18 thg 3, 2014

Vượt rào vào thăm em Cù.

Nói vượt rào cho có mùi "mạo hiểm" chứ thiệt là hồi Tết được gia đình người bạn rủ đi chơi đồi Cù. Sẵn cái di động mần luôn mấy chục cái, ai dè lại có dịp chia sẻ cùng các bạn.
Hình chụp được nhiều, vì nhìn em Cù nằm phơi mình dưới nắng xuân đẹp, quyến rũ quá nên vội vàng chụp em chụp em chụp mãi. Để việc tải lên dễ dàng và không làm bạn mỏi mắt ngắm em, tui chia làm hai cái entry.
Phần I: Đồi cỏ mịn và hồ, suối nhân tạo.("Đồi em mịn màng")
Phần II: Du khách, xe chuyên dụng Evergreen.

ĐỒI EM MỊN MÀNG.


Văn phòng


Con đường lụa



Đồi em 









Không kiềm chế nổi, ta ngồi lên mình em, cảm nhận em, em thật êm ái.


làm bạn cùng hoa cỏ mùa xuân


SUỐI, HỒ THƠ MỘNG












 Ngồi tạm thành cầu. Không dám ngồi lên em suối, sợ chìm đắm trong em!



Rứa đã hí, entry sau mời bạn xem : Du khách, đánh golf và xe chuyên dụng

12 thg 3, 2014

Đồi Cù, đẹp...mà xa lạ.

Trước khi thành sân golf 9 lỗ, 18 lỗ, đồi Cù rất gần với người dân Đà Lạt và du khách. Du khách đã đến xứ hoa anh đào ít ai không đi dạo đồi Cù. Đứng trên đồi, nhìn xuống hồ Xuân Hương hoặc phố đời xuôi ngược khách du tưởng như mình đang ở cõi tiên nhìn xuống trần gian.Mỗi cuối tuần nhiều gia đình ở đây thường lên đồi picnic. Riêng tui, buổi trưa thường hay ra đồi, nằm nghỉ dưới cội thông già, hoặc đọc sách. Gió nhẹ và tiếng thông rì rào đưa mình vào giấc ngủ lúc nào không hay.  
Những ngày xưa thơ mộng chóng qua, Năm 1994, đồi Cù đã hóa thân thành sân Golf, 9 lỗ và 18 lỗ: Đà Lạt Palace Golf Club. Nó đẹp như Tây, nó trở thành một thiếu phụ kiêu sa, thấp thoáng phô nét diễm kiều của mình sau hàng rào thép hoặc hàng rào cây lá rậm rạp. Chỉ có người đánh golf mới vào được với một chi phí lớn, tính bằng đô la. Vậy đó, bây giờ đồi Cù vẫn ở bên người dân Đà Lạt nhưng lạnh lùng, kiêu sa và xa cách nghìn trùng. 

Truong Dat Đồi Cù năm 1969, Hướng Đạo Sinh họp mặt đó:



và là nơi lứa đôi hẹn hò, "trai gái"...





Đồi cù nay đã là sân Golf hiện đại:







Đẹp như Tây nhưng xa lạ và cách biệt với người Dalat:





Rhum
13/3/2014
(ảnh tui chụp)
----------------
- Đồi Cù là khu đồi nằm giữa trung tâm thành phố Đà Lạt kế bên là Hồ Xuân Hương do vậy thường được nhắc đến như một địa danh dính liền nhau - nhiều người cho rằng Đà Lạt sẽ kém phần mỹ lệ nếu thiếu Đồi Cù và Hồ Xuân Hương. Năm 1942, khi thiết kế đồ án quy hoạch thành phố Đà Lạt, kiến trúc sư Lagisquet đã khoanh vùng Đồi Cù như một khu vực bất khả xâm phạm nhằm tạo một tầm nhìn thoáng đãng cho Đà Lạt. Về sau, một kiến trúc sư người Anh đã thiết kế biến Đồi Cù thành sân golf 9 lỗ khá nổi tiếng của vùng Đông Nam Á và hiện nay Đồi Cù đã được nâng cấp thành sân golf 18 lỗ. Tên Đồi Cù không rõ có từ bao giờ, và vì sao gọi là "Đồi Cù" lại có hai hướng lý giải, có người cho rằng những quả đồi thoai thoải nơi đây khi nhìn từ xa giống như tấm lưng trần của những con cù khổng lồ nên đã ví von gọi là "Đồi Cù"; cũng có người giải thích sở dĩ có tên "Đồi Cù" vì nơi đây là một địa điểm chơi golf hay còn gọi là đánh cù.(Nguồn: Wikipedia)
Gần đây nhất, Đà Lạt Palace Golf Club đã mở những lớp huấn luyện cấp tốc để chơi thử từ 30 tới 100 banh kết hợp thăm quan sân golf với giá vé chỉ 100 ngàn; 15.000 - 45.000/người/45 phút tập đánh từ 30 tới 100 banh và đi thăm quan; một tour chơi và học bài bản hơn gồm cả lý thuyết (1 giờ lý thuyết) kết hợp thực hành 9 lỗ golf giá 300 ngàn.




