23 thg 8, 2010

Mấy ngày nghỉ hè ở Huế - 2 - MỘT NGÀY CỦA MẠ

Một ngày của mạ

1.
Buổi sáng, lúc mấy đứa con lớn đầu của mạ (1) còn đang cuốn mùng, đã thấy mạ ra mở quán. Cái quán tạp hóa nhỏ trong xóm nghèo lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng giúp mạ có việc để tính toán, để loay hoay tới lui cho vui tuổi già. Mạ đi chậm thôi, mạ làm việc chậm thôi, nhưng khi đứa con lớn đầu này bước ra sân thì mạ đã sắp xếp xong các món hàng đâu vào đó rồi. Mạ ngồi têm trầu rồi nhai bỏm bẻm, vẻ như đang ngóng chờ. Mạ ngóng chờ chi sáng sớm? Lúc này đã có ai mua hàng đâu? Tui giúp mạ treo tấm vải bạt che nắng. Lâu lắm mới về nhà, làm siêng một chút chứ bao nhiêu ngày nắng mưa mạ tự loay hoay làm hết trong khi o Hiệp còn phải đi chợ, chạy hàng và làm mấy việc khác.
-Ai canh khô ô ô ô…….ng!
Đôi mắt mạ sáng lên. Mạ không phải gọi vì o bánh canh quen rồi, hễ thấy ánh nhìn của mạ là đặt gánh hàng xuống hiên trước của quán. Cũng như phần nhiều gánh hàng ăn sáng ở Huế, gánh bánh canh o ni là từ bên làng Thủy Dương (bên kia sông An Cựu, ngoại ô thành phố Huế) gánh qua thành nội. Thường thì người dân Huế ăn sáng chỉ một đoại(2) 2000đ là đủ. Vậy mà mạ gọi một đoại đến 4000đ. Mạ gọi tui vào. “Ăn đi , bánh canh o ni mi thích đó!”
Ui trời, mạ nhớ dai dữ. Đúng là năm ngoái, năm tê chi đó, một lần ăn bánh canh tui có nói với mạ : “Bánh canh ai nấu mà ngon thiệt!” Rứa đó mà sáng nay mạ ra quán sớm ngóng đợi o bánh canh ni, để gọi cho tui một đoại đặc biệt!
Đoại bánh canh quê nhà sáng ni ngon quá, bởi vì trong đó có một thứ gia vị tuyệt vời: tình mẹ!

2.
Buổi trưa oi nồng, quán tạp hóa khép cửa, mạ vào nhà  nằm nghỉ. Lúc cả nhà đang thiu thiu thì nghe tiếng gọi từ ngoài ngõ.
-Bán cho 500 đồng nước đá, 500 đồng kẹo.
Tui dợm dậy nhìn qua, mạ cũng đang ngồi dậy huơ huơ chân tìm đôi dép.
-Thôi lựng (3) mạ. Mua có mấy trăm đồng mà dậy chi cho mệt rứa!
-Mi cứ ngủ trưa đi, kệ tau. Người ta cần thì cũng như mình cần rứa, ra bán cả (kẻo) tội.
Cả tội! Mấy tiếng này tôi nghe mạ nói hoài. Tui còn nhớ kỳ phép hè năm kia, ngồi than phiền với mạ, bằng một giọng hậm hực, về một người cùng làng tha phương biệt dạng cả chục năm, bỗng một hôm lên Dalat tìm thăm, hàn huyên tâm sự chuyện làng nước họ hàng , khi từ giã có hỏi mượn tiền, nói ra ngoài nhà trả ngay. Thế mà đã nhiều năm rồi không nghe nói năng chi. Nghe tui nói xong, mạ ngồi thừ ra, rồi nói , giọng buồn buồn, thương xót:
-Rứa à, chắc ông nớ đói lắm. Người ta khổ lắm mới làm rứa con à. Tội nghiệp, tội nghiệp!
“Cả tội!” Mấy tiếng ni khiến tui không nói năng chi thêm được, bèn ra phụ mạ chặt nước đá, còn mạ lấy kẹo đưa cho thằng bé. Thằng bé tóc cháy nắng, chỉ mặc độc cái quần xà lỏn, hở cả rốn, trông thiệt dễ thương. Tui nghĩ thầm: mình cố nhớ 500 đồng là mấy cái kẹo để khi khác bán giùm cho mạ để mạ yên giấc trưa. (vậy mà suốt kỳ nghỉ hè tui có nhớ được chi mô, hàng tạp hóa cả trăm thứ linh tinh không làm răng nhớ hết).
Thằng bé gật đầu chào mạ “Con về mệ hí!”(4) rồi dợm chân một cái chạy vèo. Không đưa tiền. Mạ cười :” Chạy chậm cả bổ (té). Thằng cha mi, xớn xớn xác xác!”(5)
Rứa đó. Bán hàng chịu mà. Không sổ sách chi cả, rứa mà mạ nhớ hết mới tài!
Có lần tui lấy cuốn tập, làm tài lanh hỏi mạ mua chi, bán chi,…kẻ dọc mấy cột, kẻ ngang mấy dòng, ghi vào ra bộ “khoa học, kỹ thuật” lắm. Nhưng đúng là tài lanh thôi. Mạ không dùng , rồi mọi việc vẫn đâu vào đó theo cách tính dân gian lâu đời của mạ.
Nhưng hè năm nay đã có một chuyện làm tui không an lòng.
Một buổi trưa, lúc tui đang ngồi trông quán cho mạ một lát để mạ vào làm bếp thì có người khách ghé vào, hỏi mệ ở mô, rồi đưa cho tui 5 000 đ, bảo : "Mệ thối tiền nhầm." Ui, mạ đã nhớ nhầm thì có nghĩa là mạ đã già yếu hơn trước rồi.
Tui rưng rưng nước mắt.
3.
Đêm World cup này, không đi qua nhà ông bạn hàng xóm để cùng xem, tui lọ mọ dậy ngồi coi một mình. Tui vặn volume thật nhỏ và ngồi gần màn hình để xem. Căn nhà rường cổ xưa vốn chật hẹp nên khó cản được âm thanh của trận cầu sôi động vang trong nhà, lại thêm tiếng kèn Vuvuzela rền rĩ suốt trận đấu nữa chứ! Tôi ngồi coi được gần một hiệp thì nghe có tiếng dép lệt xệt. Mạ đi xuống bếp. Tui áy náy hết sức, muốn tắt Tivi đi ngủ nhưng trận cầu đang có những tình huống hấp dẫn nên cố nán cho hết hiệp một. Khi hiệp một kết thúc, định tắt Ti vi thì nghe tiếng mạ nói:
-Ăn chút mì cho khỏe con.
Tui bổng cáu gắt:
-Chao ôi là mạ! Mặc con, con có đói mô. Răng mạ dậy làm chi cho khổ rứa!
-Tau thấy mi ngồi coi một mình tội tau nấu cho đoại mì đó. Mi thiệt khó chịu!
Ánh mắt từ ái của mạ đang nhìn tôi làm tui cảm thấy ân hận vì đã cáu gắt với mạ. Tôi cầm đũa lên.
-Con ăn đây. Thôi mạ vô ngủ đi.
Chợt nhớ một chuyện , tui hỏi :
-Bàn chân của mạ răng rồi?
-Đi lại được như thường rồi con à.
-Con biết, nhưng còn đau nhức chi không?
-Hết đau rồi con.
Mấy tháng trước, ở Dalat tui đã nghe tin: mạ bị vấp ngã gãy xương bàn chân, chỗ gần các ngón. Phải đăng bột cả tháng mới lành. Vậy mà từ hôm về nhà đến giờ tui không nghĩ đến, mà mạ thì cứ lo lắng cho tui từng tí, cứ như tui vẫn còn là thằng bé trong vòng tay mạ.
Tôi bật đèn lên coi bàn chân mạ. Bàn chân đã lành lặn, chỉ còn một vạch sẹo trắng chạy ngang. Thật là ơn phước. Thường thì người già bị gãy xương rất khó lành, nếu may mắn cũng phải hai tháng mới đi lại được, còn mạ thì mới đăng bột hơn một tháng đã đòi tháo bột vì thấy khó chịu, bực bội. Chìu mạ, chú Mừng đã xẻ tháo bột ra. Vui thay, mạ đi lại được gần như bình thường. Tui nghĩ thầm, mạ sống có đức nên trời thương.
Giờ đây tui lại sống xa mạ, nghĩ về mạ lòng ngùi ngùi. Nhưng tui biết mạ còn lo lắng cho tui nhiều hơn.
Vài hôm nữa mùa Vu Lan về, sung sướng biết bao, tui sẽ lại đến chùa để được các em Oanh Vũ cài lên ngực đóa hoa hồng thắm.
 
thanhdalat
Mùa Vu Lan 2010
Chú thích một số tiếng Huế dùng trong bài viết:
(1)   Mạ : mẹ
(2)   Đoại : tô
(3)   Lựng : lận, mà.
(4)   Mệ: Bà nội hay bà ngoại.
(5)   Xớn xác : hấp tấp, vội vàng.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]