Gia chậm bước đi đến bên hòn
non bộ.
Kỳ nghỉ hè năm trước, Gia
xây hòn non bộ dưới gốc cây đào cổ thụ. Giữa quần sơn lô nhô là hai cái hồ thông
nhau bằng một khe nước hẹp, có cây cầu gỗ bắc ngang, bên cầu có liễu rủ thướt
tha, có ông lão lặng lẽ buông câu mặc cho đàn kiến bò quanh chỗ ngồi. Rải rác
quanh bờ hồ là những bụi cỏ xanh tạo vẻ mềm mại cho đá núi.
Thường mỗi chiều hè nhàn tản,
Gia ngồi bên hòn non bộ ấy thả hồn trong cõi bồng lai, thưởng ngoạn cái công
trình nho nhỏ do mình tạo ra với một ít tự mãn của óc tư hữu rằng mình đã tạo
ra một thế giới riêng, tĩnh lặng. Đó là một thế giới có sự sống nhưng êm đềm với
những chuyển động nhỏ của dăm ba con cá lững lờ, vài cánh bèo trôi nhẹ nhàng
như thực như mơ…
Nhưng bây giờ... Hòn non bộ đã
có bộ mặt khác.
Thay cho hai hồ, hòn non bộ
đã có thêm cái hồ thứ ba, quanh hồ lởm chởm những cục xi măng giả sơn. Bên cạnh
cây cầu gỗ có thêm một cây cầu bằng xi măng rộng rãi, chắc chắn. Đó là phần
đóng góp của chú Quang, em trai của Gia, tô điểm cho hòn non bộ. Phần tô điểm
này thể hiện rõ tính cách người tạo tác mới. Quang, dân Kỹ Thuật ( sinh viên
cao đẳng Kỹ Thuật cơ điện), làm nghề ít lâu thì bỏ, đi làm thầu xây dựng. Do công
việc làm ăn gần đây gặp khó khăn, Quang thất nghiệp gần một năm nay.
Nhìn bộ mặt mới của hòn non
bộ, Gia cảm nhận một nỗi mất mát dâng
lên trong lòng . Anh đã mất đi niềm vui của người tạo tác, và tưởng như vừa mất
đi cái thế giới êm đềm xưa. Anh lặng người đi một lúc, cay mắt nhìn Quang lăng
xăng cho đàn cá đông đảo ăn. Cái bàn tay gân guốc, lực sĩ của chú ấy với cảnh
non bồng nước nhược, cái thế giới tĩnh lặng mà chàng tạo ra năm trước thật là một
tương phản, nhưng bây giờ, với hòn non bộ mới thì xem ra cũng đã khá phù hợp.
Gia đứng dậy, chàng không biết sẽ làm gì trong buổi sáng ngày hè hôm nay nữa.
Gia quay lưng bỏ mặc chú
Minh với hòn non bộ và lũ cá háu ăn của chú, chàng lấy xe đi đến nhà An, một
người bạn ở Vĩ Giạ.
Ba năm trước, An từ giã Tây
Nguyên và cuộc hôn nhân đổ vỡ, anh về quê. Đất vườn rộng và nỗi buồn riêng là
điều kiện khiến chàng tạo ra một thế giới mộng sau những giờ dạy hội họa ở một
trường trung học trong huyện. Thế giới riêng của anh là một hòn non bộ lớn, chiếm
cả một góc vườn. Đó là cái hồ có dạng vuông , mỗi cạnh có khúc giữa lồi ra hình
cung. Diện tích mặt hồ rộng chừng 50 m2. Giữa hồ là một hòn non bộ lớn với cây
cỏ, rêu xanh, và đủ những Ngư Tiều Canh Mục của một hòn non bộ cổ điển Á Đông.
Có lẽ do ảnh hưởng những năm công tác ở Tây Nguyên và vùng Tháp Chàm, An xây
thêm ở một cạnh của hồ hai biểu tượng Yoni và Linga. Cái Linga được đặt trên và
chính giữa cái Yoni. Cái khe rãnh của Yoni hướng về phía hồ. Hòn non bộ của An
là sự dung hợp của hai nền văn hóa phương Đông, mang một quan niệm riêng của An
về cuộc đời. Gia không hỏi, chàng cảm nhận điều đó qua niềm đam mê và an lạc của
bạn trong lúc tạo dựng và những lúc ngồi lặng yên bên hồ.
Mỗi khi xuống thăm bạn, Gia
không vào nhà ngồi mà ra đây, uống trà, đánh cờ, nói đủ chuyện vui buồn thế
gian…trong tâm thế những triết nhân thoát tục.
