4 thg 10, 2010

Mấy ngày nghỉ hè ở Huế - 5. ĐÙA VUI VỚI BIỂN


Hải tặc? (ảnh mờ vì phó nhòm sợ quá run tay)

 
Kỳ phép hè năm nay của tôi bị rút ngắn vì một lý do không đâu, vì vậy thời gian ở Huế trở nên quý báu. Tôi “tranh thủ” bất kỳ cơ hội nào để được đi ngoạn cảnh ở nơi xa ngoài thành phố với bạn bè. Mình thì rảnh rỗi nhưng bạn bè thì phải tất bật mưu sinh, lại còn vợ bìu con ríu nữa chứ. Bởi rứa, để có bạn cùng đi không phải dễ dàng như thuở học trò.

Sáng nay, đang ngồi ngoài sân ngắm nhìn mấy giò lan rỡn nắng thì nghe điện thoại reo – tiếng reo vui hơn mọi ngày. Tôi vào nhà lấy máy nghe. Giọng Tô:
-Đi biển không?
-Đi, đi chứ. Đang không biết làm chi đây. Tui vội nói như sợ Tô đổi ý.
-Rứa thì gọi Đính nghe.
Cuộc chơi đã khởi động. Những đầu việc xuât hiện: liên lạc tập hợp chiến hữu,


 chuẩn bị hành trang, lên kế hoạch, phác thảo lộ trình,…
**
8 giờ nhóm ba người chúng tôi lên đường, nhắm hướng Thái Bình Dương xuất phát. Lộ trình : Qua cầu Tràng Tiền, xuôi Đập Đá, qua Vĩ Giạ, chợ Mai, chợ Nọ là đến Thuận An.
Trước khi ra biển cửa Thuận, chúng tôi ghé qua làng An Bằng, nơi có thành phố mới tạo dựng ven bờ biển. Dưới nắng mai, thành phố càng thêm rực rỡ sắc màu. Những mái nhà kiểu cổ với những đường nét rồng chầu phượng múa chen nhau khoe vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ.
Chúng tôi tìm chỗ dựng xe, thật là một việc nhọc nhằn khi phải xoay trở trên vùng đất cát trắng. Tô dựng xe xong, đi vội vào thành phố không người, đưa máy ảnh chụp mấy pô. Tôi và Đính đi đến những phía khác tìm một góc độ thích hợp để thu lấy cho được cái hồn thành phố - một thành phố yên ắng nhưng không buồn, không gợi cảm giác u trầm, tịch lặng như ở lăng mộ các vua triều Nguyễn, có lẽ bởi màu sắc rực rỡ và mới mẻ của nó- thành phố lăng mộ bên bờ biển đông.
Thành phố lăng bắt đầu được xây dựng ồ ạt từ năm 1991. Người dân làng có bà con định cư ở nước ngoài làm ăn khá giả gởi tiền về xây lăng mộ như là một cách báo hiếu. Mộ càng to lớn được hiểu như là chữ hiếu càng cao. Có đến 70% người làng định cư ở nước ngoài, do đó việc xây lăng có điều kiện phát triển như nấm sau mưa.  Cả một phong trào thi đua bày tỏ chữ hiếu tự phát diễn ra rầm rộ lôi kéo cả những gia đình nghèo vào cuộc. Việc đua nhau xây lăng mộ còn là cách thể hiện “đẳng cấp” của nhà mình và dòng họ trong cộng đồng làng xã. Bởi thế có người bán đất để xây một cái lăng mộ lớn cho “bằng chị bằng em”dù nhà ở cho mình thì chỉ là mái lá lụp xụp. Tính ra , có đến mấy nghìn cái lăng được xây, tổn phí mỗi lăng, ít thì 150 triệu, nhiều thì đến hơn 2 tỉ đồng.
 (ảnh : Net)
Việc xây lăng và chạm trổ hầu hết đều do các tay thợ trong làng làm, rất khéo tay và chuyên nghiệp. Ở đây người ta có thể thấy hội tụ nghệ thuật điêu khắc đá, vẽ tranh, hoa văn và kỹ thuật gắn miếng vỡ từ loại chén bát có men ở trình độ cao. Không phải vô cớ mà thành phố lăng ven biển này có sức thu hút du khách thập phương một cách mạnh mẽ. Bà Help Charity, một du khách đến từ nước Anh nói: “ Những đường nét rất tinh tế, nó mang một vẻ tự nhiên…Đó là những nét đẹp đầu tiên thu hút tôi tới đây”.(VTV)
  
Tôi đứng giữa thành phố lăng mộ mà không có cảm giác đìu hiu u trầm. Quả là lạ. Điều này dấy lên trong tôi ý nghĩ : Phải chăng thành phố lăng là sự hiển thị một quan niệm mới về lẽ sống chết? Và việc xây lăng thật to, thật cầu kỳ phải chăng là vì người sống hơn là vì người đã khuất?
***
Bỏ lại cho thành phố lăng những suy tư tâm linh, chúng tôi chạy xe về phía biển nắng. Tô đưa chúng tôi đi vào xóm, đến nhà người bà con để mượn những đồ nhà bếp: son, chảo, chén đũa, bếp ga,… rồi qua cảng cá Thuận An cách đó 3 km. Đã 10 giờ, cảng cá sáng ngời dưới nắng. Có năm chiếc thuyền đánh cá lớn neo đậu. Người mua kẻ bán xôn xao. Chúng tôi hòa vào đám đông, đi đến tận những con thuyền cập cảng đang chuyển cá xuống bến. Việc mua bán diễn ra ngay đó. Những giỏ cá bằng nhựa đầy vun. Mỗi giỏ đựng một loại cá. Tô mua một kg cá ngân tươi rói. Tôi và Đính cũng sục sạo từ thuyền này sang thuyền khác, nghiêng nghiêng ngó ngó như muốn thu hết cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của cảng cá. Bởi đây là lần đầu tiên tôi và Đính được chứng kiến và tham gia như một người buôn cá “dỏm”, hay nói theo cách người dân ở cảng cá tưởng nhầm-chúng tôi là những phóng viên ( mà thiệt ra, cũng “dỏm” luôn). Hic.
    
Vũ điệu SONG NGƯ                                                       Đi chợ về

Căn lều chúng tôi thuê ở vị trí tương đối gần lối vào bãi biển. Nắng trưa chói chang như muốn xuyên qua hai lớp vải bạt trên mái. Gió lộng thổi căng, tấm vải bạt che bên phía nắng như cánh buồm no gió. Biển sáng trước mặt. Cả một bát ngát, mênh mông phơi phới ùa vào lòng chúng tôi. Chỉ trong vài phút ngắn ngủi, bọn tôi đã gần như người nguyên thủy. Có khác hơn họ chăng chỉ là cái quần xà lỏn mỏng manh. Vậy mà dì gió còn tinh quái thổi mạnh khiến vải quần ôm sát rạt vào da thịt. Ô, mà cũng chẳng là vấn đề gì, vì tụi tui đều là liền ông cả ha ha ha…
Rồi, không “trì hoãn thêm phút giây sung sướng”* nào nữa, chúng tôi tẻn tèn ten lao ngay xuống biển, hụp đầu vào đại dương mát rượi, nhoài người bơi nhẹ theo sóng từng đợt dập dờn… Đầu óc rỗng rang. Bao nhiêu ưu tư như đã gởi trả cho phố phường. Chúng tôi vui đùa với sóng-như trẻ con. Sóng biển từng đợt, từng đợt gột rửa sạch những tạp niệm từng làm khổ tâm hồn chúng tôi. Tâm hồn chúng tôi đã như người nguyên thủy. Giữa thiên nhiên biển rộng tâm hồn chúng tôi sạch sẽ và thể xác chúng tôi cũng thảnh thơi. Cái quần đùi xà lỏn mỏng manh còn lại không hề gây cảm giác cản trở chúng tôi đến với tự nhiên.
Bữa ăn trưa dã ngoại chúng tôi tự làm bếp, như hướng đạo sinh, thật tuyệt vời. Cá tươi luộc chín , không có gia vị nhưng vị ngọt tự nhiên đậm đà không sao tả xiết. Chúng tôi mua thêm ít bánh bột lọc, đậu phụng luộc để lai rai. Một két bia Huda để sẵn giúp giải khát sau mỗi miếng mồi.
 
Như thể từng đợt sóng xô vào bờ, chúng tôi hết lai rai với bia lại nhào xuống chơi với biển, chơi bưa sức với biển lại chạy lên bờ lai rai với bia, hết lai rai với bia lại nhao xuống đùa vui với biển, chơi bưa sức với biển lại lên bờ lai rai với bia…
Khi đã đủ vui và đủ mệt, tôi lên bờ ngồi nhìn ra biển. Trong lều Tô thiu thiu ngủ, Đính cầm máy ảnh đi săn ảnh. Từ xa, dáng còm nhom của Đính thoắt biến thoắt hiện bên những người đẹp tóc vàng cao lớn, thân hình nở nang đang giỡn sóng mép bờ. Tôi vẫn chưa rời những con sóng. Ngồi sát bờ nước, tôi để những lượn sóng tràn qua người. Có những lượn sóng lớn đẩy lùi tôi ra sau. Bỗng nhớ những lời ca về biển của Trịnh Công Sơn.

Biển sóng,biển sóng đừng xô tôi…
Đừng xô tôi ngã dưới chân người…
Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi…
Đừng cho tôi thấy hết tim người…

Trịnh nhìn sóng với cái nhìn thật lạ. Với ông, sóng biển là hình ảnh sóng tình . Ông viết: “Những đợt sóng tình xô đẩy ta, làm ta đau khổ. Ta phải đẩy lùi lại nhưng với một tấm lòng khoan dung, nhân ái để thoát khỏi khỏ đau. Và mơ ước sóng với ta cùng sống hoà hợp, hiền hoà trong đời sống ngắn ngủi, mỏng manh này”.
Biển sóng, biển sóng, đừng xô nhau…
Ta  xô biển lại , sóng về đâu…
Biển sóng, biển sóng đừng trôi xa
Bao năm chờ đợi sóng gần ta…
Một buổi sáng nhìn biển, ông chợt nhận ra: những con sóng tình này dìm chết người giữa dòng tình, giữa bể ái nhưng nó cũng giúp đưa người qua bến bờ giác ngộ.

Một lần khác, trước biển khơi xôn xao bao người giỡn sóng, chỉ có Trịnh nhìn thấy:
Có người im lặng,
có người vui đùa, giữa cuộc vui
Biển ơi!
em đùa đùa chơi à.. ơi
Bờ xa có người im lặng. Biển ơi!

Biển ơi! Có người im lặng
Biển ơi! Có người muôn trùng
Biển ơi! Có người im lặng
Biển ơi! Có người muôn trùng
Biển ơi! Có người vui đùa
Biển ơi! Có người xa vắng.

(Muôn trùng biển ơi) 
Trịnh cô đơn quá, ngay cả khi đứng trước biển đầy nắng và gió trùng khơi. Còn tôi? Phải chăng tôi đã an lạc trước biển? Không, chỉ là một ngày mượn nắng và gió và biển và sóng để ru giấc chiêm bao mà thôi.
*
Đến 3 giờ chiều thì chúng tôi cũng đã đủ đen giòn để mang nắng gió của biển về nhà. Khi chuẩn bị nhổ neo thì có một thuyền cá cập bờ. Chúng tôi chạy tới – như thể phóng viên. Chụp hình. Nghiêng nghiêng ngó ngó. Đính mua 2 ký ghẹ, tui một ký cá. Thật đúng là những gã đàn ông tốt. Đó là những món mà chúng tôi đem về nhà cho người thân như để chia sẻ ít nhiều niềm vui của một ngày đi biển.

***
Trên đường về, chúng tôi còn cố kiếm lời bằng cách nhét vào hành trang đi biển của chúng tôi thêm một món nữa: đi thăm ngôi tháp Chàm vừa mới được phát hiện mấy năm trước đây.
Đó là Tháp Chăm Mỹ Khánh (ở thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), sau đổi tên là Tháp Chăm Phú Diên. Ngôi tháp này đã bị vùi lấp dưới một đồi cát ven bờ biển suốt mấy trăm năm trước. Tháng 4/2001, khi đang khai thác quặng Titan dọc bờ biển xã Phú Diên, người ta phát hiện một khối gạch lớn vùi sâu 8m trong lòng cát. Đó chính là một trong những tháp Chàm cổ nhất Việt Nam đứng ở độ cao hơn mực nước biển chỉ có 1,8 m và cách mép nước khoảng 100 m. (Đây là một điều khiến nhà khảo cổ lưu ý, vì hầu hết tháp Chàm đều được xây dựng trên những ngọn đồi cao).
 
Tháp được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 8, tức là được xây dựng cách đây 12 thế kỷ. Lúc đó nước ta đang là thời kỳ Bắc thuộc; Chăm pa, thời kỳ đó là Vương triều Panduranga (còn gọi là Hoàn Vương quốc), một đất nước hùng mạnh, đã hai lần tấn công châu Hoan và châu Ái (Thanh Hóa , Nghệ An) nước ta, mang về nhiều phẩm vật. Ngôi Tháp Chàm Phú Diên là dấu tích của người Chăm thời kỳ hưng thịnh đó. Khi chúng tôi đến thì ngôi tháp đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp. Nguyên nhân một phần do sự bất cập về công tác bảo tồn, phần khác còn do người dân lấy đất trên tường của tháp để làm thuốc chữa bệnh.

Dưới nắng xế chiều vàng, gió biển lao xao hàng thông ven bờ biển vắng, tôi đứng lặng yên trước ngôi tháp cổ xưa mà lòng tràn ngập niềm ngưỡng vọng. Ngưỡng vọng trước cái tuổi già 12 thế kỷ của tháp, càng ngưỡng vọng hơn trước nét đẹp tinh xảo của công trình kiến trúc cổ, ngưỡng vọng những bàn tay tài hoa đã làm nên nó. Tưởng như thấy những dáng hình vũ công khắc nổi trên các tháp Chàm đang uốn lượn nhịp nhàng. Nơi đây hàng ngàn năm trước đã có hàng đoàn người vào đây cúng bái, ca múa , đã có những ngày  rộn ràng lễ hội. Nhưng chiều  nay, khi tôi đến nơi này thì, than ôi
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ…**
 
***
Tưởng như Ngôi tháp Chàm in bóng suốt trên đường về, nhưng khi đi ngang Vĩ Dạ thì những hàng cau thôn Vĩ đã kéo tâm hồn chúng tôi về một thế giới khác, thế giới của một thời thơ ca lãng mạn đẹp đẽ . Mới ngày nào Hàn Mặc Tử đã qua đây, đã buồn vui những ngày thôn Vỹ. Chừ đây, nắng cũng thắp sáng hàng cau và cũng đem lại niềm vui, niềm vui nhẹ nhàng của một buổi chiều ngoại ô êm ả.
 Hàng cau Vĩ Dạ đã đi vào thơ ca lãng mạn, nhưng ít ai biết, có một hàng cau khác, ở thôn láng giềng của thôn Vỹ đã đi vào thơ ca dân gian từ thời xưa với nét cười hóm hỉnh:
Con gái Nam Phổ ở lỗ trèo cau.***
Tôi khẽ cười khi tưởng tượng tới cái cảnh ngộ nghĩnh đó.
Rứa đó, chuyến đi biển của tui trong MẤY NGÀY NGHỈ HÈ Ở HUẾ đã kết thúc với nốt nhạc vui.

th@nhdalat
28/9/2010
 ...................................................
 *Chữ dùng của Vũ Trọng Phụng.
**Ông Đồ - Vũ Đình Liên.
***Ở lỗ: ở truồng.(ăn lông ở lỗ). Nam Phổ: Một thôn nhỏ bên cạnh thôn Vĩ Giạ, có món ăn nổi tiếng xứ Huế: Bánh canh Nam Phổ.