16 thg 12, 2011

Bóng tối của nàng-Thơ th@nhdalat

Có những blog chìm trong đêm đen, bí ẩn, sâu thẳm, tôi đi qua thăm lúc nào cũng thấy day dứt một nỗi gì. Trong bóng tối người nhìn ra sân khấu cuộc đời, nhìn ra thế giới blog muôn màu, người nghĩ chi mà môi cười lặng lẽ? Có những người viết blog rút lui vào bóng tối, an dưỡng thân tâm, để ngày mai trở lại với lòng thanh thản. “Em là vùng tối mà tôi chiêm ngưỡng” là câu thơ tôi chợt nhớ khi nghĩ về họ.
Nàng ngồi một mình trong bóng tối
Rất lâu

Im lặng vây quanh
như một người bạn tri kỷ
Bóng tối vây quanh như thành lũy
che chở nàng, giấu kín nàng,
thật kín.
Trong bóng tối, nàng thỏa thuê gậm nhấm niềm riêng
cho đến tận đáy 


Nàng buông mình trong bóng tối
Thả rơi trong bóng tối mọi nỗi
Vất hết xuống biển đêm
Cho con thuyền nhẹ trôi

Nàng thu mình trong góc tối
nhìn vào cõi lòng mình
mây êm trôi và trời xanh thẳm

Nỗi chán nản mệt mỏi tan nát cùng nàng vào đây lúc chiều tàn
dường như đang tan dần vào bóng tối

Trong an lạc nàng nhẹ nhàng
liếm vết thương khô
Vết thương không còn đau
Nhưng nàng vẫn mải mê liếm
Để cảm nhận vị đắng,
nỗi tê tái rùng mình òa khóc
những giọt nước mắt từ biệt những điều đã cũ.
 
Nàng buông mình trong bóng tối
Bóng tối mịn, êm dịu
và an toàn
như hang động giấu con sói bị thương.
Bóng tối mịn, êm dịu
nâng nàng đứng dậy
Như đóa Quỳnh hương trong đêm khuya khoắc
trong tĩnh lặng và bóng tối
nở hoa.
 Photobucket
thanhdalat
Mùa Vọng 2011

3 thg 12, 2011

Bay trên những đồi vàng quỳ




Như đã hẹn hò, những người bạn Dã Quỳ đã lên cao nguyên giữa những ngày nắng lạnh mùa Đông để cùng làm một chuyến phiêu du trên đôi cánh chuồn chuồn thăm những đồi vàng quỳ . Từ sáng sớm, giã từ các khách sạn từ một cánh sao đến ngàn sao, các bạn tập trung trên đỉnh đồi Cù. Chuồn chuồn khởi động máy, tiếng động cơ giòn giã:

-Các bạn lên mau, đừng phụ một buổi sáng nắng đẹp như thế này nhé!
Các cô tíu tít đùn đẩy nhau leo lên trực thăng – một loại máy bay có tên tục là chuồn chuồn sắt. Mấy anh chàng, tóc bồng trong gió dìu đỡ các cô, quá chừng lịch sự.Tiếng cười đùa trong trẻo át đi tiếng động cơ, tiếng cánh quạt đang phành phạch quạt gió. Cỏ đồi Cù lượn sóng như vẫy tay chào tài tử giai nhân từ bốn phương tụ hội.
 Photobucket

Khi tất cả đã vào trong khoang, chiếc chuồn chuồn sắt nghiêng cánh bốc lên cao, lướt qua rừng thông, lượn một vòng thành phố. Hồ Xuân Hương như một tấm gương lấp lánh và phẳng lặng, đầu và cuối hồ cong lên như nụ cười chào buổi sáng. Đã 6 giờ mà đường phố vẫn thưa người, dăm ba cô gái gánh rau ra chợ, vài ông già đi chậm rãi trên những con đường quanh co lẩn khuất dưới rừng thông, nhiều người khác đang chạy thể dục quanh bờ hồ. Sương mù giăng giăng trên những góc phố, trên những khu vườn.
Photobucket

