Lan ý thảo đã nở hoa
Giã từ Hội An, xe lướt qua thành phố Đà Nẵng, rồi đi vào đường hầm Hải Vân. Không có gì đáng tiếc xảy ra khi qua hầm như tôi e ngại (và các bạn chờ đợi
), vì một lý do đơn giản: trong một thoáng nhìn trộm, tôi bắt gặp nàng Tây xinh đẹp của tôi đang ngắm nhìn say mê ảnh một gã đàn ông bự con mà tôi ngờ là cựu diễn viên điện ảnh Schawrzenegger, thống đốc bang California hiện nay. Nén cơn ghen vô lý, tôi hỏi, giọng chua chát : Ngài thống đốc của xứ sở mày đó hả? Nàng mỉm cười: Không, chàng đây là thống đốc của riêng tao thôi! Nàng chìa tấm ảnh cho tôi xem. Khiếp! yêu chi cái con người to khỏe đến thế không biết! Trông ớn thật!
(ảnh Net)
Xe ra khỏi đường hầm sâu hun hút. Mười phút
trong ánh điện vàng đục với nỗi lo sự cố đường hầm đã qua, hành khách thở phào
nhẹ nhõm. Trước mắt tôi là biển đẹp Lăng Cô nổi tiếng thế giới, trông như cảnh
mộng hải giác thiên nhai ;
Cửa vào đường hầm Hải Vân Vịnh Lăng Cô
(ảnh Net)
rồi những miền đất với những cái tên thân
thương như tiếng reo nao nức lòng tôi lần lượt hiện ra : Nước Ngọt, Cầu Hai, Đá
Bạc, Truồi, Nong, Phú Bài, Hương Thủy, Quẹo Giàng Xay…
Đến Huế rồi. Lòng xôn xao
mừng. Câu thơ Bùi Giáng rộn lên trong lòng:Dạ thưa phố Huế bây chừ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.
Vừa đi vào cổng nhà, em, cháu đã chạy ra xách giùm túi xách nặng. Mạ từ trong quán chậm chậm đi ra, đôi mắt không còn tinh anh như trước, nhưng ôi, tôi nhìn thấy chất chứa bao nhiêu yêu thương. Đi xa lâu ngày mới về lại nhà, mừng mừng tủi tủi, các thứ…Rồi đi ngủ sớm trong tâm-yên-bình trọn vẹn. Về nhà rồi, như về với thế giới của một TÔI XƯA trong vòng tay mạ, mọi chuyện đa đoan ngoài đời như đã ở một thế giới khác.
*
Sáng dậy sớm, thơ thẩn đi ra sân. Hè năm
nay không thấy đào rụng đầy sân như năm trước tuy lá vẫn mướt xanh. Chú Mừng
đang tưới mấy chậu cây cảnh, dừng tay chỉ vào thân cây đào:- Anh coi, có chi trên cây tề!
Tui nhìn theo ngón tay chỉ của chú Mừng, lòng như muốn reo lên. Giò lan ý thảo tui ghép vào thân cây đào hai năm trước, chờ mãi không ra hoa , định gỡ bỏ đi thì năm nay về bất ngờ thấy nó nở nụ cười chào. Hai chuỗi ngọc trắng muốt, giữa lòng hoa phớt vàng buông dài từ trên cao xuống. Màu hoa tươi trong, cánh hoa như có phủ một lớp lông mỏng mịn.
Thật không bõ công mấy buổi cùng Đính la cà lề đường phố Trần Hưng Đạo tìm mua phong lan, và chăm bẳm nó trong suốt hai kỳ nghỉ hè.
Cách đây hai năm, bởi mê giàn lan của Đính, tôi cũng hứng chí tạo một giàn lan cho mình. Tìm lan rừng thật dễ. Không như ngày xưa nhà văn Nhất Linh thời ở ẩn bên giòng suối Đa Mê phải băng rừng lội suối đi tìm, bây giờ người miền núi đem lan về phố bán, ta chỉ việc đến chọn. Chỉ cần 50.000 đồng là có vài ba giò lan rồi. Mua lan về tôi bó gốc lan vào miếng vỏ cây rồi gắn vào thân cây đào. Mỗi sáng mỗi chiều tôi đều tưới đẫm cho lan.
Cách chơi lan như rứa không chuyên nghiệp
chút nào, vì rứa, sau mấy mùa hỏi thăm biết không có kết quả gì tôi hầu như đã
quên nó đi.
Khi “tưởng rằng đã quên”(*) thì những nhánh
lan chung tình của tôi bất ngờ nhìn tôi nhoẻn nụ cười yêu kiều, tươi tắn. Cây
đào mộc mạc năm trước bây giờ trông duyên dáng hẳn lên bởi có nàng lan rừng tô
điểm.
Rin - cộng tác viên đắc lực của tui và lan ý thảo
Tôi đi quanh gốc đào như chào
thăm người bạn cũ, người bạn cùng vui buồn với tôi từ thưở thiếu thời đến giờ.
Đây là cây đào đã cùng ngôi nhà rường của gia đình tôi trải qua
bao nhiêu bể dâu của hai thế kỷ. Trên thân đào vẫn còn vết đạn pháo những năm
binh lửa. Vào năm 1985, một cơn bão lớn càn qua thành Huế, cùng chung số phận
của nhiều thân cây cổ thụ khác, cây đào nhà tôi bị xô ngã. Nhưng kỳ lạ thay, khi
được dựng lên nó vẫn sống, vẫn sống mạnh mẽ cho đến hôm nay, và hằng năm đến
mùa, trái chín lại rụng đầy sân, làm khổ o Hiệp sáng nào cũng phải dậy sớm xúc
hốt đổ đầy thùng rác.Mấy năm trước còn khỏe chân khỏe tay, mạ tiếc “của trời”, bảo chú Mừng trèo lên cây hái, còn mạ thì lượm những trái rụng còn lành lặn. Tất cả cho vào một mủng, mạ mang xuống chợ Cầu Kho bán kiếm thêm tiền chợ. Sáng nào chú Mừng cũng hái, vậy mà vẫn còn dư cho bọn trẻ con trong xóm hái trộm hoặc lượm trái rơi để thêm vị ngọt cho kỷ niệm tuổi thơ của chúng. Mỗi năm đến mùa trái, quanh cây đào lại rộn vang tiếng cười đùa của trẻ.
Nhưng năm nay dậy sớm ra sân đi dạo tôi bổng cảm thấy thiếu vắng cái gì. À, phải rồi, tôi không còn nghe tiếng lộp bộp quen thân của trái đào rơi nữa. Cây đào đứng lặng yên dưới trời sương. O Hiệp không phải dậy sớm lui cui hốt trái đào rụng nữa rồi.Chú Mừng bảo năm nay thời tiết thất thường nên nhiều giống cây không ra hoa, đậu quả, có lẽ cây đào nhà mình cũng rứa. Nhìn lá đào xanh mướt tôi nghĩ thầm, mong thầm: Chỉ một năm nay tiết trời thay đổi, đào thưa trái thế thôi, sang năm đào lại sây, nó còn khỏe lắm mà!
Tôi cứ đi tới đi lui quanh sân, nhìn cây đào thân thiết, lòng ngậm ngùi , thương lo.
Không còn nghe tiếng đào rơi mỗi sáng ra sân, nhưng bạn ơi, tôi lại nhìn thấy giò lan “tưởng rằng đã quên” trên thân xù xì của nó nở hoa, dăm sáu chuỗi ngọc trắng tinh, phớt vàng đong đưa đón nắng mai.
Bỗng thấm thía câu thơ của thiền sư Mãn Giác:
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành
mai.
Sao tôi lại cứ mãi băn khoăn nhớ tiếng đào
rơi năm cũ mà không để lòng vui trước nụ cười duyên của nhánh lan rừng mới nở
sáng nay nhỉ?
chuồn chuồn
23/9/2011
--------------------------------------------------
(*) Một ca khúc của Trịnh Công sơn
chuồn chuồn
23/9/2011
--------------------------------------------------
(*) Một ca khúc của Trịnh Công sơn
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]