26 thg 9, 2011

Về Huế, hè 2011 (5) - Giò lan đã nở hoa

 
Lan ý thảo đã nở hoa
Giã từ Hội An, xe lướt qua thành phố Đà Nẵng, rồi đi vào đường hầm Hải Vân. Không có gì đáng tiếc xảy ra khi qua hầm như tôi e ngại (và các bạn chờ đợi
), vì một lý do đơn giản: trong một thoáng nhìn trộm, tôi bắt gặp nàng Tây xinh đẹp của tôi đang ngắm nhìn say mê ảnh một gã đàn ông bự con mà tôi ngờ là cựu diễn viên điện ảnh Schawrzenegger, thống đốc bang California hiện nay. Nén cơn ghen vô lý, tôi hỏi, giọng chua chát : Ngài thống đốc của xứ sở mày đó hả? Nàng mỉm cười: Không, chàng đây là  thống đốc của riêng tao thôi! Nàng chìa tấm ảnh cho tôi xem. Khiếp! yêu chi cái con người to khỏe đến thế không biết! Trông ớn thật! 

 
(ảnh Net)

Từ đó trong lòng tôi chỉ còn vang lên hai tiếng :Về nhà!
Xe ra khỏi đường hầm sâu hun hút. Mười phút trong ánh điện vàng đục với nỗi lo sự cố đường hầm đã qua, hành khách thở phào nhẹ nhõm. Trước mắt tôi là biển đẹp Lăng Cô nổi tiếng thế giới, trông như cảnh mộng hải giác thiên nhai ; 
 Photobucket

Cửa vào đường hầm Hải Vân   Vịnh Lăng Cô (ảnh Net)

rồi những miền đất với những cái tên thân thương như tiếng reo nao nức lòng tôi lần lượt hiện ra : Nước Ngọt, Cầu Hai, Đá Bạc, Truồi, Nong, Phú Bài, Hương Thủy, Quẹo Giàng Xay…
  Đến Huế rồi. Lòng xôn xao mừng. Câu thơ Bùi Giáng rộn lên trong lòng:
  Dạ thưa phố Huế bây chừ
  Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.
  Vừa đi vào cổng nhà, em, cháu đã chạy ra xách giùm túi xách nặng. Mạ từ trong quán chậm chậm đi ra, đôi mắt không còn tinh anh như trước, nhưng ôi, tôi nhìn thấy chất chứa bao nhiêu yêu thương. Đi xa lâu ngày mới về lại nhà, mừng mừng tủi tủi, các thứ…Rồi đi ngủ sớm trong tâm-yên-bình trọn vẹn. Về nhà rồi, như về với thế giới của một TÔI XƯA trong vòng tay mạ, mọi chuyện đa đoan ngoài đời như đã ở một thế giới khác.
*
Sáng dậy sớm, thơ thẩn đi ra sân. Hè năm nay không thấy đào rụng đầy sân như năm trước tuy lá vẫn mướt xanh. Chú Mừng đang tưới mấy chậu cây cảnh, dừng tay chỉ vào thân cây đào:
- Anh coi, có chi trên cây tề!
Tui nhìn theo ngón tay chỉ của chú Mừng, lòng như muốn reo lên. Giò lan ý thảo tui ghép vào thân cây đào hai năm trước, chờ mãi không ra hoa , định gỡ bỏ đi thì năm nay về bất ngờ thấy nó nở nụ cười chào. Hai chuỗi ngọc trắng muốt, giữa lòng hoa phớt vàng buông dài từ trên cao xuống. Màu hoa tươi trong, cánh hoa như có phủ một lớp lông mỏng mịn.
Thật không bõ công mấy buổi cùng Đính la cà lề đường phố Trần Hưng Đạo tìm mua phong lan, và chăm bẳm nó trong suốt hai kỳ nghỉ hè.
Cách đây hai năm, bởi mê giàn lan của Đính, tôi cũng hứng chí tạo một giàn lan cho mình. Tìm lan rừng thật dễ. Không như ngày xưa nhà văn Nhất Linh thời ở ẩn bên giòng suối Đa Mê phải băng rừng lội suối đi tìm, bây giờ người miền núi đem lan về phố bán, ta chỉ việc đến chọn. Chỉ cần 50.000 đồng là có vài ba giò lan rồi. Mua lan về tôi bó gốc lan vào miếng vỏ cây rồi gắn vào thân cây đào. Mỗi sáng mỗi chiều tôi đều tưới đẫm cho lan.
Cách chơi lan như rứa không chuyên nghiệp chút nào, vì rứa, sau mấy mùa hỏi thăm biết không có kết quả gì tôi hầu như đã quên nó đi.
Khi “tưởng rằng đã quên”(*) thì những nhánh lan chung tình của tôi bất ngờ nhìn tôi nhoẻn nụ cười yêu kiều, tươi tắn. Cây đào mộc mạc năm trước bây giờ trông duyên dáng hẳn lên bởi có nàng lan rừng tô điểm.

Photobucket
Rin - cộng tác viên đắc lực của tui và lan ý thảo
Tôi đi quanh gốc đào như chào thăm người bạn cũ, người bạn cùng vui buồn với tôi từ thưở thiếu thời đến giờ. Đây là cây đào  đã cùng ngôi nhà rường của gia đình tôi trải qua bao nhiêu bể dâu của hai thế kỷ. Trên thân đào vẫn còn vết đạn pháo những năm binh lửa. Vào năm 1985, một cơn bão lớn càn qua thành Huế, cùng chung số phận của nhiều thân cây cổ thụ khác, cây đào nhà tôi bị xô ngã. Nhưng kỳ lạ thay, khi được dựng lên nó vẫn sống, vẫn sống mạnh mẽ cho đến hôm nay, và hằng năm đến mùa, trái chín lại rụng đầy sân, làm khổ o Hiệp sáng nào cũng phải dậy sớm xúc hốt đổ đầy thùng rác.
Mấy năm trước còn khỏe chân khỏe tay, mạ tiếc “của trời”, bảo chú Mừng trèo lên cây hái, còn mạ thì lượm những trái rụng còn lành lặn. Tất cả cho vào một mủng, mạ mang xuống chợ Cầu Kho bán kiếm thêm tiền chợ. Sáng nào chú Mừng cũng hái, vậy mà vẫn còn dư cho bọn trẻ con trong xóm hái trộm hoặc lượm trái rơi để thêm vị ngọt cho kỷ niệm tuổi thơ của chúng. Mỗi năm đến mùa trái, quanh cây đào lại rộn vang tiếng cười đùa của trẻ.
Nhưng năm nay dậy sớm ra sân đi dạo tôi bổng cảm thấy thiếu vắng cái gì. À, phải rồi, tôi không còn nghe tiếng lộp bộp quen thân của trái đào rơi nữa. Cây đào đứng lặng yên dưới trời sương. O Hiệp không phải dậy sớm lui cui hốt trái đào rụng nữa rồi.Chú Mừng bảo năm nay thời tiết thất thường nên nhiều giống cây không ra hoa, đậu quả, có lẽ cây đào nhà mình cũng rứa. Nhìn lá đào xanh mướt tôi nghĩ thầm, mong thầm: Chỉ một năm nay tiết trời thay đổi, đào thưa trái thế thôi, sang năm đào lại sây, nó còn khỏe lắm mà!
Tôi cứ đi tới đi lui quanh sân, nhìn cây đào thân thiết, lòng  ngậm ngùi , thương lo.
Không còn nghe tiếng đào rơi mỗi sáng ra sân, nhưng bạn ơi, tôi lại nhìn thấy giò lan “tưởng rằng đã quên” trên thân xù xì của nó nở hoa, dăm sáu chuỗi ngọc trắng tinh, phớt vàng đong đưa đón nắng mai.
Bỗng thấm thía câu thơ của thiền sư Mãn Giác:
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.
 Photobucket
Sao tôi lại cứ mãi băn khoăn nhớ tiếng đào rơi năm cũ mà không để lòng vui trước nụ cười duyên của nhánh lan rừng mới nở sáng nay nhỉ?

chuồn chuồn
23/9/2011
--------------------------------------------------
(*) Một ca khúc của Trịnh Công sơn

4 thg 9, 2011

Về Huế, hè 2011 (4) Bâng Khuâng Hoài Phố*


Nhờ câu chuyện của H mà chuyến đi xe giường nằm từ Nha Trang ra Hội An của tôi, mặc dù nằm bên cạnh tôi cũng có nàng tiên tóc vàng diễm lệ, diễn ra tương đối êm ả. Suốt đêm, tôi chỉ để đôi mắt phiêu lưu vài lần, nhưng cảm thấy …sao sao ấy là vội vàng rút lui trước khi bị cám dỗ. "Ớn" thật! H nói không sai chút nào. Tôi quay về với thế giới của riêng mình, thỉnh thoảng trả lời tin nhắn hỏi thăm của bà xã, nói chuyện vài câu với cô con gái rượu qua điện thoại, và nhắm mắt cố dỗ giấc ngủ. Có thể nói, chuyến đi hoàn toàn tốt đẹp, nếu không có chuyện lôi thôi nho nhỏ vào buổi sáng hôm sau, khi “tình trạng tự giới nghiêm” đã được dỡ bỏ.

 Photobucket
Đến phố Hội thì đã 7 giờ sáng.
Hành khách có 45 phút sống với phố cổ. Tuy nhiên, thời gian đó không phải dành cho việc tham quan phố Hội, bởi vì sau một đêm dài rong ruổi dặm trường, ai cũng cần phải dành thời gian cho việc khác cần thiết hơn: làm mới bản thân để đón chào ngày mới. Nhưng văn phòng giao dịch của TheSinh Tourist Hội An không thân thiện cho lắm vì chỉ có 2 toilet, một ở tầng trệt và một ở tầng 2 mà khách thì có hơn 40 vị với những việc cần làm ngay. Thế nên mới diễn ra một cảnh bi hài. Một cuộc xếp hàng trước cả hai toilet; có vài vị chạy lên cầu thang hai tầng lầu rồi tiu nghỉu chạy xuống, bộ mặt trông thật khó coi. Thật khác với vẻ mặt hiên ngang đường bệ của họ khi bước lên xe giường nằm cao cấp chiều qua.
  Tôi chẳng khá gì hơn, cũng nôn nóng chạy lên lầu, xuống lầu. Tuy vậy cũng đành chịu thua những bộ mặt khẩn trương của những vị khách nhanh chân xếp hàng trước, bèn rời văn phòng giao dịch đi tìm một quán cao lầu - đặc sản của phố Hội để ăn sáng.   
  Bỏ con đường Hai Bà Trưng vùng ngoại ô, nơi xe dừng, tôi vội vàng đi vào trong phố bởi nghĩ rằng ở đó vị phố cổ đậm đà hơn. Đi qua hai ba con đường vẫn chưa tìm thấy quán cao lầu nào mà thời gian thì đang hẹp lại. Từ các gánh hàng ăn vệ đường đến các quán ăn khác chỉ thấy phục vụ các món ăn miền nào cũng có: Bún bò Huế, mì Quảng, bún rêu, phở…
  Khi đồng hồ chỉ 7g10 tôi mới tìm thấy một quán ăn đúng là cổ (cũng có nghĩa là rất cũ kỹ) có ghi rõ hai chữ CAO LẦU trên bảng hiệu, bên cạnh có hàng chữ nhỏ: Frest beer.   Quán ăn là một căn phòng trong ngôi nhà cổ, tường nhà rêu phong và mái ngói cũ nát. Nhưng hiên nhà có treo hai cái đèn lồng đỏ, như đôi môi son trên khuôn mặt nhăn nheo, thay cho lời chào khách. Quán chưa có khách, nhưng hề gì, tôi khấp khởi đi vào.
- Cho một tô cao lầu!
Ông chủ quán đang lúi húi sau quầy, sắp đặt lại ly tách các thứ, tiếng va chạm của thủy tinh lanh canh nho nhỏ trong buổi sáng yên tĩnh trong ngôi nhà cổ nghe thật bình an. Nơi này thời gian trôi thật chậm. Chừng như là gần một phút sau, từ trong chỗ tối của gian nhà, giọng ông chủ khàn khàn vọng ra:
- Bả đang đi chợ, 8 giờ mới có cao lầu anh ạ. Anh dùng cà phê nhé.
Ui trừi! 7g25! Chỉ còn 20 phút nữa xe khởi hành mà cái bụng thì đang bị bọn kiến biểu tình!
Tôi hỏi chủ quán nơi bán cao lầu gần nhất, ổng chỉ tay về con đường tôi vừa đi qua. Có lẽ tôi đọc các bảng hiệu chưa kỹ. Tôi đi về theo đường cũ vì không còn thời gian. Đến một ngả rẽ, quả thật, tôi tìm thấy hai chữ c o lau nằm khiêm tốn bên cạnh các món ăn sáng khác, màu chữ cũng đã phai và mất đi mấy nét. Tôi đi vào, kéo ghế ngồi. Mùi nước dùng bốc lên ngào ngạt. Tôi gọi một cách tự tin.
-Chị cho một tô cao lầu nhé!
Bà chủ quán đang luôn tay múc dọn hàng ăn, không nhìn khách, đáp ngay:
-Có ngay!
Lát sau, bà chủ quán, với giọng Quảng Nam đặc sệt:
-Mời eng dùng cho nóng!
Photobucket
Nhìn vào tô,…ủa?... nhìn kỹ,… thấy món ăn quen thuộc quá. Chưa ăn cao lầu bao giờ, nhưng bởi có lên mạng đọc báo nên về lý thuyết cũng biết sơ sơ. Đại khái như ri nì:
Sợi cao lầu có độ dai, chắc, màu hồng đào như trái bòn bon ( Nam trân, ngày xưa dùng để dâng vua). Xắt sợi cao lầu thành từng đoạn nhỏ, phơi khô, sau đó chiên phồng.
Thịt heo nạc ướp xì dầu, nước mắm Nam Ô, ngũ vị hương, gia vị, đậu phụng (lạc) rang giã vụn, xào chín để làm nhân. Cho rau sống, cao lầu vào tô, đặt loại nhân tổng hợp lên trên, rưới nước sốt thịt vòng quanh. Chiếc bánh tráng (bánh đa) vàng hươm với nhiều mè trắng, mè đen, được dọn kèm.
Rau sống được trồng tại làng Trà Quế, ngon nổi tiếng khắp miền Trung, rau sống gồm rau thơm, rau quế, rau răm, rau đắng, ngò, giá, xà lách, diếp cá, cải con, bắp chuối, dưa leo, khế chua. Mười hai thứ rau tượng trưng cho 12 con giáp của con người.
Chao ôi, khi thực khách bưng bát cao lầu thơm ngon lên để thưởng thức, lòng thầm nghĩ rằng "mình vừa thành một Quân vương đang "ngự thiện", mà không phải "thần dân" nào cũng được diễm phúc tuyệt vời ấy.(Theo: 24h)

(Mời bạn xem thêm lời còm của Bâng Khuâng ở phần Bình Luận).
 Photobucket

Tô Cao lầu (h1) . ảnh Net
 Photobucket
Tô Cao lầu (h2).ảnh Net

Tôi nói, không mấy tự tin:
-Cao lầu là đây à? Sao trông như là phở!
Bà chủ cười hiền hậu:
-Ùa, cao lầu ế quá, nghỉ bán lâu rồi eng à. Thôi ăn chi cũng rứa mà, ăn đại đi eng.
Tôi cũng "ùa" theo, cay đắng nghĩ : mình mãi mãi chỉ là "thần dân". Giấc mộng "quân vương" vài phút ăn sáng thôi cũng tan rồi! Chỉ còn 15 phút, còn kén cá chọn canh chi nữa! Tôi ăn vội vàng cho xong chứ không biết thế nào là ngon dở gì nữa. Cái tâm hồn ăn uống nồng nhiệt của tôi bị tổn thương ghê quá.
Khi trở lại đường Hai Bà Trưng bất ngờ nhìn thấy có vài quán ăn có cao lầu. Mới hay mình đã bị trừng phạt vì kén cá chọn canh, ham chất phố cổ đậm đà mà chê ngoại ô dân dã.
Đến văn phòng TheSinh Tourist thì đồng hồ chỉ 7 giờ 35. Còn 10 phút. Tôi yên tâm ngắm phố, chụp mấy pô ảnh.
 Photobucket
Một bảng hiệu ở Phố cổ (1)
Photobucket
 
Một bảng hiệu ở phố cổ (2)


 Lúc này tôi mới nhận ra: trên các bảng giới thiệu món ăn, bên cạnh tên món ăn bằng tiếng Việt có tên món ăn bằng tiếng nước ngoài, những ngôi nhà cổ thì tàn tạ, chìm khuất dưới bóng những căn lầu khang trang, đẹp đẽ và oai phong với kiến trúc Âu Mỹ hiện đại pha chút duyên của kiến trúc Á Đông xưa.
 Photobucket

Bài ca kiến trúc “Tân cổ giao duyên”, “Đông -Tây hòa điệu” tuy cũng hài hòa, thẩm mỹ nhưng đó không phải là phố cổ mà khách bốn phương hoài vọng nữa.
Cảm thấy như phố cổ đang từng bước đi lùi dần về dĩ vãng!
 Photobucket
(net)
Lòng buồn buồn nghĩ tới câu thơ cổ: Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Tôi đưa máy ảnh lên, ghi lại vài bức ảnh các ngôi nhà, các bảng hiệu “Tân cổ giao duyên” và  “Đông-Tây hòa điệu”. Bỗng nàng tiên tóc vàng suốt đêm qua ngủ cạnh tôi đi qua, lọt vào ống ngắm, che mất một hình ảnh đặc trưng của phố cổ: một bà già còng lưng với gánh cao lầu đi qua một ngôi nhà cổ tàn tạ, rêu phong. Cô nàng xinh đẹp và rực rỡ quá. Nhưng, điều tôi tìm kiếm lúc này là cái hồn phố cổ kia!
Sau này, thỉnh thoảng nhìn lại bức hình nàng Tây kiều diễm-từng một đêm ngủ bên tôi-che khuất bà già còng lưng gánh hồn phố cổ lòng tôi cứ mãi bâng khuâng…

chuồn chuồn
12/9/2011
----------------------------------
*Hoài Phố : Một giả thuyết phổ biến cho rằng Faifo xuất phát từ tên Hội An phố, cái tên sử sách và địa chí Trung, Việt đều nhắc tới. Theo một thuyết khác, sông Thu Bồn trước kia có tên là sông Hoài, nên Hội An còn được gọi là Hoài Phố, sau Hoài Phố biến thành Phai Phố, từ đó xuất hiện cái tên Faifo (trích:Wikipedia)