31 thg 8, 2014

Leo núi Bạch Mã




Dân Huế đi làm ăn xa, hè năm nào cũng về nghỉ ở Huế cả tháng rứa mà chưa lên Bạch Mã một lần. Thật là quê. Biết tâm sự đó, tiểu muội âm thầm lên kế hoạch. Một chiều thứ bảy có một tin nhắn:
"Sáng mai 6h30 có mặt ở 1A Hùng Vương nhé"
Tin nhắn sắc, gọn như một mệnh lệnh, nhưng lòng ta reo lên.
Theo lệnh tiểu muội, sáng nay ta mang giày vải lên đường. Qua 1A Hùng Vương đúng 6:30 dù có chút trục trặc. Là như ri: Xe chú em mà ta quá giang bị xẹp lốp khi mới đến hồ Tịnh. Ngó đồng hồ: 6:05. Còn sớm, không có răng mô. Ta ung dung ghé quán bên đường ăn tô bún chả cua. Xong đến góc đường hỏi “Đây có ai chạy xe thồ (trong Nam gọi là xe ôm) không hè?”. Người đàn ông đang phụ vợ bán bánh canh lấy honda ra giúp kẻ cơ nhỡ mà cũng để kiếm thêm chút cháo. Qua hết “sáu vài, mười hai nhịp” cầu Tràng Tiền, ta đi tới đi lui tìm văn phòng du lịch Bạch Mã, Phong Nha, rồi ngồi chờ. Lát sau tiểu muội đến. 7:30 mới khởi hành. Cùng ngồi tám chuyện với hướng dẫn viên du lịch. Ngồi tám chuyện với hướng dẫn viên du lịch thật thú vị, tha hồ mà tưởng tượng, mà hăm hở (e còn thú hơn lúc thiệt sự đi leo núi nữa chớ).
Đang say sưa du lịch tưởng tượng thì xe đến. Một chút bất bình vì chuyến leo-núi-ảo bị cắt ngang. Ra xe. Núi Bạch Mã cách Huế 40 km về phía Nam. Một tiếng sau thì đến chân núi. Xe leo lên con đường núi dốc cao, qua những khúc quẹo “khủy tay” hiếm hoi làm nhớ đèo Hải Vân dạo chưa có đường hầm, nhớ đèo Ngoạn Mục xưa kia. Hồi hộp. Rồi bật ra tiếng khen: Tay lái lụa! Đây, đã đến cổng “Vườn Quốc Gia Bạch Mã”. Hành trình leo núi bắt đầu.



Trước mắt là rừng núi bạt ngàn. Ta mê mải ngắm nhìn những cây rừng nguyên sinh rậm rạp, hoang sơ. 



Lộ trình leo núi đây nì:
Từ bãi đỗ xe, du khách băng rừng, lội suối(vạch đứt, mờ) khám phá Ngũ Hồ, bãi tắm suối Đỗ Quyên, (đỉnh thác Đỗ Quyên), rồi quay về đường cũ, lên Hải Vọng Đài .


Leo núi Bạch Mã là cuốc bộ lên những con dốc cao, là luồn rừng, lội suối lần lượt đi qua những hồ nước dọc theo con suối. Năm cái hồ tất cả, gọi là Ngũ Hồ. (địa danh nghe rất hấp dẫn, gợi liên tưởng đến “Ngũ Hồ, Động Đình Hồ bên Tàu). Phần lớn lộ trình là khá cheo leo. Hướng dẫn viên nhắc mãi: Đường đi nguy hiểm, hãy cẩn thận! Du khách bám chặt sợi dây thừng căng dọc theo bờ suối, lần từng bước chân trên những hòn đá đủ dạng, có khi đầy rêu, bờ nhiều đoạn dựng vách thành, bên dưới là dòng suối sâu.
Một trong Ngũ Hồ: 







Trưa đến thác Đỗ Quyên dừng nghỉ, ăn trưa. Ăn trưa lúc bụng đói sau buổi sáng đi rừng, trong khí hậu mát mẻ của vùng núi cao (thấp hơn từ 7 đến 10 độ so với Huế), cơm của hãng du lịch lại càng ngon miệng hơn.
Ăn xong thì đi bộ trở về lại bãi đỗ xe, từ đó cuốc bộ lên Hải Vọng Đài. Đường về trời mưa.


 Đường đi khó khăn hơn nhưng ta nói: “Thế mới là trải nghiệm về Bạch Mã, biết thế nào mưa rừng”. Câu nói không hay ho chi nhưng lên tinh thần cho mọi người và …cho ta. Đến trạm dừng, nghỉ mươi phút, đủ để cởi đôi giày sũng nước, xem có vắt bám chân không, vắt ráo đôi vớ rồi…mang vào lại, xong tiếp tục hành trình. Đến Hải Vọng Đài đường đi dễ nhưng vì quần, giày đang ướt sũng nên rất khó chịu. Mất hơn 15 phút thì đến Hải Vọng Đài, tức là đến đỉnh núi Bạch Mã.
Oh, Yeah! Rứa là ta đã chinh phục đỉnh núi cao 1.450 m


Tìm góc thích hợp để “hải vọng”,
chỉ thấy mây mờ và thấp thoáng những dãy núi xanh mờ xa,



lúc trời hén nắng thì nhìn được bán đảo có hình đầu rùa, thật đẹp.




Trên Hải Vọng Đài vắng vẻ bỗng nghe tiếng chuông vang ngân, tưởng có ngôi chùa mô đó, ngó quanh, té ra tiểu muội vừa giộng dùi chuông vào cái chuông lớn đàng trước Hải Vọng Đài. Nhìn tiểu muội (sắp lên chức bà nội) cười vui như trẻ thơ, ta nghĩ: đến với thiên nhiên người ta trẻ lại, trông o cứ như tuổi mười lăm. Hải Vọng Đài có cặp ngựa trắng đứng song song hai bên lối lên đài. Cậm hèng chi người ta gọi là núi Bạch Mã (đúng hơn phải nghĩ ngược lại: người ta dựng cặp ngựa trắng này để tô điểm cho cái địa danh lừng lẫy : núi Bạch Mã).
15 giờ. Về.
Ngẫm khi qua Ngũ Hồ: Cái tên “Ngũ Hồ” gợi liên tưởng Cửu Giang, Ngũ Hồ, Động Đình Hồ bên Tàu, ai dè ở đây chỉ là những cái hố, vũng nước nhỏ (đường kính cợ 10 m) của con suối. Có người tả là "duyên dáng". (Như Dalat với những cái tên thơ mộng : Đồi Mộng Mơ, thung lũng Vàng, thung lũng tình yêu,…đã làm háo hức bao nhiêu khách du “tìm đến “thành phố mộng mơ”rứa đó). Tuy nhiên, theo thiển ý của tui, Dalat, chỉ thành phố Dalat không thôi cũng đủ làm du khách mãn nguyện. Còn núi Bạch Mã thì điều làm khách du hài lòng là một chuyến băng rừng, vượt suối “mỏi gối kéo lê đôi giày”. Về nhà, mỏi rã rời một cách thú vị, và...ngủ một giấc thật ngon. Cũng đáng tiền!
(Một trong Ngũ Hồ)

è Triết lý xanh rờn: Người đời thường hay bị mê hoặc bởi những danh từ mỹ miều.
Bài học rút ra: Trước những cái tên mỹ miều, (ví dụ…), hãy tạm dừng bước, thận trọng xem & xét, rồi...nhào vô may nhờ rủi chịu! he he…

thanhdalat

30/8/14