12 thg 8, 2013

Huế, hè 2013

Xưa là Huế mộng, Huế mơ…
Huế đã tự nhiên đi vào thơ, nhạc từ lúc nào không hay. Không cần phải phát động phong trào viết về Huế, tự phong cảnh cố đô gợi cảm hứng cho khách thơ và khách thơ viết về Huế như một cách tỏ tình với Huế.
Nhạc sĩ Văn Cao đã bày tỏ : Huế là một nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 40. Thơ và nhạc là điều tôi tìm từ nguồn ấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của Cố Đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tạo”. Với Việt Trang, Huế còn là người bạn thơ, người bạn tri âm. Hãy nghe ông thì thầm :
Tiếng thơ người gởi cho tôi
Tiếng  thơ tôi gởi cho người thiết tha.
                                                                (Bài thơ gởi Huế)
 Con sông Hương, cầu Tràng Tiền, thôn Vĩ Giạ, Thành Nội, Kim Long,…những địa danh đã đẫm chất thơ.
Lại có người quả quyết:
            “Vẻ đẹp Huế có nơi nào có được.
            Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư.”
khiến người Huế nghe mà ốt dột. Rất may, nhà thơ đó không phải là người Huế và không nói đúng giọng Huế. Thơ của Đỗ Thanh Bình, nhạc của Trương Thị Tuyết Mai.  Đỗ Thị Thanh Bình, lúc đó, là Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh TP Quy Nhơn (Bình Định). Trương Thị Tuyết Mai quê ở tỉnh Phú Yên.Nói giọng Huế phải như ri nì: “Vẻ đẹp Huệ có chỗ mô mà có được… Néc diệu dàng pha lững trầm tư.”

.
 Huế, hè 2013 trong mắt Rhum.

Lọc cọc…Ai canh khô…ng…rẻng rẻng…
Bắt đầu từ tiếng lọc cọc, rổn rảng như tiếng nhạc đệm cho tiếng rao quen: Ai…canh khô…ông….Thay cho đòn gánh tre đè nặng trên đôi vai o Lài là chiếc xe bốn bánh, không chạy bằng xăng mà do o Lài đẩy tới. Phải chăng đây là kết quả của chuyến Mỹ du của o năm ngoái? Tự dưng lòng bâng khuâng vì sự hiện đại hóa gánh hàng rong của o Lài. Cũng đỡ nhọc nhằn cho o, nhưng …


Bánh khoái Thượng Tứ. Một cái tên quen thuộc trong ẩm thực Huế như cơm Hến Trương Định, bún bò mụ Rớt, nậm lọc Gia Hội; nói theo cách nói hôm nay: Bánh khoái Thượng Tứ là một “thương hiệu” có giá trị. Ngày xưa thơ bé, đã được thưởng thức một lần, nhớ hoài cái bánh bột chiên dày, đầy thịt, trứng, tôm, mực…Ăn một lần cứ ao ước mãi. Chiều hôm nay cùng một cô bạn Huế đi tìm lại hương vị cũ với bao nhiêu háo hức.
Tụi tui đến khúc đường ngoài cổng thành Thượng Tứ, nơi mà bánh khoái Huế thành danh. Có hai cái quán kề nhau : Lạc Thiện, Lạc Thạnh. Chúng tôi vào Lạc Thiện (có lẽ vì chữ Thiện nghe dễ thương hơn chữ Thạnh?). Khách chờ khá đông. Nhưng do lòng kiên nhẫn của tâm hồn ăn uống hoài cổ, chúng tôi cũng có được cái mình mong đợi: hai cái bánh khoái chất đầy cái dĩa trên bàn. Tôi và bạn im lặng thưởng thức cái món ăn đã là thương hiệu. Lật qua lật lại, ngắm nghía, nhai, nuốt,…Té ra cũng chẳng khác cái bánh xèo tôi vẫn thường ăn ở những góc đường vô danh ở Dalat, nghĩa là một món quà chiều bình dân, giản dị: bột chiên, con tôm, lát thịt ba chỉ. Cô bạn nói: bánh khoái dòn hơn bánh xèo! Chỉ vậy thôi sao? Vậy mà nhờ cái thương hiệu, bánh xèo đã lên ngôi một cách bất xứng. Chúng tôi đã trả cho cái thương hiệu đó khá đắt : 25.000đ/cái (trong khi một cái bánh xèo chất lượng tương đương : 5,000đ/cái).
Bà chằng lửa?
 Một sáng ngồi ở quán cà phê ở góc đường Nguyễn Huệ (sau lưng trường Luật ngày xưa). Bên kia đường là tòa nhà khá lớn dùng làm thư viện tư nhân của gia đình ông Nguyễn Hữu Châu Phan, một nhân sĩ Huế. Đây là thư viện gia đình nhưng có nhiều cuốn sách cổ. quý hiếm mà ngay cả thư viện tỉnh, thư viện đại học Huế cũng không có, là kết quả một đời đọc sách của kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, thân phụ ông Nguyễn Hữu Châu Phan, thư viện mở cửa cho sinh viên, học sinh hay bất cứ ai có nhu cầu đến đọc, hay mượn một cách dễ dàng, phục vụ miễn phí vào các ngày chẵn trong tuần. Năm 2008, tủ sách của gia đình Nguyễn Hữu đã giật giải “quán quân” tại cuộc thi “Tủ sách gia đình lần thứ 2” do NXB Văn nghệ tổ chức. Đang bình luận về cái thư viện tư nhân hiếm có này thì bên đường, một phụ nữ khoảng 40 tuổi, miệng rớm máu, tay lăm lăm hòn đá to dứ dứ vào mặt kính trước của chiếc xe hơi bóng loáng đậu trước quán, một gã đàn ông trung niên, có lẽ là ông chồng, ăn mặc lịch sự sấn sổ chạy đến, khách hàng ngồi gần đó đứng dậy can ngăn. Hình ảnh không chút thơ mộng này che khuất cái thư viện chúng tôi đang nói đến. Thấy tôi ngỡ ngàng trước cảnh tượng đó, người bạn dường như hiểu ý, nói:
-Chuyện đời mà, ở đâu cũng có, riêng chi Huế.
Phải rồi, Huế vẫn còn đó dẫu có bị một lớp bụi thời đại phủ lên. Điều này mấy hôm sau tôi đã có dịp nghiệm ra.

3 nhận xét :

  1. Viết về Huế rất dí dỏm.Đi xa nhớ Huế liên tưởng những món ăn trở thành thương hiệu nhưng khi thử ăn lại thì hình như không còn ngon như thuở nào.Tự nghĩ là do vào Nam ăn những món ăn luôn có hậu ngọt của đường,nước dừa nên cái lưỡi đã quen không biết có phải không?Thân mến

    Trả lờiXóa
  2. Té ra cũng chẳng khác cái bánh xèo tôi vẫn thường ăn ở những góc đường vô danh ở Dalat, nghĩa là một món quà chiều bình dân, giản dị: bột chiên, con tôm, lát thịt ba chỉ.

    Nếu so sánh bánh khoái và bánh xèo chỉ ở phần bánh thì đúng như bạn nói, ko có gì khác, thậm chí nhiều nơi bánh xèo còn có tôm to hơn, thịt ba chỉ nạc hơn, bánh chiên dòn hơn ..
    Theo tôi cái khác biệt giữa bánh khoái và bánh xèo là ở dĩa rau, và nhất là ở chén nước chấm.
    Nói thật, vào quán xá ở Saigon và nói chung ở các nơi khác Huế, tôi rất ít khi ăn bánh xèo. Nhưng ra Huế thì nhất định phải ghé cửa Thượng Tứ ăn dĩa bánh khoái. :d

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rứa đó Khung K à!
      Tôi nhớ ngày xưa bánh khoái Thượng Tứ dày và chất lượng lắm, nhưng chuyến đi Huế vừa rồi tìm ăn bánh khoái thì...té ra nó như bánh xèo thôi. Có nhiều cái xưa không tìm lại được, Thân.

      Xóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]