2 thg 9, 2012

Tiếng rao quen








Huế Xưa. Nhạc Anh Bằng- Ca sĩ Phi Anh

2011
Về lại nhà mấy ngày rồi, buổi sáng vẫn tiếng đào rơi, vẫn dáng thân quen chú Mừng chăm mấy chậu cây cảnh, o Hiệp xuốt sân, mạ lui cui dọn quán, Gia vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì…
Một sáng nọ, đang lượm mấy chiếc lá vàng rơi trên non bộ, bỗng nghe:
- Ai  canh…khô…! (Ai ăn bánh canh không!)
Tiếng rao lảnh lót vọng từ đầu xóm.
Lòng Gia như có tiếng reo.
Đúng rồi, đây đúng là cái thiếu vắng của khu xóm nhỏ mấy hôm nay. Cứ như bản đàn thiếu đi một âm sắc cần thiết, một bức họa chưa có một nét chấm “điểm nhãn”.
Tiếng rao đi trước như một “dự lệnh”, để khi o bánh canh đi đến giữa xóm, đặt gánh xuống thì những khách-ăn-mua-đem-về-nhà đã cầm đoại đứng chờ. Còn những người khác thì cũng vừa đến để ngồi xổm quanh gánh quà sáng quen lệ.
Quen lệ, cứ mỗi sáng, tầm 7g đã nghe tiếng rao và gánh hàng của o đầu xóm. Tên o thật mộc mạc: O Lài bánh canh. O và gánh hàng đi xích lô từ Thủy An – ngôi làng ở bên sông An Cựu chuyên nghề nấu bánh canh – qua xóm Canh Nông, một xóm nhỏ trong Thành Nội này, xa cũng đến 3 km.

 
Thật chẳng bỏ công o đi xa như thế, vì phần nhiều dân các phường trong thành phố đều ưa chuộng bánh canh Thủy An nên hễ cất gánh ra đi thì khi về với gánh không.  Bánh canh Thủy An là món ăn rẻ mà việc chế biến lại là một nghệ thuật của ẩm thực dân dã.
Gia được biết nguyên liệu chính để làm bánh canh là bột gạo. Trước khi giã, bột phải được ngâm kỹ. Đổ bột vào cối rồi giã cho tới lúc “chín”, tức là lúc bột dai mà không dính tay và khi nấu nước không qúa sệt.
Cua đồng giã kỹ, chắt lấy nước cua cho vào nồi nấu đến lúc kết riêu thì vớt ra, cùng với xác cua làm chả. Để thêm chất lượng cho đoại bánh canh, o bỏ thêm vào mỗi đoại một cái trứng cút đã lột vỏ,…
Gia nhìn đoại bánh canh thấy thật bổ dưỡng và hấp dẫn, thầm nghĩ, o nấu như ri mà bán một tô có năm ngàn đồng thì không biết lời cái chỗ mô. Ở Đà Lạt một tô bánh canh rẻ nhất cũng 15 ngàn đồng, hì hì, bánh canh Huế rẻ như ri thì tội chi mình không mần luôn hai đoại cho ấm tình quê hương hè.

Gia  ngồi xề xuống bên gánh hàng của o chờ đến lượt. Trước khi đưa đoại bánh canh cho chàng, o Lài còn múc thêm muỗng nhỏ ớt xào hành cho vào đoại, màu đỏ ớt làm cho bề mặt bánh canh vốn có màu trắng của sợi bánh, màu vàng của riêu cua, màu xanh của hành ngò sinh động hẳn lên. Bưng đoại bánh canh còn nóng hổi, múc một muổng cho vào miệng, nghe sợi bánh canh tan dần, vị  ngọt đằm của riêu cua, vị bùi của trứng cút, vị cay của ớt màu quyện vào nhau đậm đà không bút nào tả xiết. Bánh canh đã trôi xuống bao tử mà dư vị như còn lưu vị giác.