Khi cánh chuồn bay dọc theo đường vòng Lâm Viên thì nắng đã chan hòa trên phố núi, làm sáng lên vệt màu vàng tươi của con đường hoa Mimosa chạy từ phố núi xuống đường đèo Prenn mới, làm sáng lên những những mảng màu xanh đỏ vàng tím của những khu vườn trồng rau hoa  trông như tấm thảm dệt thổ cẩm. Nhưng nắng lạnh. Trên cao càng lạnh hơn, cái lạnh êm êm. Bằng Lăng kéo dải khăn len tím quấn quanh cổ, mắt lim dim lắng nghe gió lạnh phả vào mặt và làm mái tóc tung bay. Khăn tím, áo tím – màu tím Huế của chiếc áo dài mặc đi thăm phố Hội năm trước - trông nàng thật dịu dàng, đài các như nữ sinh Đồng Khánh năm xưa. Lan nhìn theo những cánh rừng thông bạt ngàn, nàng nghĩ thầm: giá như má còn khỏe cùng mình bay một chuyến như thế này thì hay quá nhỉ! Một thoáng nghĩ về má, mắt Lan rưng rưng. Thủy Tiên tưởng như đang bay trên cây chổi cùn Ba Tư, nàng tiếc là bỏ quên chiếc đũa thần ở ngoài miền Trung, nếu không thì nàng đã có thể làm nhiều trò thú vị, chẳng hạn như, gắp những đám mây trắng nõn kia vào trong máy bay, chia cho mỗi người một nắm. Forget me not (*), đôi má bầu bĩnh, miệng cười tinh nghịch đắm mắt nhìn khoảng trời xanh phía bên trái chàng Kiến Đỏ, khiến chàng ta thỉnh thoảng liếc qua, tưởng nhầm chi đó, hai má đỏ bừng. Chàng Ong Vàng ngồi bên cửa tủm tỉm cười một mình, có lẽ đang đắc chí vì làm xong một bài thơ về hoa quỳ theo hình chiếc trực thăng, có thể đọc xuôi và đọc ngược. Ô kìa, trong máy bay bỗng vang lên tiếng hát, giọng Khánh Hòa nghe là lạ mà thân thương, Ong Vàng quay nhìn, bỗng bâng khuâng bởi đôi mắt cười đang nhìn mình với ánh nhìn trong trẻo.
 Photobucket

Chuồn chuồn sắt bay theo những cabin cáp treo ra phía Trúc Lâm thiền viện. Cả một vùng mây nước mênh mang hiện ra trước mắt. Mái chùa màu đỏ gạch nổi bật trên màu xanh của núi rừng và hồ lớn, vườn trúc nằm ở một góc khuôn viên chùa, thân trúc thanh mảnh dập dìu với lá trúc nhỏ dài như lá lúa trông thật phiêu diêu khiến khách du tưởng như bay lạc vào cõi bồng lai. Trong những hẻm núi xa khuất, dã quỳ hiện diện như lời mời gọi của đại ngàn.
Từ xa, những dãy đồi nhấp nhô hiện ra với màu vàng rực rỡ. Tinh mắt sẽ nhìn thấy một màn nước từ lưng chừng núi tuôn ra. Prenn! Chuồn chuồn sắt chao nghiêng xuống, lượn vòng quanh mấy lượt.
Cư sĩ Sen quay qua Cúc Vạn Thọ: mụ mi với tui nhảy xuống thác chơi một xí hè! Cúc Vạn Thọ không kém: Ông ngoại nói tiếng ngoài nớ tui không hiểu chi mô!
Đến Suối Vàng, chuồn chuồn sắt đáp xuống một bãi đất trống, cánh quạt quạt gió phành phạch làm cho cả một vùng quỳ vàng nghiêng ngả như một rừng tay đưa bông hoa quỳ lên cao vẫy chào. Vài cánh dã quỳ tả tơi, áo xống bay tung cả lên, nhưng vẻ mặt thì tươi cười trong niềm khoái cảm ngất ngây.
Các cô tỏa đi các ngõ vàng quỳ, hoa bên hoa, nói cười rộn rã. “Như những nàng tiên!”, chuồn chuồn nói trong hơi thở mệt sau một chặng đường dài. Mấy gã đàn ông đứng trên đỉnh đồi nhìn bao quát, tay chỉ tay trỏ. Họ lấy thuốc ra hút, nói về thơ ca và nói về những khát vọng nghệ thuật : họ hẹn với nhau sẽ viết, sẽ vẽ nên những tác phẩm giá trị từ cảm hứng những đồi hoa dã quỳ.
Hình như có một con nai vừa phóng vụt đi trong những bụi hoa quỳ vàng. Đằng xa, trên sườn đồi một bầy ngựa thong thả gặm cỏ mặc cho bươm bướm từng đàn lượn quanh.
 Photobucket

Bất chợt, chuồn chuồn sắt có cảm giác mềm mại, ấm áp bên vai, một bông hoa lạ từ hải ngoại kéo chàng về phía một bụi quỳ, ở đó những nàng tiên đang vẫy tay gọi .
Chuồn chuồn khởi động máy, bay là là về phía đó. Các cô vây quanh, tay cầm hoa, tay cặp lấy chàng, vuốt ve âu yếm và nói lời cảm ơn đã cho họ một buổi sáng hạnh phúc. Chàng đỏ bừng mặt mũi, nhưng không ai nhận ra màu đỏ ấy trên cái “mặt sắt đen sì”.
 Photobucket

Hạnh phúc ảo cũng qua mau. Các ông trên đỉnh đồi nói chuyện chán chê về khát vọng, vội quay về với chuồn chuồn. Nắng đã lên cao, hội “bệnh dã quỳ” cũng đã uống đủ thuốc “nuôi” bệnh, tất cả lên trực thăng quay về phố.
Chuồn chuồn bay về chở đầy hoa quỳ. Hoa mọc trong khoang, hoa nở rộ quanh thân. Từ dưới đất nhìn lên tưởng như một bụi hoa quỳ bay phiêu phiêu qua bầu trời trong xanh. Mùi hoa quỳ hăng hắc khiến chuồn chuồn chóng mệt, chàng ách xì mấy lượt. Nhưng chàng cố chịu đựng, không nói gì, sợ làm tan đi những niềm vui tươi trong như nắng thủy tinh của bạn bè. Khi qua hồ Xuân Hương, có lúc cánh chuồn lảo đảo, các cô vô tư cười ré lên, hoa quỳ rơi lả tả như cơn mưa hoa xuống mặt nước hồ mộng, cảnh như trong cõi mơ.
Chuồn chuồn sắt đáp xuống đồi Cù.
Các cô tiên như bầy chim ríu rít bước xuống, bàn chân trần với gót son tung tăng trên cỏ mềm, chỉ còn bông cỏ may lặng lẽ ở lại với chuồn chuồn. Cỏ nói một mình: thôi kệ, họ đi đâu thì đi, mình nằm đây ngắm trời xanh, trò chuyện với bạn dã quỳ cũng đủ vui cho đời cỏ.
Các nàng tiên lại chụp hình cho nhau, dạo bước bên nhau, hẹn hò gặp gỡ trên những trang blog. Không ai biết chuồn chuồn đang nằm ngất lịm trên đồi mộng. Chàng mệt mỏi nằm duỗi dài trên cỏ mượt, trên môi phảng phất một nụ cười .
Nụ cười mãn nguyện của một người đã đem lại niểm vui cho bạn bè .
Photobucket

 “ Rồi mai các nàng tiên lại về hạ giới làm nàng thơ, làm mẹ, làm bà nội, bà ngoại; hoa dã quỳ cũng sắp tàn”. Chuồn chuồn nói một mình. “Như một giấc mơ”.
Một tiếng nói dịu dàng, nhỏ nhẹ từ đâu đó cất lên:
“Nhưng Mai Anh Đào cùng với mùa Xuân đang sửa soạn đến với chúng ta rồi đó anh chuồn ơi!”
Chuồn chuồn hé mắt nhìn, thì ra là cô nàng cỏ may quê mùa vừa nói. 
Photobucket

thanhdalat
03/12/2011
(*)theo một truyền thuyết Thiên Chúa Giáo, ngày nọ, đức Chúa Trời đi ngang qua vườn địa đàng sau khi sáng tạo ra thế giới muôn loài. Người bỗng chú ý đến một bông hoa nhỏ và hỏi nó tên gì. Bông hoa ngượng ngùng thì thầm : "Hic, con sợ rằng con đã quên mất rồi ạ, thưa Chúa" (I am afraid I have forgotten, Lord). Đức Chúa ôn tồn trả lời : "Forget Me Not. Uh, ta sẽ không bao giờ quên con".

7 thg 11, 2011

Bệnh dã quỳ






Tháng mười âm lịch đã về, mưa thu vẫn còn kéo rê qua đầu đông dầm dề ướt át những con đường quanh co, những lối dốc rải rác những trái thông khô và làm ẩm mốc những tâm hồn. Một ngày tạnh mưa tôi cưỡi con ngựa nhỏ Sirius đi lên một con phố trên đồi cao, và bất ngờ thấy vàng quỳ lốm đốm ở các triền đồi xa xa. Dầm mình trong cái mưa liên miên bất tuyệt của mưa thu phố núi, dã quỳ vẫn rập rờn phô sức sống trẻ trung, hồn nhiên xanh rì bờ bụi để đầu đông hé nụ đơm hoa – như những nụ cười màu vàng tươi ngầm nói với ta mùa đông tạnh ráo đã trở về. Mà mùa đông phố núi đáng được đón chào bằng nụ cười rực sáng như thế lắm, vì nó có những nét riêng đầy quyến rũ: cái lạnh ngọt ngào, cái nắng ngời ngời. Hồi còn ở Huế nghe câu hát của Trịnh: “…lung linh nắng thủy tinh vàng, chợt hồn buồn dâng mênh mông…” tôi không hình dung ra cái nắng thủy tinh là cái nắng như thế nào, đến khi lên Dalat sinh sống, bất chợt một ngày đầu đông nhìn thấy cái nắng lạnh ngời ngời trong veo tràn ngập không gian  tôi không khỏi kêu lên : nắng thủy tinh!
Sau những đêm ngủ vùi trong chuỗi ngày dài mưa dầm, đã thấy mình “ như con sâu nằm ngủ trong cái tổ cô đơn”, một buổi sáng thức dậy bởi ánh nắng ngập tràn khung cửa sổ, nghe như có tiếng reo trong lòng mình. Ánh nắng đẹp làm sao. Tôi chạy xe qua phố trong màu nắng ngời ngời, rẽ xuống con đường-tạm băng qua hồ Xuân Hương, hình như vì hồ đang cạn nước nên cái nắng ngời tươi đẹp đầu đông không hiện hữu nơi đây. Nhưng khi rời đường tạm để lên con dốc Hồ Tùng Mậu thì một niềm sung sướng ngập tràn cả hồn mình. Con đường dốc cong cong chạy dưới hai hàng thông cao rợp bóng làm cho mặt đường loang lỗ ánh nắng. Con đường đẹp như trong giấc mộng. Tôi lướt thật chậm trên quãng đường dịu mát lụa là đó, lòng lâng lâng. Muốn chụp một tấm hình ghi lại cảnh sắc này trong thời khắc này quá. Nhưng làm sao mà ghi lại được cái êm êm mát dịu, cái màu nắng phai phai nhung nhớ này được. Và làm sao thu vào ống kính cái vẻ hồn nhiên tươi tắn trong nắng đông của bụi dã quỳ ở một góc đường?
Còn nhớ mùa nắng lạnh năm đó, tôi cùng anh Đỗ cưỡi con ngựa ô suzuki ra ngoại ô tìm sắc vàng quỳ. Vừa qua một khúc đường quanh đã thấy triền đồi bên kia thác quỳ vàng nở rộ. Dừng xe đứng ngắm và chụp vài pô ảnh rồi ra phi trường Cam Ly, một phi trường nhỏ đã mấy chục năm không sử dụng. Cả một dãy dài ven con đường dẫn vào phi trường rực một màu vàng quỳ như cố xua đi vẻ hoang phế của ngôi nhà ga cũ kỹ nằm lặng lẽ cùng với cỏ hoang mọc dày.
-Cứ đến mùa quỳ là mình không làm việc gì được, lười đọc sách, lười dịch sách. Trong lòng như nôn nao một nỗi gì…
- Tui cũng vậy đó. Nhìn qua khung cửa thấy màu nắng lên ngời ngời là ngồi nhà không yên. Cái nắng như réo gọi mình.
Và bên kia đồi hoa quỳ như nở ra cùng với nắng nữa chứ!
-Tụi mình mắc cái bệnh như nhau rồi!
-Bệnh gì thế?
-Bệnh dã quỳ!
-Là sao?
- Cái bệnh say mê cái đẹp của hoa dã quỳ mỗi độ đông về như Đan Thiềm mê say cái đẹp kiến trúc đến mang họa đó mà.
-À, đúng rồi, cái “bệnh Đan Thiềm” như Nguyễn Huy Tưởng đã gọi.*
Nhưng cái bệnh dã quỳ thì chỉ đem lại cho tụi mình những phút giây thăng hoa tâm hồn thôi anh à.
Ừ, đúng là cái bệnh đáng yêu, tôi tin rằng không chỉ có tôi và anh Đỗ mới có tâm tình này, hẳn là PN Thương Đoan, Vi Nhật Tảo, Mai Nam,Ngô Kim,… những người đã có duyên nợ văn nghệ với dã quỳ cũng cùng mang một bệnh với chúng tôi mỗi độ mùa đông về trên phố núi.
*
Đó là chuyện của mùa quỳ của những năm đã xa.
Năm nay tôi chỉ đi quanh trong phố để tìm ngắm những bụi dã quỳ còn sót lại ở những bụi bờ mà cuộc sống lao xao bỏ quên, những góc vườn sau của một vài ngôi nhà mà chủ nhân lơ là chăm sóc vườn tược. Anh Đỗ đã sang Canada sống với người thân gần một năm rồi. Ở vùng Bắc Mỹ ấy , trong tiết trời đông lạnh lẽo, co ro trong lớp áo dày nhìn ra một trời tuyết trắng hẳn cái bệnh dã quỳ cũng đang hành hạ con tim nhạy cảm của anh. Tôi biết, dù không có dã quỳ trên các trái đồi tuyết phủ nhưng cái sắc vàng lạ lùng ấy sẽ hiện về trong tâm tưởng của anh, cùng với những câu thơ mà một thời anh vẫn ngâm nga:
“Chiều đông nhường chỗ sáng xuân
Dã quỳ mấy độ vẫn vàng lòng ai.”
(Ngô Kim)
Vàng trong anh một thời
Mùa hoa quỳ Đà lạt”.
(st)

thanhdalat
11/12/2010

----------------------------------------------------------
* Kịch “ Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng.

Dã quỳ mấy độ...

Photobucket


                                                           Mấy độ dã quỳ vàng ngõ trước
                                                          Bao phen gió núi lạnh ngàn thông
                                                                                                               NGŨ HỒ

Ngay từ lúc đến Dalat phố núi tôi đã nhận ra em cùng lúc với tâm trạng bàng hoàng ngây ngất trước nhan sắc kiêu hãnh và tự tin, hồn nhiên phơi vẻ đẹp của mình trong nắng mai: dã quỳ.
Hôm đó, chúng tôi đạp xe vòng vòng thành phố, trên những con đường đã trở nên quen thuộc, lướt qua những khóm hoa muôn màu xen nhau như một bức tranh đẹp quen thuộc của thành phố hoa - cái đẹp của phong cảnh phố núi hiển nhiên đến độ không còn gây cảm xúc gì với chúng tôi, cư dân nơi đây. Thế nhưng, vừa rẽ qua một khúc quanh, đột nhiên, hiện ra trước mắt chúng tôi : vàng rực một vùng đồi, vàng rực suốt cả con đường ngoại ô.  Bụi bờ, đồi hoang bừng lên sắc màu mới, màu của muôn ngàn đóa hoa quỳ lớp lớp chen nhau khoe sắc dưới màu nắng vàng tươi.
Tên em là dã quỳ , bởi em là loài hoa làm đẹp cho bụi bờ, làm đẹp cho những đồi hoang khuất nẻo bằng sắc màu vàng tươi rập rờn theo gió đông. Bụi bờ, đồi hoang trong cái nắng lạnh mùa đông đã cất lên tiếng hát .
Nàng dừng xe, đến bên một bụi dã quỳ, bước đi bềnh bồng trong sắc vàng hoa. Chiếc áo len màu hồng nhạt của nàng hoe vàng và ánh mắt nàng cũng lung linh sắc vàng. Tôi cũng dựng xe bên đường, bước theo nàng với một khoảng cách vừa, để ngắm nhìn “hai chị em” : Tôn Nữ Cúc Quỳ và dã quỳ. Trong sắc nắng vàng tươi, cảnh trước mắt diễn ra như trong mơ. Nàng như từ trong chuyện cổ tích bước ra, tung tăng trên cỏ mềm, phiêu bồng trong nắng và hoa. Tôi chưa từng thấy cảnh thiên nhiên và con người nào hòa hợp đến thế. Sự hòa hợp như đã đạt đến cái đẹp huyền diệu.
Tôi ngần ngại bước tới. Tôi dừng bước, lặng lẽ ngắm nhìn và thở dài trước cái đẹp đang diễn ra và đang trôi qua. Có những cái đẹp mà nếu ta chạm vào, nó sẽ vỡ tan.  Một nhạc sĩ đã cất lên lời ca “ Tôi đang mơ giấc mơ dài, đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh…” Quan hệ tình cảm lứa đôi của tôi và tôn nữ đang đẹp như một giấc mơ,như cảnh diệu huyền tôn nữ bên dã quỳ lúc này, cần có một khoảng cách vừa , để là thiên thu.
Và tôi đã ngần ngại suốt mấy mùa quỳ sau đó,luôn giữ một khoảng cách vừa.
 Photobucket

***

Mùa đông năm nay tôi lại đi tìm dã quỳ.
Tôi đi tìm dã quỳ trên chiếc Sirius, một mình, vì dã quỳ đã theo thời thế mà rủ nhau ra trú ở vùng ngoại ô xa khuất. Dalat đã vươn mình để trở thành đô thị lớn, bê tông và nhựa đường và các loài hoa vương giả đã thay cho những bụi bờ hoang dại, là nơi hứa hẹn những mùa quỳ. Giờ đây, mỗi độ mùa quỳ về, đi xe đạp tìm hoa thì quá mệt.
Quanh co một hồi, tôi cũng đến được một vùng quỳ rộng lớn, đó là lối đi vào phi trường Cam ly nay đã là nơi hoang phế, cỏ hoang rậm rịt. Trước mắt tôi là cả một vạt quỳ thân thương đang rập rờn trước gió đông, nhưng sao trong lòng tôi không còn những cảm xúc thần tiên xưa.
Sau mấy mùa hoa quỳ bên nhau, trong cái đẹp thuần khiết của tình đôi lứa sáng trong và lặng lẽ, nàng đã theo gia đình sang định cư ở Úc. Hôm chia tay, cũng bên bụi dã quỳ vàng tươi, nàng hái tặng tôi một bó hoa quỳ và nói: “ Đừng nhớ tui nhiều nhé, chỉ mong anh mỗi độ quỳ về đi thăm giùm tui là tui vui lắm rồi”. Nụ cười cùng ánh mắt trong veo của nàng làm tôi muốn khóc. Mùi hăng hắc của nhựa quỳ theo tôi vào giấc ngủ cô đơn thao thức.
 Photobucket
Tôi đã không làm theo lời nàng. Không có nàng thì cái đẹp của hoa quỳ đồng nội dường như không còn nét diệu huyền. Rồi những festival hoa với những sắc màu vương giả kiêu kỳ trong vườn, trong chậu tưởng như đã lấp đầy hồn tôi. Nhưng, hôm kia khi nhận được thư nàng cho hay nàng vừa đặt tên con gái đầu lòng là Đông Quỳ tôi mới biết là tâm tình của tôi không như vậy . Cái tên Đông Quỳ làm lòng tôi chùng xuống, vừa mừng vừa tủi. Trong giá lạnh mùa đông, với cổ cao áo kín, tôi lại đi tìm một màu hoa thân thương. Nhưng hỡi ôi, tôi không sao sống lại những mùa quỳ năm cũ, Nắng vẫn ngời ngời nhưng màu quỳ không còn sắc vàng tươi. Những đóa quỳ thưa thớt và tàn úa. Trong nỗi u hoài tôi giật mình sực nhớ : đã cuối đông rồi! đã cuối mùa hoa dã quỳ rồi!
Tôi lại lỡ một mùa hoa.

thanhdalat
2010
(Để nhớ những ngày mới đến với làng blog)

30 thg 10, 2011

Về Huế, hè 2011(7)Đường về quê xa lắc.


(ảnh: Blog Lan An xa xứ)
Rời bến nước làng Sình chúng tôi đi qua cánh đồng lúa rộng. Mùa hè, đồng ruộng đang được cày xới chuẩn bị cho vụ tới. Từ xa có tiếng máy cày rì rầm vọng lại . Nhưng ở miếng ruộng nhỏ cạnh đường làng thì chiếc xe máy cày Kubota lấm lem bùn đất đang nghỉ ngơi dưới nắng.


Nhìn nó tôi liên tưởng tới những con trâu cày. Tôi đưa mắt tìm khắp cánh đồng, chẳng thấy bóng con trâu nào.

Không khéo có ngày trẻ quê không biết con trâu hình dáng thế nào mất.

Photobucket 
Biết đâu, có lúc con trâu chỉ còn được thấy trên những tờ giấy bạc cổ?



Đính và tôi rời chiếc Honda đi săn ảnh. Chiếc Honda đứng trên bờ, đầu xe quay về phía chiếc Kubota đứng lẻ loi dưới ruộng. Trông chúng như hai người bạn lâu ngày hội ngộ, người thì ở chốn quê mùa lam lũ, kẻ thì bấy lâu rong ruổi kinh thành, áo quần choáng lộn, dáng bộ điệu đàng.
   Nhìn kìa, chiếc Kubota dưới ruộng đang đứng nghiêng nhìn xa xôi, dáng cô đơn, nhưng thảnh thơi, chẳng chút mặc cảm thân phận quê mùa. Cô nàng Honda áo quần sạch sẽ, đẹp đẽ , đầu xe quay “nhìn xuống” ông bạn cố tri cùng quê Nhật Bản lấm lem bùn đất lòng đầy trìu mến, và ít nhiều hiếu kỳ, thương cảm.


Tôi đưa máy ảnh lên thu lấy hình ảnh cuộc tao ngộ ngẫu nhiên mà cảm động  không ai nói nên lời này vào bộ nhớ 2 GB cũng từ Nhật Bản đem sang. 

     (Đây là chuyện trên đồng ruộng, ở trong nhà của người nông dân thì cuộc sống chung của xe gắn máy Nhật và anh trai cày Kubota còn cách biệt hơn nữa. Nàng xe óng ả luôn được ông bà chủ chăm sóc cẩn thận, được ở trong nhà gạch sạch sẽ, ấm áp, còn anh trai cày thân phận người cày thuê phải ở nhà sau, nhiều đêm không ngủ được vì tiếng gà gáy, heo kêu, tiếng chuyện trò của những người ra đồng làm việc sớm,...và những đêm mùa đông thì, trừi ưi, lạnh thấu xương, hai đầu gối run lập cập,...).

  Đằng xa, Đính đang chạy theo người nông dân đang điều khiển con trâu sắt rì rì dọc ngang trên đồng ruộng. Cũng là một hình ảnh khác của cuộc tao ngộ giữa kẻ thị thành và chàng trai thôn dã. Trời trưa nắng như đổ lửa, nhưng Đính vẫn lom khom chạy theo, tay đưa máy ảnh  nhắm tới người nông dân trên máy cày. Không biết Đính đã chụp được bao nhiêu hình, nhưng ngắm nghía kỹ quá, tôi ngại sẽ làm cho anh nông dân ngượng ngùng, khó chịu. 


Nhưng coi kìa, anh nông dân vẫn điềm nhiên cày ruộng, không hề bận tâm tới anh chàng trên phố về đang cầm máy ảnh đuổi theo, như người nông dân bao nhiêu thế kỷ trước vẫn an nhiên tự tại trước bao cuộc biến thiên. Tôi lại đưa máy ảnh lên, bấm bấm. Thế là lại có thêm tấm hình nữa cùng đề tài.
Trên đường về, bởi hỏi đường mà gặp thêm nhiều người dân quê khác, anh trai cày đang vác cuốc ra đồng, cậu bé đi học về trên chiếc xe đạp, chị nhà quê đang cỡi chiếc Yamaha chở mấy két bia từ trong làng ra. Ai cũng hồn hậu nhiệt tình chỉ đường, họ thương quý người trên phố về lắm, còn tụi tui , người trên phố về thăm thì thâm tâm vẫn không khỏi có ít nhiều cảm nghĩ “nhìn xuống”.
 
Em bé quê   Diễn viên Tăng Thanh Hà (ảnh : net)


Đính hỏi tôi: Quê anh ở gần đây phải không? Tôi chỉ về phía xa bên kia những lũy tre. Quê Đính cũng gần đâu đó. Hóa ra chúng tôi cũng gốc người nhà quê lên tỉnh vì chiến cuộc, hoặc vì những lý do khác. Thế mà chỉ sau một thế hệ, về lại làng quê chúng tôi lại mang theo quá nhiều mặc cảm.

   Những mặc cảm linh tinh đã làm cho con đường trở về với gốc gác của chính mình thêm xa lắc...
chuồn chuồn

29/10/11