4 thg 9, 2011

Về Huế, hè 2011 (4) Bâng Khuâng Hoài Phố*


Nhờ câu chuyện của H mà chuyến đi xe giường nằm từ Nha Trang ra Hội An của tôi, mặc dù nằm bên cạnh tôi cũng có nàng tiên tóc vàng diễm lệ, diễn ra tương đối êm ả. Suốt đêm, tôi chỉ để đôi mắt phiêu lưu vài lần, nhưng cảm thấy …sao sao ấy là vội vàng rút lui trước khi bị cám dỗ. "Ớn" thật! H nói không sai chút nào. Tôi quay về với thế giới của riêng mình, thỉnh thoảng trả lời tin nhắn hỏi thăm của bà xã, nói chuyện vài câu với cô con gái rượu qua điện thoại, và nhắm mắt cố dỗ giấc ngủ. Có thể nói, chuyến đi hoàn toàn tốt đẹp, nếu không có chuyện lôi thôi nho nhỏ vào buổi sáng hôm sau, khi “tình trạng tự giới nghiêm” đã được dỡ bỏ.

 Photobucket
Đến phố Hội thì đã 7 giờ sáng.
Hành khách có 45 phút sống với phố cổ. Tuy nhiên, thời gian đó không phải dành cho việc tham quan phố Hội, bởi vì sau một đêm dài rong ruổi dặm trường, ai cũng cần phải dành thời gian cho việc khác cần thiết hơn: làm mới bản thân để đón chào ngày mới. Nhưng văn phòng giao dịch của TheSinh Tourist Hội An không thân thiện cho lắm vì chỉ có 2 toilet, một ở tầng trệt và một ở tầng 2 mà khách thì có hơn 40 vị với những việc cần làm ngay. Thế nên mới diễn ra một cảnh bi hài. Một cuộc xếp hàng trước cả hai toilet; có vài vị chạy lên cầu thang hai tầng lầu rồi tiu nghỉu chạy xuống, bộ mặt trông thật khó coi. Thật khác với vẻ mặt hiên ngang đường bệ của họ khi bước lên xe giường nằm cao cấp chiều qua.
  Tôi chẳng khá gì hơn, cũng nôn nóng chạy lên lầu, xuống lầu. Tuy vậy cũng đành chịu thua những bộ mặt khẩn trương của những vị khách nhanh chân xếp hàng trước, bèn rời văn phòng giao dịch đi tìm một quán cao lầu - đặc sản của phố Hội để ăn sáng.   
  Bỏ con đường Hai Bà Trưng vùng ngoại ô, nơi xe dừng, tôi vội vàng đi vào trong phố bởi nghĩ rằng ở đó vị phố cổ đậm đà hơn. Đi qua hai ba con đường vẫn chưa tìm thấy quán cao lầu nào mà thời gian thì đang hẹp lại. Từ các gánh hàng ăn vệ đường đến các quán ăn khác chỉ thấy phục vụ các món ăn miền nào cũng có: Bún bò Huế, mì Quảng, bún rêu, phở…
  Khi đồng hồ chỉ 7g10 tôi mới tìm thấy một quán ăn đúng là cổ (cũng có nghĩa là rất cũ kỹ) có ghi rõ hai chữ CAO LẦU trên bảng hiệu, bên cạnh có hàng chữ nhỏ: Frest beer.   Quán ăn là một căn phòng trong ngôi nhà cổ, tường nhà rêu phong và mái ngói cũ nát. Nhưng hiên nhà có treo hai cái đèn lồng đỏ, như đôi môi son trên khuôn mặt nhăn nheo, thay cho lời chào khách. Quán chưa có khách, nhưng hề gì, tôi khấp khởi đi vào.
- Cho một tô cao lầu!
Ông chủ quán đang lúi húi sau quầy, sắp đặt lại ly tách các thứ, tiếng va chạm của thủy tinh lanh canh nho nhỏ trong buổi sáng yên tĩnh trong ngôi nhà cổ nghe thật bình an. Nơi này thời gian trôi thật chậm. Chừng như là gần một phút sau, từ trong chỗ tối của gian nhà, giọng ông chủ khàn khàn vọng ra:
- Bả đang đi chợ, 8 giờ mới có cao lầu anh ạ. Anh dùng cà phê nhé.
Ui trừi! 7g25! Chỉ còn 20 phút nữa xe khởi hành mà cái bụng thì đang bị bọn kiến biểu tình!
Tôi hỏi chủ quán nơi bán cao lầu gần nhất, ổng chỉ tay về con đường tôi vừa đi qua. Có lẽ tôi đọc các bảng hiệu chưa kỹ. Tôi đi về theo đường cũ vì không còn thời gian. Đến một ngả rẽ, quả thật, tôi tìm thấy hai chữ c o lau nằm khiêm tốn bên cạnh các món ăn sáng khác, màu chữ cũng đã phai và mất đi mấy nét. Tôi đi vào, kéo ghế ngồi. Mùi nước dùng bốc lên ngào ngạt. Tôi gọi một cách tự tin.
-Chị cho một tô cao lầu nhé!
Bà chủ quán đang luôn tay múc dọn hàng ăn, không nhìn khách, đáp ngay:
-Có ngay!
Lát sau, bà chủ quán, với giọng Quảng Nam đặc sệt:
-Mời eng dùng cho nóng!
Photobucket
Nhìn vào tô,…ủa?... nhìn kỹ,… thấy món ăn quen thuộc quá. Chưa ăn cao lầu bao giờ, nhưng bởi có lên mạng đọc báo nên về lý thuyết cũng biết sơ sơ. Đại khái như ri nì:
Sợi cao lầu có độ dai, chắc, màu hồng đào như trái bòn bon ( Nam trân, ngày xưa dùng để dâng vua). Xắt sợi cao lầu thành từng đoạn nhỏ, phơi khô, sau đó chiên phồng.
Thịt heo nạc ướp xì dầu, nước mắm Nam Ô, ngũ vị hương, gia vị, đậu phụng (lạc) rang giã vụn, xào chín để làm nhân. Cho rau sống, cao lầu vào tô, đặt loại nhân tổng hợp lên trên, rưới nước sốt thịt vòng quanh. Chiếc bánh tráng (bánh đa) vàng hươm với nhiều mè trắng, mè đen, được dọn kèm.
Rau sống được trồng tại làng Trà Quế, ngon nổi tiếng khắp miền Trung, rau sống gồm rau thơm, rau quế, rau răm, rau đắng, ngò, giá, xà lách, diếp cá, cải con, bắp chuối, dưa leo, khế chua. Mười hai thứ rau tượng trưng cho 12 con giáp của con người.
Chao ôi, khi thực khách bưng bát cao lầu thơm ngon lên để thưởng thức, lòng thầm nghĩ rằng "mình vừa thành một Quân vương đang "ngự thiện", mà không phải "thần dân" nào cũng được diễm phúc tuyệt vời ấy.(Theo: 24h)