   

Trong khi chờ đoại thứ hai, Gia hỏi o sao mấy hôm không qua bán, o cho biết o đi chơi động Phong Nha với con, cháu. Thằng rể Việt kiều về thăm thuê một chiếc xe hơi đưa cả nhà đi du lịch.
Gia nói:
- Có con gái lấy Việt kiều sung sướng rồi, còn đi bán bánh canh chi cho cực thân hở o.
- Ôi chào, con có phận con, mình có phận mình chú à. Mà ngồi không cũng vô vị lắm, mấy hôm nghỉ bán thấy răng răng đó chú à.
Trông o không khác chi những người phụ nữ bán hàng rong ở cố đô những năm xưa, chỉ thiếu cái áo dài mặc mỗi khi gánh hàng đi bán; món bánh canh của o cũng vậy, chất lượng luôn ổn định, dù bán đắt hay ế cũng chỉ một nồi, bán hết thì về. Bình dị, nhẹ nhàng, thanh thản. Bằng món bánh canh sáng vừa rẻ vừa ngon, o đã đem đến niềm vui cho bà con và vì thế o cũng có niềm hạnh phúc giản dị .
Tạm xa cuộc mưu sinh quay cuồng, về lại xóm nhỏ, ngồi bên gánh bánh canh mộc mạc, Gia như tắm mình trong cõi bình an, thanh thản.
Chàng mong mọi sự trôi êm như thế mãi…
*
2012
Năm nay lại trở về nhà. Buổi sáng vẫn trôi êm như năm trước nhưng, buồn thay, đã thật sự thiếu vắng tiếng rao “Ai canh…khô…”(không) quen thuộc.
O Lài bánh canh đã sang Mỹ định cư với gia đình con gái.
Thay cho tiếng rao lảnh lót xưa là tiếng rao vang vang, trẻ trung:
-  Ai bạnh canh riêu cua đey! Bạnh canh đey!
Cùng với tiếng rao khỏe khoắn là dáng o gánh hàng thoăn thoắt đi nhanh vào ngõ xóm. O bán bánh canh năm nay còn rất trẻ, có cái tên rất đẹp: Diễm. O cùng với gánh hàng đi qua đây bằng xe Honda thồ (trong Nam gọi là xe ôm). Với nụ cười tươi tắn, lời mời chào đon đả, dần dà o cũng chinh phục được cảm tình của người dân xóm nhỏ.
O Diễm không phải người Thủy An, nhưng có bà con gần xa chi đó với o Lài bánh canh. Theo lời o Diễm thì qua bên Mỹ ít lâu, “ Dì Lài than buồn, nhớ làng xóm, nhớ gánh bánh canh, muốn về lắm nhưng còn phải chăm cháu ngoại.”
Gia hình dung nét mặt của o Lài bánh canh ở bên Mỹ mỗi sáng sớm: vẻ bình an của o đã bị cuộc sống tiện nghi mà lạc lõng quê người hằn lên nhiều nét nhăn. Và o phải khổ biết bao nhiêu vì tiếng rao lảnh lót của o bị giam tức nghẹn trong cổ mỗi sáng.
Gia múc vài muỗng bánh canh đưa vào miệng, có ý thưởng thức. Vẫn là món bánh canh riêu cua quen thuộc nhưng không hiểu sao chàng lại có cảm giác mặn và gắt hơn bánh cánh năm trước!
Hình như  Gia vẫn còn nặng tình với cái hương vị bình đạm, dịu nhẹ, êm đềm của những năm xưa.
Khi khách ăn sáng đã vãn, o Diễm quảy gánh lên vai, thoăn thoắt đi qua xóm khác. Từ xa vọng lại tiếng rao trong trẻo, khỏe khoắn:
- Ai bạnh canh riêu cua khô ô ô ng! Bạnh canh riêu cua đey!
Buổi sáng đã có tiếng rao điểm vào không gian yên tĩnh của xóm nhỏ nhưng Gia vẫn thấy như có điều gì chưa hài hòa, như một sắc màu quá chói trên tĩnh tại rêu xanh.
- Ôi, cảm nghĩ như ri nghĩa là Gia này đã Gia Huyền rồi, Gia Huyền thiệt rồi hà hà…
Gia chậm bước đi đến bên hòn non bộ.
thanhdalat
1/9/2012

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]