Tháng
mười âm lịch đã về, mưa thu vẫn còn kéo rê qua đầu đông dầm dề ướt át những con
đường quanh co, những lối dốc rải rác những trái thông khô và làm ẩm mốc những
tâm hồn. Một ngày tạnh mưa tôi cưỡi con ngựa nhỏ Sirius đi lên một con phố trên
đồi cao, và bất ngờ thấy vàng quỳ lốm đốm ở các triền đồi xa xa. Dầm mình trong
cái mưa liên miên bất tuyệt của mưa thu phố núi, dã quỳ vẫn rập rờn phô sức
sống trẻ trung, hồn nhiên xanh rì bờ bụi để đầu đông hé nụ đơm hoa – như những
nụ cười màu vàng tươi ngầm nói với ta mùa đông tạnh ráo đã trở về. Mà mùa đông
phố núi đáng được đón chào bằng nụ cười rực sáng như thế lắm, vì nó có những
nét riêng đầy quyến rũ: cái lạnh ngọt ngào, cái nắng ngời ngời. Hồi còn ở Huế
nghe câu hát của Trịnh: “…lung linh nắng thủy tinh vàng, chợt hồn buồn dâng
mênh mông…” tôi không hình dung ra cái nắng thủy tinh là cái nắng như thế nào,
đến khi lên Dalat sinh sống, bất chợt một ngày đầu đông nhìn thấy cái nắng lạnh
ngời ngời trong veo tràn ngập không gian
tôi không khỏi kêu lên : nắng thủy tinh!
Sau
những đêm ngủ vùi trong chuỗi ngày dài mưa dầm, đã thấy mình “ như con sâu nằm
ngủ trong cái tổ cô đơn”, một buổi sáng thức dậy bởi ánh nắng ngập tràn khung
cửa sổ, nghe như có tiếng reo trong lòng mình. Ánh nắng đẹp làm sao. Tôi chạy
xe qua phố trong màu nắng ngời ngời, rẽ xuống con đường-tạm băng qua hồ Xuân
Hương, hình như vì hồ đang cạn nước nên cái nắng ngời tươi đẹp đầu đông không
hiện hữu nơi đây. Nhưng khi rời đường tạm để lên con dốc Hồ Tùng Mậu thì một
niềm sung sướng ngập tràn cả hồn mình. Con đường dốc cong cong chạy dưới hai
hàng thông cao rợp bóng làm cho mặt đường loang lỗ ánh nắng. Con đường đẹp như
trong giấc mộng. Tôi lướt thật chậm trên quãng đường dịu mát lụa là đó, lòng
lâng lâng. Muốn chụp một tấm hình ghi lại cảnh sắc này trong thời khắc này quá.
Nhưng làm sao mà ghi lại được cái êm êm mát dịu, cái màu nắng phai phai nhung
nhớ này được. Và làm sao thu vào ống kính cái vẻ hồn nhiên tươi tắn trong nắng
đông của bụi dã quỳ ở một góc đường?
Còn
nhớ mùa nắng lạnh năm đó, tôi cùng anh Đỗ cưỡi con ngựa ô suzuki ra ngoại ô tìm
sắc vàng quỳ. Vừa qua một khúc đường quanh đã thấy triền đồi bên kia thác quỳ
vàng nở rộ. Dừng xe đứng ngắm và chụp vài pô ảnh rồi ra phi trường Cam Ly, một
phi trường nhỏ đã mấy chục năm không sử dụng. Cả một dãy dài ven con đường dẫn
vào phi trường rực một màu vàng quỳ như cố xua đi vẻ hoang phế của ngôi nhà ga
cũ kỹ nằm lặng lẽ cùng với cỏ hoang mọc dày.
-Cứ
đến mùa quỳ là mình không làm việc gì được, lười đọc sách, lười dịch sách.
Trong lòng như nôn nao một nỗi gì…
-
Tui cũng vậy đó. Nhìn qua khung cửa thấy màu nắng lên ngời ngời là ngồi nhà
không yên. Cái nắng như réo gọi mình.
Và
bên kia đồi hoa quỳ như nở ra cùng với nắng nữa chứ!
-Tụi
mình mắc cái bệnh như nhau rồi!
-Bệnh
gì thế?
-Bệnh
dã quỳ!
-Là
sao?
-
Cái bệnh say mê cái đẹp của hoa dã quỳ mỗi độ đông về như Đan Thiềm mê say cái
đẹp kiến trúc đến mang họa đó mà.
-À,
đúng rồi, cái “bệnh Đan Thiềm” như Nguyễn Huy Tưởng đã gọi.*
Nhưng
cái bệnh dã quỳ thì chỉ đem lại cho tụi mình những phút giây thăng hoa tâm hồn
thôi anh à.
Ừ,
đúng là cái bệnh đáng yêu, tôi tin rằng không chỉ có tôi và anh Đỗ mới có tâm
tình này, hẳn là PN Thương Đoan, Vi Nhật Tảo, Mai Nam,Ngô Kim,… những người đã
có duyên nợ văn nghệ với dã quỳ cũng cùng mang một bệnh với chúng tôi mỗi độ
mùa đông về trên phố núi.
*
Đó
là chuyện của mùa quỳ của những năm đã xa.
Năm
nay tôi chỉ đi quanh trong phố để tìm ngắm những bụi dã quỳ còn sót lại ở những
bụi bờ mà cuộc sống lao xao bỏ quên, những góc vườn sau của một vài ngôi nhà mà
chủ nhân lơ là chăm sóc vườn tược. Anh Đỗ đã sang Canada sống với người thân gần một
năm rồi. Ở vùng Bắc Mỹ ấy , trong tiết trời đông lạnh lẽo, co ro trong lớp áo
dày nhìn ra một trời tuyết trắng hẳn cái bệnh dã quỳ cũng đang hành hạ con tim
nhạy cảm của anh. Tôi biết, dù không có dã quỳ trên các trái đồi tuyết phủ nhưng
cái sắc vàng lạ lùng ấy sẽ hiện về trong tâm tưởng của anh, cùng với những câu
thơ mà một thời anh vẫn ngâm nga:
“Chiều đông nhường chỗ sáng xuân
Dã quỳ mấy độ vẫn vàng lòng ai.”
Dã quỳ mấy độ vẫn vàng lòng ai.”
(Ngô Kim)
Vàng trong anh một thời
Mùa hoa quỳ Đà lạt”.
(st)
thanhdalat
11/12/2010
----------------------------------------------------------
* Kịch “ Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng.