không xiết”, đã đem lại cho chúng ta những lời ca, câu thơ đầy cảm xúc:
 Hoàng Thành thơm ngát cỏ hoa
trắng dài một vạt trên tà áo bay


Ai qua Thành Nội chiều nay
cho tôi gửi giấc mộng gầy dáng xưa

                           (Huế buồn.Thơ Phạm Ngọc, nhạc Nhật Vũ)
Ai về qua Hương Giang
“gởi lòng tôi theo với”
ánh trăng treo Thành Nội
một góc trời quê hương
              (Mưa Cali nhớ Thành nội -Thơ Phạm Ngọc, nhạc Võ Tá Hân)
  Áo bay hay lá rơi vào nội.
Thương nhớ lòng theo mấy cửa thành.
                            (Chiều mưa uống rượu-Tần Hoài Dạ Vũ)
Và còn biết bao nhiêu bài ca về Huế mà mỗi lần nghe, tụi tui dân Huế tha hương lòng rưng rưng.
Rời đất thần kinh, chúng ta xuôi nam, đến Phan Rang , vượt đèo Ngoạn Mục là chúng ta đến gần với xứ lạnh rồi. Đà Lạt là thành phố, mà cái buồn đã thành danh. Thế mà, cũng như cố đô Huế, phố núi cao này là nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao bài thơ, câu hát. Ở Đà Lạt đã lâu mà tôi vẫn thấy lòng mênh mang mơ mộng mỗi khi nghe :
Lắng nghe chiều xuống
Thành phố mộng mơ…
Màu lam tím
Đà Lạt…sương phủ mờ,
Từng đôi đi trên phố vắng…
Nét buồn vắng của xứ lạnh đẹp biết bao, cần biết bao cho sự thăng hoa của tâm tình. Nếu ai đó đến với phố núi mà lòng còn xôn xao rộn ràng phố chợ thì hãy nghe Hàn Mặc Tử khẩn cầu:
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo,
Để nghe tơ liễu run trong gió.
Và để nghe trời  giải nghĩa yêu.
                                       (Đà Lạt trăng mờ)
 Không biết có nhầm không, tui thấy trong nước mình, Huế và Đà Lạt là hai thành phố mà ca khúc viết về nó đủ cho mấy dĩa nhạc!
Vậy đó, Huế và Đà Lạt là hai thành phố buồn! Ôi , cái buồn quý phái biết bao! Cái buồn nên thơ biết bao!
**


Vâng, Đà Lạt, Huế là những thành phố buồn, buồn mà đẹp. Cái đẹp của những thành phố cổ kính là ở sự yên tĩnh,ở những khoảng lặng ,ở dòng sông êm trôi, ở những tường thành trầm mặc rêu phong cổ độ. Nét thơ của thành phố trong rừng- rừng trong thành phố là  ở những hàng thông xanh bên đường, ở những thảm cỏ xanh êm mát,  ở mặt hồ phẳng lặng, những đồi dã quỳ hoang sơ ,…
Tôi không hề bi quan khi nghe ai đó than vãn rằng cố đô Huế buồn, Đà Lạt-thành phố sương mù buồn. Nhưng tôi sẽ não nề xiết bao nếu ai đó hân hoan bảo rằng cố đô Huế và xứ sương mù Đà Lạt bây giờ là những đô thị hiện đại, nhiều nhà cao tầng, đường phố nhộn nhịp, náo nhiệt.
Xin giữ lại cho tôi hồn cố đô và hồn phố núi!
 
thanhdalat
3/2009