Về ngồi nơi cảnh thiên thai
này, lòng Gia đã dịu đi, huống chi lại có người bạn, đối với chàng là một cư sĩ, cư sĩ không chỉ của triết lý Phật
giáo mà của văn hóa tư tưởng phương Đông nói chung, người đã để cái tâm của
mình ở những cây, đá, rêu xanh mấy năm rồi. Nghe Gia nói chuyện về hòn non bộ mới,
An trầm ngâm:
-
Chú Quang đang cần
có hòn non bộ riêng cho chú ấy, có lẽ cần hơn Gia nữa đó.
Nhìn mấy đám mây trắng trôi
trên bầu không xanh thẳm, An mơ màng:
- Còn mình thì sẽ đến lúc cần
cái vườn hơn hòn non bộ này. Chỗ này sẽ là vườn cà, vồng đậu. Chiều chiều mình
sẽ ra vườn cuốc cỏ, tưới nước. Bàn tay chai đi, da đen đi, tâm tư sẽ bình dị
đơn sơ như người nông dân…
Nói vài câu chuyện đời, đánh
vài ván cờ thì đã chiều, Gia trở về nhà.
Quang đang loay hoay bên hòn
non bộ. Chú đang thay nước và thả thêm cá vào hồ. Nhìn cái hòn non bộ lạ lẫm, nỗi
bực dọc lại dâng lên trong lòng.
Gia cười khẩy:
-
Hừ, cái hồ ba bể!
Chú Quang ham làm, không nhận
ra ý mỉa mai trong cách nói của Gia. Chú khoe:
-
Anh coi mấy con
cá vàng đẹp không?
Gia cau mặt:
-
Chú làm như hồ chuyên
nuôi cá giống không bằng!
Quang quay nhìn anh, tròn mắt:
-
Mấy con cá cảnh
này hiếm lắm nghe, hồi sáng tui lên dòng Thiên An xin thầy Tâm An đó.
Lên nhà dòng tận trên đồi
Thiên An? Chú mi mà chơi thân với thầy Tâm An nữa à? Gia chăm chăm nhìn Quang.
Bây giờ chàng mới nhận ra những thay đổi trên khuôn mặt chú. Vẻ ngang ngạnh mà
chán đời của Quang những ngày thất nghiệp đã biến mất, thay vào đó là nụ cười
hiền lành. Gia hỏi:
- Chú đã bỏ rượu rồi à?
- Rượu à, chỉ còn lai rai thôi,
ham chơi hòn non bộ quên rượu luôn đó anh.
Chú nói nhẹ nhàng. Trông chú
tươi tắn và bình an, Gia thầm nghĩ : Ờ há, Quang đang cần có hòn non bộ của chú
ấy, cư sĩ An nói đúng quá, chàng dịu giọng:
-
Hòn non bộ chú sửa
lại cũng có cái hay riêng đó. Cá vàng trên chùa đây à, ờ ờ, đẹp lắm.
Gia cùng chú Quang đến bên hồ,
ngắm nhìn đàn cá tung tăng bơi lội, rượt đuổi nhau, chen nhau lách qua những
khe hẹp. Có một khe cạn, cá muốn lách qua phải ngoi lên gần mặt nước, mà lạ
thay, điều đó như kích thích đàn cá thử sức mình, đua nhau “vượt vũ môn”! Vượt
qua được thì ngoe ngoẩy đuôi xem ra đắc ý lắm. Cái khe cạn độc đáo này là sáng
kiến của chú Quang, thể hiện một quan niệm của chú: Đem sự sống sôi động vào thế
giới của hòn non bộ.
Cho cá ăn xong, Quang vớt bỏ
mấy cánh bèo vàng úa, nhặt mấy chiếc lá rụng, uốn lại cần câu cho lão ngư,…Mắt
chú linh hoạt, bàn tay chú nhanh nhẹn, sự thích thú hiện rõ trên khuôn mặt.
Lặng nhìn chú hăng hái chăm sóc
hòn non bộ, bổng nhiên Gia thấy một niềm vui mới dâng lên trong lòng mình. Niềm
vui do chính chú Quang đem lại: Chú đã thoát ra tâm trạng buồn chán , mệt mỏi của
những ngày thất nghiệp kéo dài. Chú đã bắt đầu lại từ cái hòn non bộ đơn sơ
này. Không phải hòn non bộ theo cách nhìn của Gia mà là một hòn non bộ theo
cách nghĩ của chú ấy.
Gia thở phào, suýt chút nữa
thì những ngày hè thanh thản của ta mất đi chỉ vì mấy cục đá!
thanhdalat
9/9/2012Dưới đây là hòn non bộ tương lai của An: