24 thg 12, 2013

Những hòn than Noel.


Những ngày trước Noel An thấy lòng vui những lời hẹn hò, cho dù mông lung đến mấy. Để đáp lại lời bình trêu đùa của cô bạn trên mạng “Noel này An ấm áp nhé, vì có nhiều bạn để hẹn hò”, An đã nhắn: “Đi lễ Noel trong cái lạnh se se của đêm Dalat thú vị lắm Tiger à”. Nhưng đợi mấy ngày không có trả lời, An không tế nhị xa xôi nữa, anh nói: “Nếu không ngại ai thì Noel mình đi thăm ngắm những hang đá trong các nhà thờ Dalat nhé”.Tiger trả lời: “Còn lâu mà anh, rảnh mình đi ucf nhé”. Còn đến nửa tháng mới Noel thì thỉnh thoảng cà phê với Tiger cũng hay quá đi chớ. Nhưng rồi ngay cả lời hẹn đi uống cà phê cũng bị những công việc của Tiger cuốn đi. Một hôm xuống ông bảo vệ chơi, ông nói: “Đêm Noel chú đi lễ nhà thờ cho tui đi với!” Biết ông bảo vệ là người không theo đạo, anh nói : “Đi chớ, nhưng bác đi dạo xem đêm hội thôi rồi về chứ vào dự lễ không có chi vui đâu!” “Đừng lo, tui đi lễ Noel nhiều lần rồi, lễ hay lắm”. An nói :Vậy thì tùy bác, đến đêm Noel tui cùng bác đi cho vui. Anh nghĩ: ít ra đây là cuộc hẹn có giá trị thực tế nhất! Noel thế là vui rồi, không lẻ loi như mọi năm trước nữa.

Còn cái vui khác không kém: Những tin nhắn chúc mừng Noel từ người thân và bạn bè ở xa gởi về:
-         Merry Chrischmas!
-         Giáng sinh an lành và hạnh phúc anh nhé!
-         Hồng ân Thiên Chúa đến với anh !
-         Giáng Sinh bình an, yêu thương, vui vẻ anh nha.
-         Trai tim moi nguoi se la hang da Be-lem am ap nhat, tran ngap hong phuc Chua Hai Dong trong mua Giang Sinh nay va mai mai nha anh.(có minh hoa cây thông Noel với nhiều ngôi sao).
Bấy nhiêu đó cũng đã làm cho An thêm nao nức chờ ngày lễ Noel đến.
An nhớ những đêm lễ Noel mấy năm trước, một mình anh đi giữa đám đông người co ro trong sự ấm áp của khăn áo dày cộm : áo măng tô, khăn len; của tay trong tay. Mọi người thong thả đi trên con dốc từ khu Hòa Bình xuống cầu Ông Đạo, rồi lại lên dốc nhà thờ Chánh tòa, giữa chập chùng sương giăng. Họ cứ đi lên, đi xuống để nhìn nhau, nhìn cảnh vật nên thơ của đêm Noel xứ lạnh, với niềm vui Noel len nhẹ nhàng trong lòng mình. An vừa thấy lẻ loi vừa cảm thấy một niềm an lạc của một người cô lữ trong cảnh mộng, trong “đêm thánh vô cùng đất với trời xe chữ đồng”.
Hôm nay, ngày Noel lại đến.
Nhưng chiều nay, đến 6g thì trời bỗng chuyển lạnh. Gió từng trận thét gào ngoài khung cửa sổ, hơi lạnh vây bủa tòa nhà. An vừa hé cửa đã vội đóng sập lại. anh biết mình đã bị hơi lạnh mùa đông phong tỏa rồi. Đi quanh phòng một lát, An xuống phòng bảo vệ đọc tờ báo nói về thời tiết thay đổi và về những đồn đoán về ngày tận thế mấy hôm trước.
-Trời lạnh quá! Không đi chơi Noel được ông ơi. Sorry!
-Ừ, năm nay lạnh thật. Thôi ở nhà , ngồi đó tui pha ấm trà. Xo với xiếc, ri với riếc cái chi!
Giọng giễu cợt và tiếng cười oang oang vô tư của ông bảo vệ xua đi ít nhiều lạnh giá của đêm đông.
Biết sẽ khó mà đi ra ngoài, An quay lên, đóng kín mấy cánh cửa, ngồi coi ti vi. Đang lúc buồn hiu nhìn ra ngoài trời đêm, một tiếng chuông điện thoại reo lên. Tiger gọi. An nghe một lời chúc ngắn gọn: TIGER ĐANG VUI NOEL VỚI ROBER HÙNG Ở SÀI GÒN. CHÚC CHÚ NOEL ẤM ÁP! SORRY CHÚ. An nhớ giọng giễu cợt của ông bảo vệ : Xo với xiếc, ri với riếc! Nhưng anh chỉ cười nhẹ. Niềm vui Noel khiến cho anh “lòng chợt từ bi bất ngờ”. An mở coi lại mấy tin nhắn chúc Noel hôm qua, và quả thật lòng An ấm áp dần. Mỗi dòng tin nhắn chúc mừng Noel như một hòn than đỏ, xếp bên nhau tạo nên một ngọn lửa nhỏ xua đi cái lạnh vừa mới len vào cõi lòng An. An thổi nhẹ vào những dòng tin nhắn chúc mừng Noel cho ngọn lửa bùng lên và anh lần lượt đem những nỗi phiền bực, những nỗi niềm cay đắng đốt cho cháy hết, đem những lúc cô đơn hong ấm trên ngọn lửa rực đỏ bởi những tin nhắn chúc mừng.
-         Merry Chrischmas!
-         Giáng sinh an lành và hạnh phúc anh nhé!
-         Hồng ân Thiên Chúa đến với anh !
-         Giáng Sinh bình an, yêu thương, vui vẻ anh nha.
-         Trai tim moi nguoi se la hang da Be-lem am ap nhat, tran ngap hong phuc Chua Hai Dong trong mua Giang Sinh nay va mai mai nha anh.(có minh hoa cây thông Noel với nhiều ngôi sao).

