29 thg 9, 2010

Mấy ngày nghỉ hè ở Huế - 4. THĂM LẠI ĐỒI XƯA

Về Huế luẩn quẩn trong phố mới hai ba hôm đã thấy nhớ ngoại ô và những ngọn đồi phía Tây Nam thành phố, tôi rủ Tô lên đường Nam du . “Con đường Nam Giao thẳng mà không bằng” đưa chúng tôi rời Huế đến vùng đồi của những lăng tẩm. Đến đàn Nam Giao, tôi dừng xe ngoái nhìn lại tìm cột cờ Phu Văn Lâu để xác nhận sự chính xác của câu văn xuôi đầy chất thơ của nhà thơ Xuân Diệu là đúng với thực tế, rồi đi tiếp. Qua một khúc quành, chúng tôi đến khu vực lăng Tự Đức. Tô bảo tôi dừng lại để đi xem cây sanh cổ thụ mới được Công ty Làng Việt di dời từ vùng núi A Lưới về nơi này cách đây mấy tháng. Việc đưa cây sanh cổ thụ từ trên núi về thành phố và chăm sóc cho nó sống tiếp cuộc đời dài bằng mấy đời người quả là một kỳ công. Dự định ban đầu của Công ty Làng Việt là thuê trực thăng chở về, nhưng vì một lý do nào đó không thực hiện được. Sau Công ty đã thuê hai xe cần cẩu đưa nó về Huế. Phải mất tới hai ngày đêm vượt qua hơn 50 km, qua những đoạn đường núi cheo leo giữa vách núi và vực sâu, cuối cùng cây sanh cổ thụ đã đến được nơi ở mới. Kỳ công thứ hai là trồng lại cây sanh này trên nền đất mới, đất đồng bằng. Khi chúng tôi đến thì nó đã yên vị, cành lá xanh tươi, oai vệ đứng bên đường, chỗ mà sau này là cổng vào của khu du lịch nghỉ dưỡng Làng Việt. Cây sanh cổ thụ được bảo vệ kỹ lưỡng, có hàng rào và phên che. Nhờ quen với một người dân ở gần đó nên Tô và tôi được cho vào xem tận nơi…
Tuổi cao tác lớn của cây sanh cổ thụ khiến cho con người kính trọng.( ở nơi ở cũ, cây sanh này được người dân địa phương thờ như vị thần thành hoàng và trước khi di dời nó, Công ty Làng Việt đã làm một lễ để xin phép). Tuy nhiên, đối với những người làm nghề kinh doanh du lịch thì việc bỏ ra một món tiền lớn, dành một sự nâng niu, chăm sóc đặc biệt cho cây sanh cổ thụ không hẳn do lòng kính ngưỡng tuổi tác của nó mà vì lý do thực tế hơn nhiều: lợi nhuận mà nó đem lại.
Nhìn ngắm cây sanh cổ thụ với dáng đứng hùng vĩ ở một vùng ven thành phố, tôi chạnh nghĩ tới nỗi trống vắng của một vùng núi mà từ bao nhiêu năm qua cây sanh này đã là bóng râm quen thuộc, đã là hình dáng quen thuộc. Sự quen thuộc không chỉ của núi rừng mà còn với bao thế hệ con người nơi đó. Người dân vùng này có việc qua nơi ở cũ của cây sanh cổ thụ, thấy một khoảng trống, chắc hẳn lòng cảm thấy một mất mát khó thể nguôi ngoai.
**
Rời cây sanh có cái mạng lớn, chúng tôi tiếp tục đi về hướng đồi Vọng Cảnh. Đây là một ngọn đồi thấp , cao khoảng 43m, cách Huế 7 km về phía Tây Nam ,chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương, đối diện với điện Hòn Chén. Nằm nghỉ ngơi giữa vùng lăng tẩm, đồi Vọng Cảnh là một danh thắng của cố đô. Cái đẹp không ở hình dáng ngọn đồi mà ở chính vị trí tuyệt đẹp của nó, như tên gọi, đứng trên đồi mà nhìn ngắm cảnh sắc sông Hương thì không nơi nào bằng. Trong một tập địa phương chí về thị xã Huế (được biên soạn vào năm 1973), phần Thắng cảnh và du lịch có một đoạn viết về Vọng Cảnh như sau:
"Soi bóng trên dòng sông Hương nước chảy lờ đờ, đồi Vọng Cảnh gần sát lăng Tự Đức là một ngọn đồi cao, chung quanh gò đống nối nhau như rồng cuộn. Đứng trên đồi nhìn xuống mới thấy tất cả cái vẻ đẹp thơ mộng của non nước Hương Bình, núi sông hòa điệu nhịp nhàng với không khí trầm mặc, êm ả, xa xa lăng tẩm các nhà vua ẩn hiện dưới bóng cây xanh và từ đồi Vọng Cảnh nhìn qua bên kia sông Hương là điện Hòn Chén”.
 
     Đồi Vọng cảnh       Điện hòn chén .     Lăng Tự Đức      Lăng Đồng Khánh    .Lăng Thiệu Trị 
  Phía trên:     Chùa Thiên Mụ .       Trong vạch màu   Kinh thành Huế 


  Năm 2004, UNESCO đã có văn bản mời tỉnh Thừa Thiên lập hồ sơ đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ - trong đó có đồi Vọng Cảnh – tiến cử vào danh mục di sản thế giới. Thế nhưng chỉ sau đó một năm, ngọn đồi di sản này có nguy cơ bị hủy hoại bởi một dự án xây dựng khách sạn trên đó. Đó là một dự án lớn của một nhà đầu tư Hà Lan nhằm biến ngọn đồi này thành một khu du lịch trong một hệ thống Life Resorts trên lãnh thổ Việt Nam . Công cuộc xây dựng được tiến hành nhanh chóng. Chỉ sau mấy tháng có quyết định của UBND Tỉnh, đơn vị thiết kế đã cho khoan thăm dò địa chất để thiết kế nền móng cho công trình tại khu vực đồi.
 
Phối cảnh khách sạn trên đồi Vọng Cảnh

Khi các nhà trí thức, các nhà văn hóa lên tiếng bảo vệ thì nó đã bị khoan 5 lỗ. Tuy nhiên, dù vào cuộc chậm hơn, bước đi chậm hơn các nhà kinh doanh; các nhà trí thức, các nhà văn hóa ở Huế và cả nước cũng đã cứu được ngọn đồi xinh đẹp. Hôm nay lên thăm lại đồi Vọng Cảnh, lòng không khỏi vui mừng thấy ngọn đồi thân thương vẫn nằm yên lành bên bờ sông Hương. Dự án kia, sau mấy lần điều chỉnh, đã tìm được một nơi thích hợp hơn, đó là cồn Hến.
 
Lên đồi, đi quanh một vòng, bỗng nhớ câu thơ của Bùi Giáng:
Dạ thưa phố Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.
Thế sự và phố phường đã lắm lần bể dâu nhưng dòng Hương vẫn còn lặng lẽ trôi êm đềm, và đồi Vọng Cảnh, sau một lần thoát nạn , lại vẫn nguyên dáng xưa yêu kiều bên dòng sông mộng.




Lát sau thì Hồng đến, chúng tôi chụp thêm một số ảnh “nghệ thuật”: Vọng Cảnh trong nắng chiều.



"Ảnh nghệ thuật" của Nguyễn Văn Hồng

Nguyễn Tô vẫn còn duyên dáng lắm! (ảnh của Nguyễn Văn Hồng)

 Nguyễn Văn Hồng vàng rực trong nắng chiều (ảnh của Nguyễn Tô)
Đường về ở vùng đồi thật êm ả, vắng vẻ, ít nhiều đìu hiu khiến lòng người lắng xuống. Hai bên đường là những hàng thông cao, bóng râm đổ xuống mặt đường nhựa thẫm đen dần. Nhớ hồi đó, mấy anh em tôi trong độ thiếu niên vẫn thường đạp xe qua lối này lên Thiên An hốt rác thông khô về chụm bếp thay cho củi (củi hồi đó rất đắt). Dù phải đi kiếm rác xa, chúng tôi vẫn mong đến chiều thứ bảy để đi “lao động” theo lệnh của ba tôi. Vì thật ra, đối với chúng tôi, đó là những cuộc du lịch dã ngoại vô cùng thú vị. Trên đồi thông bát ngát, giữa một vùng thiên nhiên xanh tươi trong lành chúng tôi mặc sức chạy nhảy leo trèo, tha hồ hú gọi để nghe âm vang trong trẻo hồn nhiên của mình từ những ngọn đồi chung quanh vọng lại; vui chơi mệt thì nằm trên cỏ mềm lặng ngắm mây trời và thả hồn mơ mộng. 
Rồi cũng lối đi này, ngày xưa đạp xe cùng tôn nữ qua mấy ngõ hoa để rồi gió cuốn mây bay cách một đại dương, cách mấy bờ mộng mị…
Ôi, chỉ đôi phút hồi tưởng mà sao thấy lòng hiu hắt không đâu
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn ra... ồ phố xa lạ…
(TCS)
Ừ hí, rứa mà đã hơn phần tư thế kỷ trôi qua rồi.
Hoài niệm cùng đi theo tôi thêm một đoạn đường dài. Xuôi dốc Nam Giao, chúng tôi về đến phố. Lặng nhìn dòng Hương êm trôi, lòng tôi nghe vang vọng câu thơ của ai đó mà giờ tôi đã quên tên:
Anh về bên sông nhặt hòn cuội nhỏ
Ném thia lia vào kỷ niệm mù tăm…*

th@nhdalat
18.9.2010
…………………………………………………
* Hình như thơ của Lê Đức Dục
Nguyễn Văn Hồng vàng rực trong nắng chiều (ảnh của Nguyễn Tô)

2 thg 9, 2010

Mấy ngày nghỉ hè ở Huế - 3 Trở về với gánh cơm hến


Về nhà nghỉ được một ngày, vừa rũ gần sạch bụi đường xa thì đã nghe Hùng gọi điện thoại hẹn lát nữa đi ăn cơm hến. Đã nghe giọng Huế thứ thiệt lại thêm hai tiếng cơm hến nữa thì cảm giác Huế đã rõ ràng rồi, nghe như cái vị hến thấm ở đầu lưỡi. Lòng thấy ấm áp trước tình bạn học cũ nồng hậu.
Nắng Huế lên sớm. Mới 7 giờ sáng đã một sắc vàng đậm đà, khỏe khoắn chan hòa trên cây lá, chảy tràn trên các nẻo đường. Hùng dừng xe trước nhà Tạo. Tui tưởng mình hoa mắt. Căn nhà cổ thâm nghiêm bên bờ sông An Cựu răng sáng ni xôn xao kẻ ngồi người đứng? Ngồi trước bậc thềm nhà là một người phụ nữ khá đứng tuổi đang thoăn thoắt múc cơm, bỏ hến, các loại rau cùng gia vị , nước dùng vào đoại. Một cô bé tóc cột đuôi gà nhanh nhẹn đem từng đoại cơm hến cho khách ăn. Nhìn kỹ, tôi ngỡ ngàng nhận ra người phụ nữ bán hàng ấy là Loan, vợ của Tạo, còn cô bé tóc đuôi gà là bé Lan, gái út của Tạo. Hùng nói:
- Cơm hến đây ngon lắm, ngồi xuống làm một đoại đi.
Hùng kéo tay tui lúc tui còn tần ngần nhìn Loan, mới năm ngoái về còn thấy điệu đàng quý phái... Dù việc làm ăn của Tạo lúc đó đã xuống dốc nhưng nàng vẫn còn giữ nếp nhà, giữ cái phong thái đường hoàng hợp điệu với ngôi nhà cổ kính. Loan mải việc không nhìn thấy tui. Tui vội kéo tay Hùng theo lối hẹp vào nhà sau . “Thôi, vào gặp Tạo đã”. Hùng nói :“Mi ngại chi rứa”, nhưng cũng đi theo tui.
Vừa vào đến khoảnh sân nhà sau thì đã thấy một gã đàn ông ngồi lúi húi rửa đoại. Cái dáng tròn, mập, đầu cắt tóc ngắn quen quen. Hùng ồm ồm:
-Rửa đoại chi mà chậm chạp rứa hè. Hết đoại múc cơm hến rồi đó!
Gã đàn ông ngước mặt lên, cười nhẹ:
- Lo chi, mô rồi cũng vô nớ thôi.
Tạo đó ư ? Tôi nhìn Tạo, cũng ngỡ ngàng như khi gặp Loan trong dáng vẻ người đàn bà bán cơm hến.
Một đại gia trong nghề buôn phế liệu, ngang dọc Bắc , Nam , với những hợp đồng bạc tỉ bây giờ đang ngồi rửa đoại cho vợ bán hàng ăn sáng! Nhưng càng ngạc nhiên hơn: khuôn mặt Tạo trông thật thanh thản, bình an.
-Mi ra lúc mô?
-Hôm tê. Xuống rủ ông đi cà phê đây.
-Đợi tau một xí. Ăn sáng chưa, cơm hến nghe. Ơ Lan ư.ơ.i…
Tui vội ngăn lại:
-Thôi thôi, tụi tau ăn rồi. Tự nhiên đi.
Hùng vào nhà lấy hai cái ghế thấp, tụi tui ngồi xuống bên cạnh Tạo.
Ngoài kia, trước cửa nhà là cảnh xôn xao ăn uống, nhưng trong này, chỉ cách 10 mét lại là một thế giới của tĩnh lặng. Cách chỗ Tạo ngồi mấy bước chân là cái bể cạn có hòn non bộ ẩn khuất trong lùm trúc cảnh, phía trên cao, dưới mái hiên là mấy cái lồng chim . Tiếng chim hót buổi sáng như đẩy những lao xao ra khỏi khoảng sân rêu
  
Là sĩ quan chế độ cũ, sau thời gian cải tạo, trở về nhà Tạo làm bất kể việc gì để kiếm sống. Lên rừng tìm trầm, chạy xe thồ (xe ôm), buôn gỗ lậu, cuối cùng phất lên nhờ buôn phế liệu. Tạo trở thành nhà buôn lớn ở thành phố Huế. Nhưng cũng chính những năm làm ăn tất bật đó, thằng con trai một của Tạo bỏ học theo lũ bạn xấu lang thang các nơi ăn chơi, đốt tiền ở các chiếu bạc. Vầng trán đã nhăn bởi những lo tính chuyện kinh doanh, lại thêm nhiều nếp nhăn vì đứa con hư hỏng. Cách đây hai năm, nghề buôn phế liệu của Tạo gặp nhiều khó khăn, nhiều chuyến  hàng trốn thuế bị tịch thu. Vừa mất hàng vừa mất các mối làm ăn. Một số bạn hàng trở mặt. Chán nản, Tạo muốn rút chân ra khỏi nghề buôn phế liệu nhưng không thể. Các bạn hàng còn nợ Tạo một khoản tiền lớn buộc Tạo phải tiếp tục công việc để thu hồi dần. Việc làm ăn thua lỗ và nhùng nhằng, đứa con trai bỏ nhà vào Quảng Nam đào thiếc đã khiến Tạo rơi vào một cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Nhưng cũng có cái may, do việc buôn bán trì trệ, Tạo có thời gian để tìm cách thoát ra cơn trầm cảm. Tạo tìm đọc nhiều sách kinh Phật, kinh Thánh, kinh Dịch,… lên chùa đàm đạo với các nhà sư.
Những công phu nầy rồi cũng đem đến cho Tạo một số kết quả. Trong những lúc bạn bè gặp gỡ, Tạo là một diễn giả say sưa nói về con đường giải thoát. Nghe Tạo nói về lẽ thịnh suy ở đời, bạn bè ngồi nghe cũng cảm thấy tâm hồn mình như thanh cao hơn, như đã vượt lên những bon chen đời thường – ít ra là ngay lúc ấy.
Một lần, chúng tôi đang hăng say tranh cãi về một cuộc thi Hoa Hậu, vấn đề trí tuệ của các mỹ nữ chân dài, Tạo buông một câu khiến cả bọn “tắt đài”:
-Hoa hậu chân dài trí tuệ ngắn, hay trí tuệ dài ra răng thì cũng chỉ là cái túi da đựng toàn đồ nhơ bẩn, là sự giả hợp của đất, nước , gió, lửa đó thôi …
Lần khác, chúng tôi đang nói về cuộc gặp gỡ của hai nguyên thủ của hai nước lớn, đối trọng về quyền lực mà ảnh hưởng của cuộc gặp có quy mô toàn cầu. Tạo chậm rãi:
-Một giả tướng nhìn một giả tướng, vì vô minh nên cứ tưởng là thật!
Quả thật, triết lý cao siêu của nhà Phật luôn làm cho lý lẽ của cuộc sống trần gian trở nên tầm thường. Khi mà con người hướng tới từ bỏ tham, sân, si thì đúng là không còn gì để mà ngồi bàn cãi. Hầu như bao giờ Tạo cũng là người kết thúc cuộc tranh luận.
Thế nhưng, sau cuộc gặp mặt ồn ào, bọn tui ra về lòng nhẹ nhỏm – ít ra là vài phút sau đó, thì Tạo ra về với nét mặt trầm tư, với vầng trán đầy những nếp nhăn và một trái tim trĩu nặng. Tạo vẫn đang còn trong cơn khủng hoảng tinh thần.
 
Năm nay gặp lại Tạo, trông bạn khác hẳn. Nét mặt Tạo tràn đầy sự bình an. Sau khi giúp vợ dọn dẹp gọn gàng các thứ sau buổi bán hàng sáng, Tạo cùng chúng tôi đi tìm quán cà phê hàn huyên tâm sự.
Câu chuyện chuyển dần về hướng triết lý nhân sinh. Tạo nhấp một hớp trà, khẽ đặt xuống bàn, thong thả nói:
-Tau đã đọc nhiều kinh sách: Kinh Thánh, kinh Phật , Lão, đoc cả những triết nhân hiện đại như Krishnamurti, Osho,…Tau đi nghe các thầy thuyết giảng đến mê mẩn. Rứa mà cứ buồn sầu triền miên. Buổi sáng đi thể dục, rồi cà phê sáng, buổi chiều lai rai , quên mình đi một chốc, nhưng trở về nhà nhớ tới thằng con đang lang thang trong Nam , nghĩ tới chuyện làm ăn thất bát, những mưu mô, thủ đoạn thương trường tau lại như bị đọa dưới địa ngục. Nhưng chỉ một câu nói của một ông thầy cúng mà tau thức tỉnh. Thầy cúng chứ không phải đại sư, thiền sư chi mô. Cách đây gần một năm, một lần có công chuyện làm ăn tau vào Nam, ngồi gần ông thầy trên một chuyến tàu, nói chuyện cho quên đường dài. Tau lại nổi máu diễn giả, dẫn kinh sách này nọ. Ông nghe, khuôn mặt hiền từ thoáng sắc giận:
-Hỏng rồi, hỏng rồi! Phải xô đổ bức thành dày kinh sách mới mong, mới mong…
Tau cũng nổi giận. Vì tự ái. Từ đó im lặng suốt đoạn đường còn lại.
Nhưng rồi cơ duyên dắt dẫn răng đó, tau lại gặp ông ở sân chùa Từ Đàm trong một dịp lễ. Ông  đang bận nên chỉ chào hỏi qua loa, rồi nhìn sâu vào mắt tau, nói một câu:
-Mỗi người có một cái nghiệp riêng, người nào nghiệp đó. Không ai gánh thay cái nghiệp của ai được mô.
Ông ni trước bảy lăm là trung úy Nhảy Dù, sau khi học tập về, lên núi tìm trầm, may mắn trúng được nửa ký kỳ nam, trở nên giàu lớn. Sẵn tiền, ông ta ăn chơi xả láng, khét tiếng Thọ- Kỳ- Nam . Rồi chẳng mấy chốc núi tiền tiêu tan. Ông ta lại lên núi, nhưng lần này thì cuốc đất làm rẫy. Rồi không biết cơ duyên nào mà trở thành thầy cúng.
Câu nói ngắn ngủi đơn giản của ông thầy cúng đã khiến tau nhìn mọi việc một cách khác hẳn.  Hè năm ngoái, thằng con về nhà, gầy guộc, xanh xao. Tau thuyết cho hắn một buổi. Hắn ngồi nghe, lầm lì, cuối cùng mới nói: “Con là ri đây, ba có nhồi vào đầu con bao nhiêu chữ thì con cũng lớn ngang ni thôi, không cao hơn được mô”. Lúc đó tau giận lắm. Sau này, nghĩ lại, hắn nói cũng có lý, mỗi người có một phận số, có cái nghiệp của mình, con mình có cái nghiệp của hắn, mình không gánh thay cho hắn được. À, mà thiệt ra hắn có phải là con mình đời đời kiếp kiếp mô. Hắn chỉ ghé qua trú ở nhà mình một kiếp trong cuộc luân hồi mà thôi.
Tạo nhấp một hớp trà, nói tiếp:
Còn như cái nghiệp của mình là ri đây, làm ăn lớn rồi cuối cùng trở về với gánh cơm hến – nghiệp nhà từ đời trước. Th@nhdalat à, từ khi nghe câu nói của ông thầy cúng, tau như tỉnh cơn mê, tau buông bỏ được nhiều thứ. Bây chừ tụi bay thấy đó, gánh cơm hến của nhà tau đông vui không? Cơm hến “Tạo phế liệu” bắt đầu nổi tiếng rồi đó, ha ha ha…
Giọng cười sảng khoái vang lên, nụ cười tươi sáng nở trên khuôn mặt Tạo, khuôn mặt bình an và đẹp trong nắng trưa. Những nếp nhăn trên trán Tạo bớt hắn đi.

Tui mừng cho bạn đã tìm được an lạc bởi một câu nói hợp với căn duyên của mình. Nhưng con đường đến an lạc đâu chỉ có một. Con đường của Tạo không phải là con đường của tui, tui vẫn mãi đi tìm…
              Photobucket
thanhdalat
31.8.2010
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Cơm hến đây nì
Ý kiến của một blogger về cơm hến nhà "Tạo-phế -liệu": 
Cảm nhận vị ngọt của nước hến thấm dần đầu lưỡi, chất béo hến lan toả trong miệng, vị thơm lừng của nhóm rau thơm nồng dâng lên mũi, vị dòn rụm của đậu phộng cộng thêm vị cay xé của ớt huế thấm đượm đầu môi. (NYhttp://vn.360plus.

Các bạn muốn thưởng thức một đoại cơm hến thiệt sự và các món Huế khác, xin mời đến quán Cố Đô của Butsref .http://vn.360plus.yahoo.com/butsref
*