6 thg 3, 2014

Kinh Hòa Bình - và An.





Có những ngày ta quá mong một tin nhắn, quá cần một người bạn để sẻ chia một điều gì đè nặng tâm tư, hay có khi ta chỉ cần có ai đó ngồi bên, không cần phải nói gì cả,...vì ta như người lữ hành đơn độc đi qua hoang mạc, vắng bóng người; ta yếu đuối, ta cần có ai để nương tựa. Ta cầm cái điện thoại lên. Nhưng đáp lại là:
-Mình bận lắm. Sorry.
-Rảnh quá ha! 
-Có việc chi không?
-...
Ta hụt hẫng, ta rơi...
Ôi An đã có những ngày như rứa!
Nhưng một hôm nọ, An không "nương tựa" ai nữa, anh mang giày vải, rời căn gác trọ, một mình ra đi...An đi dạo một vòng bờ hồ Xuân Hương. Như người ta đi bộ để rèn luyện sức khỏe, An đi trốn những giờ cô quạnh, tránh những lúc "tôi đối diện tôi" bằng cách lang thang qua những con đường. Đi một mình hóa ra lại hay: muốn đi là lên đường, không phải chờ đợi ai, tự do đi lối nào cũng được, đi bao lâu cũng được, tự do thả hồn cho mây nước,...
Đi qua một nhà nguyện, có một nhóm thanh niên đang sinh hoạt. Tiếng hát kinh nguyện vọng ra bổng trầm như ru hồn người lữ khách.
         Lạy Chúa, xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Câu hát vang động lòng An.
Bấy lâu những lúc tâm trạng không tốt, An vẫn chạy đi tìm nương tựa ở tha nhân. An cần "người ủi an", cần "người hiểu biết" nỗi niềm của mình, cần "người mến yêu", và dần dần anh trở thành kẻ lệ thuộc vào tha nhân hết lúc này đến lúc khác. Và khi không tìm được chỗ tựa nương An hụt hẫng, anh rơi... 
Dừng lại, coi lại mình chút! An nghĩ. Ta đang có nhiều thứ mà người thiếu. "Nhìn lên thì chẳng bằng ai. Nhìn xuống thì chẳng có ai bằng mình". Nào xem, tiền bạc ,ta dư tiền để thỉnh thoảng ngồi cà phê; chữ nghĩa, ta cũng biết làm thơ đấy chứ! và ta có dư thời gian để tán dóc,...Sao ta không làm ngược lại? Từ nay, ta sẽ:


Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Ta đem niềm vui đến cho người khổ sở hơn ta!
Và cứ rứa, bây giờ An khỏe mạnh hơn xưa, như ri nì:
(Hình minh họa)

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,


Nghe An kể đã lâu, hôm nay rảnh rỗi, lên hỏi GOOGLE về ca từ của ca khúc đó mới biết đó là KINH HÒA BÌNH. Một bài kinh nguyện nổi tiếng thế giới.
Bèn tải về chia sẻ với bạn bè.
Cảm ơn Google.
Cảm ơn giọng ca Hoàng Oanh.
Mong bài ca này đem lại hòa bình, sức khỏe cho tâm hồn bạn.

thanhdalat
06/3/2014
----------------------


KINH HÒA BÌNH

Năm 1912, tại Pháp, một tờ báo tên là La Clochette (Cái chuông Bé nhỏ) in một bài kinh với tựa đề là Belle prière à faire pendant la Messe và không đề tên tác giả. Vì tờ báo này do một hội đoàn có tên là La Ligue de la Sainte-Messe của linh mục Esther Bouquerel (1855-1923) nên dư luận khi ấy đã đồn đại ông là tác giả nhưng dấu tên.
Năm 1915, bản kinh này được gửi cho Giáo Hoàng Biển Đức XV, sau đó, một bản tiếng Ý được in trên một tờ nhật báo chính thức của Vatican. Năm 1920, lời kinh được một linh mục dòng Phanxicô in vào mặt sau tấm hình của Thánh Phanxicô với tựa là Prière pour la paix (nghĩa là Kinh cầu cho hoà bình) nhưng cũng không đề cập đến tác giả. Giữa Đệ Nhất  Đệ nhị Thế chiến, bản kinh này được lưu truyền rộng rãi khắp châu Âu.

Bản dịch tiếng Việt phổ nhạc
Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.