Người hỡi, hãy kịp bước tới, đến xem, nơi hang Bêlem
Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn.
Nửa đêm mừng chúa giáng sinh ra chốn nhân trần
Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than
Nơi hang bê lem thiên thần
xướng ca
Thiên chúa vinh danh chúng dân an hòa 

Tiếng nhạc mừng Noel nhà ai xuyên qua gió rét vọng vào làm cho “những hòn than yêu thương” từ những tin nhắn chúc mừng Noel của An rực lên. Lát sau, tiếng chuông nhà thờ vang ngân thánh thót vọng lại. Lòng An rộn ràng. Anh bước đến cửa, mở toang ra. Gió lạnh ập vào  thật dữ nhưng bếp lửa của những lời chúc Noel vẫn rực đỏ trong lòng anh. Bây giờ thì An không ngại gì gió lạnh nữa, anh mặc áo dày, kéo cao cổ áo, bước ra đường, hòa vào dòng người đi đến với nhà thờ, ở đó có ngọn lửa của tình yêu, ngọn lửa vĩnh hằng ngự trị nơi máng cỏ hang lừa.

thanhdalat

24/12/2013


9 thg 12, 2013

Tứ thơ chiều chủ nhật (1/3)


Nàng tắt vi tính, rời khỏi bàn làm việc đi xuống đường. Chưa hết buổi chiều mà nàng đã mở, tắt vi tính hơn chục lần. Bài thơ về nỗi niềm “chiều Chủ nhật buồn” làm mãi chưa xong.  Ánh nắng chiều nhuộm úa nỗi cô đơn của nàng. Mà riêng chi nàng, khi còn ngồi trên phòng, nàng đã nghe tiếng ngáp não nùng của ông bảo vệ rồi. Ông bảo vệ có 10 người con, nếp tẻ đủ cả, thế nhưng chúng ăn học rồi đi làm ăn xa, để lại hai vợ chồng già trong ngôi nhà rộng, lạnh lẽo. Ông tìm vui bằng việc nhận bảo vệ chung cư. Nhưng hình như sau những việc trông coi chung cư, những gặp gỡ chuyện trò với những người sống ở chung cư và hàng xóm, ghé qua nhà với bà xã, nỗi trống vắng vẫn làm ông phải ngáp dài thành tiếng.
Nàng đến quán tạp hóa ở ngã tư đầu đường định mua một gói mì, dù không thấy đói bụng. Như đàn ông trong những lúc như thế này thường mở gói thuốc, rút một điếu, bật lửa châm thuốc, hít vài hơi là xua đi được phút giây trống vắng;  việc đi mua một cái gì đó, ăn một thức gì đó cho vui cũng làm nàng khuây khỏa đôi chút,
Chưa vội về lại căn phòng quen thuộc,  nàng ngồi xuống cái ghế thấp, nói đôi ba câu chuyện với bà chủ quán.
-Sáng giờ đắt hàng không chị?
-Cũng ế lắm cô, hôm nay cô được nghỉ ạ?
-Vâng chị ạ, nghỉ cuối tuần. Các cháu đi đâu hết rồi?
-Mấy đứa đi học hè cả rồi. Chao, học chi học mãi không hết chữ!
Chồng mất đã lâu, chị một mình làm ăn nuôi bầy con. Con cái nhiều buổi đi học hết để chị lui cui một mình với cái quán nhỏ vắng vẻ. Nhưng không chịu ngồi không, chị loay hoay việc này đến việc khác không ngơi tay, và vì thế không còn thời gian để thấy trống vắng nữa!
 Nói chưa dứt tiếng “hết chữ” chị chủ quán đã ra phía sau bếp bưng lò than ra để giữa sân, nhen lên ngọn lửa nhỏ dưới đống than. Tiếng lửa reo tí tách, những lưỡi lửa liếm những hòn than linh hoạt như những vũ công champa nhảy múa, uốn éo quanh chân tháp cổ. Nàng nhìn mê mải bếp lửa như đang xem một màn vũ đạo huyền bí cho đến khi những hòn than đỏ rực lên.