(Mời bạn xem thêm lời còm của Bâng Khuâng ở phần Bình Luận).
 Photobucket

Tô Cao lầu (h1) . ảnh Net
 Photobucket
Tô Cao lầu (h2).ảnh Net

Tôi nói, không mấy tự tin:
-Cao lầu là đây à? Sao trông như là phở!
Bà chủ cười hiền hậu:
-Ùa, cao lầu ế quá, nghỉ bán lâu rồi eng à. Thôi ăn chi cũng rứa mà, ăn đại đi eng.
Tôi cũng "ùa" theo, cay đắng nghĩ : mình mãi mãi chỉ là "thần dân". Giấc mộng "quân vương" vài phút ăn sáng thôi cũng tan rồi! Chỉ còn 15 phút, còn kén cá chọn canh chi nữa! Tôi ăn vội vàng cho xong chứ không biết thế nào là ngon dở gì nữa. Cái tâm hồn ăn uống nồng nhiệt của tôi bị tổn thương ghê quá.
Khi trở lại đường Hai Bà Trưng bất ngờ nhìn thấy có vài quán ăn có cao lầu. Mới hay mình đã bị trừng phạt vì kén cá chọn canh, ham chất phố cổ đậm đà mà chê ngoại ô dân dã.
Đến văn phòng TheSinh Tourist thì đồng hồ chỉ 7 giờ 35. Còn 10 phút. Tôi yên tâm ngắm phố, chụp mấy pô ảnh.
 Photobucket
Một bảng hiệu ở Phố cổ (1)
Photobucket
 
Một bảng hiệu ở phố cổ (2)


 Lúc này tôi mới nhận ra: trên các bảng giới thiệu món ăn, bên cạnh tên món ăn bằng tiếng Việt có tên món ăn bằng tiếng nước ngoài, những ngôi nhà cổ thì tàn tạ, chìm khuất dưới bóng những căn lầu khang trang, đẹp đẽ và oai phong với kiến trúc Âu Mỹ hiện đại pha chút duyên của kiến trúc Á Đông xưa.
 Photobucket

Bài ca kiến trúc “Tân cổ giao duyên”, “Đông -Tây hòa điệu” tuy cũng hài hòa, thẩm mỹ nhưng đó không phải là phố cổ mà khách bốn phương hoài vọng nữa.
Cảm thấy như phố cổ đang từng bước đi lùi dần về dĩ vãng!
 Photobucket
(net)
Lòng buồn buồn nghĩ tới câu thơ cổ: Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Tôi đưa máy ảnh lên, ghi lại vài bức ảnh các ngôi nhà, các bảng hiệu “Tân cổ giao duyên” và  “Đông-Tây hòa điệu”. Bỗng nàng tiên tóc vàng suốt đêm qua ngủ cạnh tôi đi qua, lọt vào ống ngắm, che mất một hình ảnh đặc trưng của phố cổ: một bà già còng lưng với gánh cao lầu đi qua một ngôi nhà cổ tàn tạ, rêu phong. Cô nàng xinh đẹp và rực rỡ quá. Nhưng, điều tôi tìm kiếm lúc này là cái hồn phố cổ kia!
Sau này, thỉnh thoảng nhìn lại bức hình nàng Tây kiều diễm-từng một đêm ngủ bên tôi-che khuất bà già còng lưng gánh hồn phố cổ lòng tôi cứ mãi bâng khuâng…

chuồn chuồn
12/9/2011
----------------------------------
*Hoài Phố : Một giả thuyết phổ biến cho rằng Faifo xuất phát từ tên Hội An phố, cái tên sử sách và địa chí Trung, Việt đều nhắc tới. Theo một thuyết khác, sông Thu Bồn trước kia có tên là sông Hoài, nên Hội An còn được gọi là Hoài Phố, sau Hoài Phố biến thành Phai Phố, từ đó xuất hiện cái tên Faifo (trích:Wikipedia)


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]