Vì sao con thỏ, quả trứng, giăm bông là những thứ không thể thiếu trong ngày lễ Phục Sinh…
Lễ Phục Sinh là một trong những lễ hội quan trọng nhất của những tín đồ theo đạo Kitô, được tổ chức nhằm tưởng niệm sự kiện Chúa Jesus hồi sinh từ cõi chết trở về sau khi bị đóng đinh xử tử trên Thánh giá. Năm nay, lễ Phục Sinh rơi vào 31/3.
Vào ngày này, người người tặng nhau những món quà hình quả trứng, con thỏ, ăn bữa ăn ngon miệng với thịt giăm bông - những biểu tượng không thể thiếu từ hàng ngàn năm nay. Vậy nguồn gốc và ý nghĩa của những biểu tượng này là gì?
1. Lễ Phục Sinh và quả trứng
Trứng là biểu tượng nguyên thủy cổ xưa của lễ Phục Sinh. Mỗi khi tới dịp này, nhà nhà, người người đều tặng nhau những quả trứng do chính bản thân mình trang trí, nhằm cầu chúc cho người thân và bạn bè những điều tốt nhất trong cuộc sống.
Câu trả lời không quá khó như nhiều người nghĩ. Từ thuở đầu nền văn minh, con người đã luôn coi trứng là biểu tượng của sự sinh sản, tái sinh. Người phương Tây tin rằng Trái đất này vốn được nở ra từ một quả trứng khổng lồ. Tại vùng núi Appalachian, những thầy lang xưa từng dùng quả trứng chín, quay trên bụng bà mẹ mang thai, từ đó dự đoán được khả năng sinh sản của đứa trẻ sau này.
Vai trò biểu tượng văn hóa của trứng trong cuộc sống ngày một quan trọng. Tục lệ tặng nhau trứng cũng đã hiện diện trong nhiều nền văn minh lớn.
Các nghiên cứu khảo cổ chứng minh được rằng, người Ai Cập và Su-me cổ có tập tục trang trí trứng làm quà tặng từ ít nhất 5.000 năm về trước. Có lẽ vì những lý do ấy mà người ta thừa nhận trứng là một biểu tượng không thể thiếu trong ngày lễ Phục Sinh - ngày mừng sự tái sinh của Chúa Jesus.
Một trong những quả trứng phục sinh đẹp nhất thế giới do thợ kim hoàn Peter Carl Fabergé chế tạo cho Sa Hoàng Nga.
2. Lễ Phục Sinh và con thỏ
Giống như trứng, hình ảnh vô cùng phổ biến trong dịp lễ này chính là những chú thỏ. Và bạn cũng băn khoăn vì sao lại thế?
Trước tiên, với khả năng sinh sản chóng mặt của mình, trong các nền văn hóa, thỏ cũng được coi là biểu tượng của sự sinh sản, sức sống dồi dào mạnh mẽ. Nhưng quan trọng hơn, hình ảnh chú thỏ gắn liền với một truyền thuyết về Ostara (còn gọi là Eastre). Đây là nữ thần của mùa xuân, người được lấy tên đặt cho tên của lễ Phục Sinh (Easter).
Chuyện kể rằng, thần Ostara có lần mang mùa xuân tới Trái đất muộn. Điều này khiến muông thú và mọi vật phải chịu cảnh giá lạnh. Khi Ostara tới, thần vô tình thấy một chú chim sắp chết vì hai cánh bị đóng băng.
Cảm thương, Ostara bèn giải cứu, biến chú chim thành một con thỏ và giữ nó bên mình làm thú cưng. Ostara cũng ban cho thỏ con khả năng đẻ trứng cùng khả năng chạy rất nhanh. Thần muốn chú thỏ sẽ thay người tặng quà trẻ em khi xuân về.
Nữ thần Ostara và chú thỏ cưng của mình.
Tuy nhiên, sau này, thỏ thần vô tình khiến Ostara nổi giận. Nó bị thần ném lên bầu trời, hóa vào chòm sao Lepus. Một năm, thỏ chỉ được xuống nhân gian một lần vào mùa xuân để tặng những quả trứng đáng yêu cho người dân dưới trần thế.
Cũng từ đó, hình ảnh thỏ mang trứng trở thành một nét đặc biệt trong ngày lễ Phục Sinh của phương Tây.
3. Lễ Phục Sinh và giăm bông
Bên cạnh hình tượng thỏ và trứng thì món giăm bông truyền thống chưa bao giờ vắng mặt trên các bàn ăn của các tín đồ Kitô giáo khắp thế giới vào lễ Phục Sinh.
Đối với các tín đồ Công giáo, thịt lợn được coi là món ăn của Chúa. Người phương Tây cổ tin rằng thời điểm Mặt trăng máu (lần trăng tròn đầu tiên của mùa thu) chính là lúc tốt nhất để thu hoạch mùa màng, ướp muối thịt lợn dự trữ.
Họ cho rằng nếu làm như vậy sẽ có đủ thức ăn cho cả mùa đông lạnh giá. Khi xuân về, họ sẽ sử dụng tất cả những thức ăn tích trữ còn và tổ chức lễ Phục sinh, trong đó thịt lợn muối được dùng làm giăm bông. Có lẽ cũng vì thế mà giăm bông trở thành món ăn truyền thống trên bàn ăn mỗi dịp lễ Phục sinh về.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Wikipedia, RD, Easter.Spike-Jamie...
(Rhum sưu tầm)