 Khi bà chủ quán đặt lên bếp than hồng ấm nước rồi dọn bày ra những đồ dùng chế biến bữa quà chiều thì cũng là lúc những đứa trẻ trong xóm đi ra, đến ngồi chầu quanh bếp than hồng. Chúng chờ ăn quà vặt. Món quà chúng chờ là một món ăn mới xuất hiện gần đây nhưng đã mau chóng phổ biến và được ưa chuộng: bánh tráng trứng. Sự có mặt của lũ trẻ làm cho than như rực hồng lên. Đôi mắt bà chủ quán lấp lánh niềm vui giản dị. Những câu chuyện của lũ trẻ được bà chủ quán tiếp lời càng thêm rộn ràng. Tất cả như một gia đình quây quần quanh bếp lửa chiều.
Lát sau thì ông bảo vệ đến quán. Bà chủ quán ngừng tay nướng bánh, rót cho ông bảo vệ một cốc rượu nhỏ. Nốc một hơi cạn cốc, ông bảo vệ nói:
- Đau dạ dày đã lâu nhưng ngại đi bác sĩ, hồi trưa rảnh quá đâm buồn, tui bèn đi khám bệnh. À mà hay thiệt, Tới ngồi chờ ở phòng khám, khề khà bắt chuyện với mọi người ở đó quên đau luôn, mà cũng vui nữa chứ.
-Xì, cái ông này, đi khám bệnh mà cũng vui!
- Đồng bệnh tương lân mà, nói chuyện rôm rả, hào hứng lắm!
Bà chủ quán đưa ông bảo vệ cốc rượu thứ hai, nói : Thôi nhé, rượu hết rồi! Uống cho nhiều chị nhà qua mắng vốn tui.

Lời qua tiếng lại làm ấm buổi chiều hoang lạnh. Cơn mưa chiều phố núi dường như dừng lại bên ngoài không gian bếp lửa này. Nỗi buồn đè nặng tâm tư nàng chiều chủ nhật cô đơn tan mất từ lúc nào. Ý định lúc trưa, khi ngồi vào bàn vi tính là làm một bài thơ tả về nỗi cô đơn bay biến đâu mất. Cái không gian bếp lửa này, những con người giản dị, đơn sơ này đây đang thay nàng viết nên một bài thơ khác rồi: bài thơ về cái hạnh phúc đơn sơ, bình dị của cuộc sống hàng ngày.
thanhdalat
5/6/2013

20 thg 10, 2013

Những người phụ nữ gốc Việt tài danh trên thế giới

(Dân trí) - Họ là những phụ nữ mang trong mình dòng máu Việt và đã được thế giới biết đến bởi tài năng xuất sắc của mình.

“Vua đầu bếp Mỹ” Christine Hà
Những phụ nữ gốc Việt tài danh trên thế giới
Christine Hà sinh năm 1979, hiện cô đang sinh sống tại bang Texas, Mỹ. Cha mẹ cô đều là người Việt, tên thật của cô là Hà Huyền Trân.
Christine mắc phải căn bệnh hiếm gặp khiến cô mất dần thị lực và cuối cùng, bị mù hẳn từ năm 2007. Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành tài chính và quản lý thông tin của Đại học Texas nhưng Christine không thể đi làm vì vấn đề thị lực.
Có niềm đam mê lớn với việc nấu nướng, cô thử lập một trang web cá nhân để đăng tải các công thức nấu ăn của mình. Trang web của Christine Hà nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong cộng đồng những người yêu bếp núc ở Mỹ.
Những phụ nữ gốc Việt tài danh trên thế giới
Có quyết tâm lớn cùng tài năng nấu nướng, Christine Hà đã mạnh dạn tham dự cuộc thi Vua đầu bếp Mỹ 2012 và vượt qua tất cả các thí sinh khác để giành ngôi vị quán quân Vua đầu bếp Mỹ mùa thứ 3.
Cho tới nay, cô vẫn là thí sinh khiếm thị duy nhất từng tham gia cuộc thi này. Nghị lực của Christine Hà trong suốt quá trình thi đã khiến khán giả xem truyền hình trên khắp thế giới xúc động.
Chuyên gia trang điểm Michelle Phan
Những phụ nữ gốc Việt tài danh trên thế giới
Michelle Phan sinh năm 1987, hiện cô đang sinh sống ở bang Florida, Mỹ. Cô là nhà trang điểm người Mỹ gốc Việt nổi danh thế giới. Cách gây dựng tên tuổi của Michelle Phan rất đơn giản, cô tự thực hiện những đoạn video dạy cách trang điểm và làm đẹp rồi đăng tải trên YouTube.
Những video của Michelle Phan hiện đã có hàng triệu lượt xem. Tuy không phải nhân vật nổi tiếng bước ra từ giới giải trí nhưng danh tiếng mà Michelle Phan có được đã giúp cô trở thành gương mặt đại diện trên mạng của những hãng mỹ phẩm nổi tiếng.
Những phụ nữ gốc Việt tài danh trên thế giới
Hiện cô đã cho ra mắt một thương hiệu mỹ phẩm của riêng mình có tên EM Michelle Phan - một cái tên đậm chất Việt với đại từ nhân xưng “em” rất dễ thương. Michelle Phan từng nhận được giải thưởng Ngôi sao mới của tạp chí chuyên về làm đẹp Womens Wear Daily và lọt vào top Những gương mặt đáng chú ý dưới tuổi 30 của tạp chí Marie Claire.
Nhà thiết kế thời trang Nini Nguyễn
Những phụ nữ gốc Việt tài danh trên thế giới
Nini Nguyễn sinh ra tại Việt Nam và từng sống ở đây 6 năm. Sau này, cô sang Mỹ định cư cùng cha mẹ. Bước đầu khởi nghiệp của Nini Nguyễn không dễ dàng. Vốn yêu thích thời trang nhưng vì không giỏi tiếng Anh, Nini không được bất cứ hãng thời trang nào nhận vào làm việc.
Cô đành khởi nghiệp bằng nghề lao công và sau này làm nhân viên bán hàng của các hãng bán lẻ thời trang. Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Nini là khi cô quyết định trở thành nhà thiết kế thời trang.
Những phụ nữ gốc Việt tài danh trên thế giới
Khách hàng tìm tới Nini Nguyễn rất đông, có cả những người nổi tiếng, đặc biệt nhất nhất là nữ ca sĩ Rihanna. Hiện giờ, Nini Nguyễn đang là nhà thiết kế chính cho phong cách thời trang ấn tượng của nữ ca sĩ người Barbados.
Nhiếp ảnh gia Lê Mỹ An
Những phụ nữ gốc Việt tài danh trên thế giới
Nhiếp ảnh gia gốc Việt - Lê Mỹ An từng vinh dự nhận được giải MacArthur Fellowship - giải “Thiên tài” của Mỹ. Đây là một giải thưởng cao quý nhằm tôn vinh những cá nhân có hoạt động sáng tạo xuất sắc, công nhận những cống hiến và thành tựu ấn tượng của các cá nhân cho cộng đồng.
Lê Mỹ An được biết tới là một nhiếp ảnh gia chuyên về đề tài chiến tranh. Sang Mỹ định cư từ năm 1975, những tác phẩm ảnh của người phụ nữ 53 tuổi này chủ yếu lấy cảm hứng từ chiến tranh bởi chính bà đã có những trải nghiệm về nó.
Những phụ nữ gốc Việt tài danh trên thế giới
Một đề tài cũng luôn trở đi trở lại trong các tác phẩm của Lê Mỹ An là mối quan hệ giữa những người Việt Nam định cư ở Mỹ và nỗi nhớ quê hương. Khi có dịp, Mỹ An vẫn quay về Việt Nam để thực hiện các tác phẩm ảnh.
Nữ nhà văn Lại Thanh Hà
Những phụ nữ gốc Việt tài danh trên thế giới
Lại Thanh Hà sinh năm 1965 tại Việt Nam và định cư tại Mỹ từ năm 1975. Tốt nghiệp Đại học Texas chuyên ngành báo chí, Lại Thanh Hà khởi nghiệp bằng nghề phóng viên cho tờ tin tức The Register chuyên về các thông tin của cộng đồng người Việt ở Quận Cam, bang California.
Chính nhờ công việc này mà kỹ năng viết tiếng Anh của Lại Thanh Hà đã tiến bộ nhanh chóng. Sau gần 2 năm làm phóng viên, Lại Thanh Hà quyết định nghỉ việc và bắt đầu tập trung cho sáng tác.
Nữ nhà văn Lại Thanh Hà nhận giải National Book Award cùng 3 nhà văn Mỹ khác.Nữ nhà văn Lại Thanh Hà nhận giải National Book Award cùng 3 nhà văn Mỹ khác.
Cuốn sách đầu tay của cô là một tác phẩm dành cho thiếu nhi có tên "Inside Out & Back Again" (Từ trong ra ngoài và bắt đầu lại - 2011). Cuốn sách nhanh chóng gây được tiếng vang, giúp Lại Thanh Hà đoạt giải National Book Award - một giải thưởng thường niên lâu đời và uy tín nhằm tôn vinh những tác phẩm văn học xuất sắc của các tác giả Mỹ.
Rhum: Bài viết này gợi một tứ thơ mới:" Những người phụ nữ tài danh ở làng blogspot VN" (Đang thai nghén hi hi). Để sớm có bài viết đó, mong các bạn nữ nhanh chóng ứng cử hoặc đề cử người phụ nữ tài danh trong làng cho R nhé.


Các o nhấn vào đây để coi ngày giờ mà nộp hồ sơ ứng cử nhé: 
Hồ Bích Ngọc
Tổng hợp
Rhum (st)

4 thg 10, 2013

Một giai thoại blogspot: Ksor Ke đi óp!

Tuần trước blogger Ksor Ke từ Huế vào Dalat chơi (có việc nhà nhưng chơi là chính), anh em thân hữu trong và ngoài blogspot hẹn hò với anh tại cà phê Tigon.
Có nhiều chuyện vui, nhưng có tấm ảnh sau đây là “thú vị” nhất, đã đưa lên Facebook và đã gây được nhiều cảm hứng cho khách thơ khách thiếc. Ở đây tui chép lại “mua vui” vài phút và mong các bạn nhào vô “chơi thơ” để mua vui thêm vài phút nữa nhá!
(anh Lê Mưu-nhà thư pháp Dalat, Quy Quy-nhà thơ ở Đức Trọng, Lâm Đồng, anh Nguyễn Viết Kế-nhà giáo từ Huế vô chơi và thanhdalat-nhà thiếc)
Rhum : (bình trên Facebook)
“Anh Mưu chờ anh Kế đã lâu. Bây giờ MƯU KẾ gặp nhau, Quy Quy ở giữa; Mưu hay Kế giỏi làm chi được hè!”.
(Lúc đầu chỉ định vài dòng giới thiệu, nhưng nửa chừng ngân lên thành thơ (thành thiếc), hi hi).
Quy Quy không vừa:
  • Hạc Hoa Vẫn còn Thanh đỡ một bên. Cho dù Mưu Kế kề bên cũng ...đành.
Quá hay! Đúng thiệt là thơ!
Nhưng rứa thì hóa ra R là người thừa trong cuộc này, thôi thì R thẹ thẹ rút lui cho đỡ “vô duyên”.


Bây giờ  R vui vẻ mời các bạn đề thơ cho tấm ảnh này:
(Xin phép hai ông anh và Quy Quy nhé)


Anh MƯU, Quy Quy, anh KẾ

************

CẬP NHẬT thơ bình tấm ảnh trên:
hiiii...Mưu hay Kế giỏi thì sao

Quy Quy đứng giữa xin chào cả hai





Kế - Mưu người nỡ sắp bài
Quy Quy lúng túng - hởi ai sao đành ...



Mưu chưa lên tiếng thì tui xin lên trước:

Ảnh 1:
Ba tui ( Mưu-Quy-Kế) xích lại gần nhau
Chàng Rhum ngao ngán mặt chau chau buồn.
Ảnh 2:
Nhìn quanh chẳng thấy Chuồn Chuồn
Mưu- Quy thích quá, xích luôn... rất gần.





chúng mình có những phút giây..

hóa tình bạn đẹp bên ngày tháng hay !



Phu Đoan20:34 Ngày 05 tháng 10 năm 2013

Kế - Mưu mạnh dạn phân vai
Quy Quy lưỡng lự tặng hài người mô!?!  



Anh Kế từ Huế mới vào
Quy Quy-Đức Trọng lên chào anh Mưu
Ai dè đám giáo nghỉ hưu
Rủ nhau tụ hội bày Mưu ...chụp hình : ))


Khuc Thuy Du10:32 Ngày 07 tháng 10 năm 2013


Chấp luôn Mưu - Kế ngồi kề

Quy Quy chỉ nghĩ ...sao về vậy Rhum .... 


ngu ho14:06 Ngày 08 tháng 10 năm 2013

Xích ra hai gã dở hơi,
Anh Rum mà chộ tàn đời Kế Mưu.



Vĩnh Ba Nguyễn Phúc17:45 Ngày 10 tháng 10 năm 2013

Quá vui mà mình chẳng hay
Có vào Phây Búc nhưng nay mới tường
Khéo tay kết nối yêu thương
Huế Đà dẫu mấy dặm trường cũng băng.



R lạm bình: Nghe như có chút hờn ghen trong mấy câu thơ của anh Ba thì phải hi hi:)) (A3 vốn có duyên văn nghệ với QQ từ lâu, năm ngoái a3 có một bài giới thiệu thơ Quy Quy trên blog của anh, tưởng rứa là ... ai dè một hôm, a Ke từ Huế tìm vào, gặp nàng và...Đã có Mưu rồi lại thêm Kế nữa chứ, a3 e chịu thua thôi!)
 +  +  (a MƯU + QQ + a KẾ)
                                                      và  (a3) 




Mệ Ba có vẻ hơi căng.
Kờ So tui có nói năng chi mà. 
Lê Mưu cũng rất thiệt thà
Chàng Rhum ghê gớm mới là đáng ngai ( xin lỗi, ngại)...



Kế Mưu thì mặc Kế Mưu 
Chàng Rhum tính kế mưu cầu Quy Quy 
Quy Quy ngồi giữa Kế Mưu
Nghĩ thầm mưu kế để về bên Rhum ! 




Nàng Thơ (Quy Quy) lạc giữa rừng Văn ( Văn Mưu, Văn Kế )

Kế, Mưu tài cả làm răng bây chừ ?

Nghiêng ni, bên nớ trầm tư,

Mimosa ( Quy Quy, bông hoa Đà Lạt) phải rất ư khổ lòng !

Thôi thì bạn cả là xong

Mưu vui, Kế thích, vừa lòng cả Rhum...




Vì không ngủ được nên nhờ
Anh Mưu anh Kế giúp cho một bài
Tấn công Rhum chạy vái dài
Mặt xanh như cái...cổ chai




Mưu, Kế - hai lá kề bên

Hoa Quy ở giữa làm nên cành hồng.



Bình loạn của R: Đây là hai câu thơ hiền lành nhất. (có lẽ sau đêm gặp anh Lê Văn Bão (số 11) ghé thăm miền trung được anh Bão hun dẹ dẹ một cấy nên nàng dịu dàng hẳn đi hi hi)




Ngồi bên anh Kế bày mưu
Anh Rhum tính kế cho anh Mưu đi dzìa...




Mưu mờ chi! Kế mờ chi!
Bạn bè Quy tụ quên đi ưu phiền.





Mưu cao Kế thấp thì sao
Quy về một chỗ thế nào... cũng.toi...ơ.... đời!!!  





Mưu thì cao, Kế thì tài
Quy về một mối nụ cười thêm xinh.
Rằng trong bươn chải mưu sinh
Hết mưu, hết kế thì tình lên hương.



24 thg 8, 2013

Một thoáng Huế, hè 2013 (2)

Xem MỘT THOÁNG HUẾ, HÈ 2013 (1) theo đường dẫn sau :

Bánh bèo



Hồ Tịnh, là tiếng chúng tôi thường gọi hồ Tịnh Tâm, cách nhà tui chưa đến 200 m, trên đường ra phố tui thường đi qua nơi này. Hồ Tịnh vốn là khu thượng uyển nổi tiếng hàng đầu của vương triều Nguyễn.
Một nhà báo đã viết:

“Với kiểu kiến trúc cầu kỳ, nhưng hết sức hài hòa với tự nhiên, hồ Tịnh Tâm được xem là một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam thế kỷ 19. Cảnh đẹp của hồ đã tạo nguồn thi hứng và trở thành đề tài cho nhiều bài thơ, chùm thơ nổi tiếng của các vua Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... Và đặc biệt, trong chùm thơ ca ngợi 20 cảnh đẹp đất Thần kinh của vua Thiệu Trị đã xếp hồ Tịnh Tâm là cảnh đẹp thứ 3, cho in bài thơ “Tịnh hồ hạ hứng” cùng với phong cảnh hồ vào tranh gương để treo ở các cung điện”. (Chạnh buồn bên hồ Tịnh Tâm, Bùi Ngọc Long)


Một thắng cảnh như rứa mà hại thay, sự trùng tu, tôn tạo lại diễn ra quá chậm, đên nay qua hồ Tịnh tui vẫn còn thấy hoang sơ, xơ xác. 
Hồ sen xưa nay trồng rau muống
Lầu bát giác được làm lại, lợp tôn, kích thước nhỏ và thấp hơn.
Ven hồ có một nhà hàng treo một bảng hiệu như ri:
Thoạt nhìn tưởng là đôi câu đối theo kiểu xưa, nhưng đọc kỹ hơn thì hai câu đối chẳng chỉnh chút mô về ý cũng như về luật. Đúng là “đũa mốc mà chòi mâm son”. Cái đặc sản ẩm thực nhậu nhẹt kéo cái di sản văn hóa xuống  chỗ  phàm tục một cách phũ phàng!
Không vào quán “đặc sản” dê nhưng dường như cái mùi phàm tục ấy vẫn ám ảnh chúng tôi thêm một đoạn đường dài. Chúng tôi quyết định quên cái “câu đối”  ấy bằng cách tìm ăn món quà đặc Huế: Bánh bèo cung An Định. Cung An Định (tư dinh của bà Từ Cung Thái Hậu - mẹ Vua Bảo Đại) nằm ở phía nam Huế.  Nàng chở tui qua cầu Tràng Tiền. Lúc dừng chờ đèn xanh, tui nhìn lên khoảng trời trước mặt:
-Núi Ngự Bình mô không chộ Xanh ơi!
-Anh ni vui rứa thê! Núi Ngự Bình ở phía tê tề, mà đứng đây bị nhà cửa che làm răng mờ chộ. Cái anh ni vui! (tiếng vui vút lên cao khiến cho chữ vui mang ý cười chê: anh ni tức cười quá!khùng quá!).
À mà tui “vui” thiệt, trước mắt tui là tòa nhà vuông vức môt khối thô cứng, không hòa điệu chút nào với Huế dịu dàng, sâu lắng, vươn lên cao, lừng lững che cả một khoảng trời phương nam Huế.
Câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng:
Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương…
Chiều ni tui nghe như một nỗi tiếc nhớ xót xa: Huế đổi thay nhiều quá, chỉ còn núi Ngự và sông Hương là “trơ gan cùng tuế nguyệt”!


Quán bánh bèo cung An Định dễ tìm như Tịnh Tâm quán vì nó ăn theo tên một địa danh. Nhưng nếu việc ăn theo của quán thịt dê Tịnh Tâm khiến chúng tôi phiền lòng thì việc ăn theo của quán bèo nậm lọc lại khiến chúng tôi thích thú, tò mò. Cái tên “cung An Định” đã gợi cái chất Huế rồi, mà những món quà chiều nay lại là đặc sản ẩm thực Huế, là những món ăn bình dân thanh tao, nhẹ nhàng. Hai cái tên BÁNH BÈO và CUNG AN ĐỊNH  thiệt là hợp với nhau. Quán nằm ở một đường nhỏ bên phải khuôn viên cung An Định, thế thì tên gọi cũng có lý, may thay, hương vị món ăn cũng đậm đà, thái độ phục vụ khách hàng cũng nhẹ nhàng, rất Huế.
-         Cho hai dĩa bánh nậm lọc, ít ram nghe.
-         Dạ.
-         Cho nhiều ớt vô nghe.
-         Dạ.
-         Tui ăn cay lắm.
-         Dạ.
-   O có nghe câu ni chưa : Không ăn đậu không phải là người Mễ, không đi trễ không phải là người Việt.
-   Dạ.
-   Tui thêm : Không ăn cay không phải là người Huế, đúng không o?
-   Dạ.
-   O ni vui hè, noái chi cũng dạ!
-   Dạ.
Dạ, dạ, dạ,…nghe thiệt là Huế.
Tôi ngần ngừ trước cái bánh nậm còn lại trên dĩa. Bụng hơi no mà nhiều thứ bánh ngon khác còn chờ,…Thấy vậy, nàng cao giọng:
-Ăn họn cho rồi chơ làm duyên làm dáng chi nữa!
Ăn “họn”(ăn luôn đi, ăn quách đi cho xong)! Ui chao! Lâu lắm mới nghe lại cái tiếng rất Huế này!
…tui bỗng nhận ra một điều may mắn mà mấy hôm trước mãi bận tâm, bực bội vì những cái “phản Huế” tui không nhận ra: tui đang được ngồi ăn món quà Huế bên một cô nàng người Huế ! Mà như rứa cái thú thưởng thức văn hóa ẩm thực Huế mới trọn vẹn.
Trong khi lắng nghe vị bùi, béo, mềm mịn tan dần trong miệng, tui bốc phét:
-Vài năm nữa nghỉ hưu anh sẽ mở một quán món ngon xứ Huế, mời o chủ quán bánh bèo cung An Định vào làm bánh, Xanh thấy răng hè?
Nàng dí ngón tay thon mềm vào trán tui:
-Xí! Anh đừng có mà mợt nghe! Chủ nhà hàng Kim Long trả o 15 triệu một tháng mà o có thèm ừ hử chi mô!
Không cần biết Kim Long quán ở đâu, mười lăm triệu nhiều ít thế nào, tui đã bị choáng bởi tiếng “mợt” thốt ra từ cái miệng xinh đẹp của nàng rồi!
Lại thêm một tiếng Huế “chính chủ” mà tui đã quên bẳng đi từ lâu. (“mợt” là tưởng bở!). Ôi, vừa nhai bánh ít ram, nghe vị dòn rụm của bánh ram trộn lẫn với cái mềm mịn, dẻo dính của bánh ít vừa nghe âm vang của tiếng “mợt” rất Huế mơn man lỗ tai, sướng khoái nói răng cho hết!
Bánh ít ram
Dù còn thòm thèm, tụi tui vẫn phải rời quán ra về, mang theo hương vị bèo, nậm, lọc, ít ram cung An Định và âm vang ngọt ngào của hai tiếng đặc Huế: họn, mợt…
Cà phê Cố Hương vẫn thường là nơi nghỉ chân hóng mát của chúng tôi sau mỗi chiều dạo phố, quán ở bờ bắc sông Hương, nhìn ra khoảng sông xanh, êm ả giữa hai cây cầu quen thuộc: Tràng Tiền, Phú Xuân, hai cây cầu một cũ một mới bắt qua sông Hương như là biểu trưng cho cái cổ điển và cái hiện đại của Huế.(**)
Khi nắng chiều tắt hẳn thì cầu Tràng Tiền hiện ra với vẻ diễm lệ tân tiến của mình. Những vài cầu mềm mại lần lượt sáng lên với những màu sắc khác nhau. Đó là màu của những ngọn đèn màu được bố trí kín đáo để rọi sáng các vài cầu. cứ khoảng 3 phút cầu thay đổi màu một lần, có lúc mỗi vài cầu có một màu khác  nhau. Trong lúc đó thì những chiếc thuyền rồng với tiếng đàn ca réo rắt xuất hiện, lờ lững trôi qua . Đây là những chiếc thuyền chở du khách đi dạo sông Hương và trình diễn ca nhạc cung đình.
Trước cảnh non nước hữu tình đó, nàng cất tiếng hát nhỏ bài ‘Huế xưa”. Đây là bài hát tôi thích và đã nghe nhiều lần qua giọng ca Thiên Trang, Phi Anh nhưng lần này nghe nàng hát lòng tôi dạt dào cảm xúc. Tôi ngồi xích lại gần bên nàng, mê mẩn. Mê mẩn vì tiếng hát thân thương được cất lên trong khung cảnh hữu tình. Chúng tôi ngồi sát bên nhau lúc nào không hay, để lòng chơi vơi theo cảm hứng của cái đẹp của đất trời, của âm nhạc, của tình yêu Huế thiết tha, sâu thẳm trong lòng của những đứa con của Huế thương. Thật thanh cao, trong sáng, lòng không bợn chút bụi trần…
Tui đã tìm lại Huế của tui như rứa đó!
Sáng hôm sau, theo lời gọi của mệ Ba, tui ra quán Lục Bộ. Tại đây, thật vui, tui được gặp những khuôn mặt của Huế một thời:
Anh Cao Hữu Điền, anh Giảng, mệ Ba, R
Với các anh, hoài niệm từ một thời Huế xưa sôi động xuống đường hoặc thơ mộng lãng mạn tràn về. Những cái tên vang vang hoài niệm: Trường Quốc học, Đồng Khánh, giảng đường Đại học, cà phê Tổng Hội, cà phê Chín Lỗ bên sông  An Cựu(*), những ngày công tác xã hội ở những miền quê hoang tàn vì bom đạn,..hiện về trong hồi ức. Huế vẫn còn đó!
Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương…
Lúc này hai câu thơ của thi sĩ đất Quảng Nam vang lên như một lời khẳng định. Điều này càng được củng cố hơn vào những ngày cùng nàng đi thăm một vài cảnh cũ, thưởng thức những món ăn dân dã cổ truyền của Huế ở nhũng góc đường, hè phố của những gánh hàng giản dị, gặp lại những người năm xưa, đi vào chiều sâu của Huế.
thanhdalat
23/8/2013
Đi tìm lại Huế: (ảnh tui chụp, trừ ảnh thứ 14,15 nhờ chụp)
 Chùa Huyền Không Sơn Thượng

Cổng chùa Diệu Đế (Sư và tiểu lợp lại ngói)
Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế bên sông An Cựu
Cổng vào thành nội

Lầu Ngọ Môn
Con đường ngăn cách trường Quốc Học và trường Đồng Khánh

Bến nước làng Sình
O con gái Huế
Nói chuyện hội họa

Nói chuyện blog
Sinh hoạt Hướng Đạo. 8/2011 (nhiều thế hệ)
…………….
(*) Quán cà phê bên sông An Cựu của một gia đình gồm có bà mẹ và tám o con gái xinh đẹp trông coi. Sinh viên Huế thường đến “ngồi thiền” vì mấy o. Có cậu sinh viên nào đó ranh ma ngồi đếm “lỗ” rồi đặt tên cho quán.
(**)Gọi là cầu mới nhưng Phú Xuân xây dựng từ năm 1974; còn cầu Tràng Tiền có tuổi thọ đã hơn 100 năm.