31 thg 7, 2010

“GỞI HUẾ NGÀN NĂM”- khúc tâm tình của người Dalat nhớ Huế

Ai phải sống tha hương mà không đau đáu niềm nhớ  quê nhà. Có một người xa xứ nặng tình quê mà làm thơ hơn trăm bài vẫn chưa nguôi sầu nhớ. Đó là nhà thơ Việt Trang của phố núi.
Việt Trang tên thật là Phạm Gia Triếp, thiếu thời sống ở một ngôi làng nhỏ bên dòng sông An Cựu, học trung học tại trường Khải Định (nay là trường Quốc Học Huế), lên Dalat từ những năm năm mươi của thế kỷ hai mươi. Ông từ giã Huế từ một sớm đìu hiu tuổi hai mươi để làm con sơn ca bay ngược lên đỉnh núi Lang-Biang(1), làm thơ từ đó đến nay đã hơn ngàn bài, phấn lớn là thơ Đường luật, thường cùng các bạn thơ Phong Vũ , Cam Lĩnh - mà ông thường gọi là nhóm Trà Sơn, ngâm vịnh những lúc trà dư. Việt Trang có thơ đăng ở các báo và  tuyển tập trong nước (2). Ngoài những bài thơ viết về Dalat, ông còn viết tập “Địa phương chí Đà Lạt” (năm 1966).
Việt Trang là thi nhân nặng tình với hai quê. Vui buồn một đời với phố núi, nhưng cảnh đẹp của xứ hoa anh đào cùng hạnh phúc gia đình và tình bè bạn vẫn không làm nhà thơ nguôi nỗi nhớ quê xưa:
Ngày ngày với Trà Sơn(3)
Giữa buồn vui trôi nổi
Đêm đêm cùng cố hương
Mộng hồn không cát bụi
                                                        (Tha phương)
Trong tâm tình đó, Việt Trang đã viết rất nhiều bài thơ nói lên tâm sự của người con xa quê Huế, một phần nhỏ trong số đó được in thành tập “ Gởi Huế ngàn năm”. Tập thơ gồm 40 bài,
viết với nhiều thể thơ (thơ luật và thơ mới), phát hành nội bộ vào tháng 8/2004. Như nhan đề “Gởi Huế ngàn năm”, tập thơ là nỗi nhớ da diết, là lời ngợi ca cảnh đẹp quê mình trong trùng trùng cảm xúc.

*
Huế đẹp và thơ, đó là một câu nói quen thuộc và cô đọng dành cho Huế. Thơ Việt Trang đưa ta đến tận miền sông Hương núi Ngự để chỉ cho ta cái đẹp muôn màu của Huế. Đó là cảnh núi sông chìm trong nỗi nhớ nhung:
Núi Ngự hong buồn chao sợi nắng
Sông Hương trải nhớ vọng đôi bờ.
                                 (Nhớ kinh đô)
Ngự lĩnh đứng thầm chiều nắng lả
Hương giang trải mộng gió canh thâu.
                            (Chiều xuân kinh)

Núi Ngự Bình án ngữ ở phía nam Huế, độ cao chỉ khoảng 105 m, dáng hình thang cân, trông như một bức bình phong của thiên nhiên che mặt trước kinh thành; sông Hương “uốn một cánh cung rất nhẹ” (Hoàng Phủ Ngọc Tường) khi đi qua chốn đế đô, dòng chảy chậm, nước trong xanh. Qua con mắt Việt Trang, núi Ngự có dáng “trầm tư”, “đứng trơ theo gió lạnh” và sông Hương “trầm mặc”, hoài chảy với sương vây”. Núi Ngự, sông Hương không chỉ là một sự vật để nhà thơ cảm nhận mà tự nó có nỗi niềm, nó  “hong buồn, trải mộng” như một chàng trai hay một cô gái đôi mươi giàu tình cảm, có khi lại “trầm mặc “như một ẩn sĩ.(4)
Nhưng dù nhìn theo góc độ nào, sông Hương và núi Ngự cũng đẹp, nét đẹp vượt thời gian:
Thành phố cũ nghĩ ngàn năm vẫn vậy
Một dòng sông một dáng núi thanh kỳ.
                              (Bụi Tha hương)
Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương là một cây cầu hiện đại và đẹp của một thời, “sáu vài mười hai nhịp” đã là những con số gợi cảm trong lòng người Huế từ lâu lắm (5). Việt Trang một lần “Lại về thăm Huế” , ông vui vì thấy “Vẫn chiếc cầu như trâm cài mái tóc”, chiếc cầu vẫn nguyên nét đẹp xưa, tô điểm cho con sông Hương trong xanh êm đềm như suối tóc của người con gái yêu kiều.
Huế đẹp không chỉ ở hình sông thế núi mà còn ở phố thị. Kim Long, Vĩ Giạ, Đông Ba , An Cựu ,…là những tên đất, tên vùng đã đi vào thơ ca từ lâu. Kim Long có gái mỹ miều. Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi/ Núi Ngự Bình trước tròn sau méo, Sông An Cựu nắng đục mưa trong. Qua “Gởi Huế Ngàn Năm”, ta sẽ thấy một vẻ đẹp khác:
Đường qua Vĩ Giạ một chiều
Chói chang con nắng đuổi theo sầu hoài
Trở về An Cựu mình ai
Đường trơ sỏi đá trải dài lá khô.
                               (Tháng tư phố Huế).
Mùa đông dù khắc nghiệt, cũng có một nét đẹp tiêu sơ :
Cây sầu đông gầy guộc bên đường
Ôi Huế tàn đông lạnh thấu xương.
                                (Về Huế)
Cảnh thu tàn thê thiết được miêu tả như một bức tranh xưa:
Ngõ trúc nhà ai vừa vội khép
Bên trời mây tím dạt lê thê.
                                 (Huế tàn thu)
Với nét bút đơn sơ, mềm mại, Việt Trang khắc họa một Huế chứa chan tình người.
*
Huế trong thơ Việt Trang còn là Huế của tình tri âm, của niềm thương nỗi nhớ ruột rà thân thiết.
Thi nhân xem quê hương mình như một người bạn. Huế - Việt Trang là hai người bạn tâm tình gắn bó, sự gắn bó hai chiều. Nếu Việt Trang có lòng với Huế sâu nặng :Tâm tư khép mộng tha phương / Xin cùng với Huế vấn vương trọn đời thì đáp lại Huế cũng nặng tình với người con xa xứ như thế. Nhà thơ tâm sự: Và tôi là cánh chim di/ Tôi về Huế đón tôi đi Huế buồn.(Bài thơ gởi Huế).
Tình đất tình người gắn bó luôn là mạch nguồn của thi ca, huống chi Huế “đẹp và thơ”. Nhạc sĩ Văn Cao đã bày tỏ : Huế là một nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 40. Thơ và nhạc là điều tôi tìm từ nguồn ấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của Cố Đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tạo”. Với Việt Trang, Huế còn là người bạn thơ, người bạn tri âm. Hãy nghe ông thì thầm :
Tiếng thơ người gởi cho tôi
Tiếng  thơ tôi gởi cho người thiết tha.
                                                                (Bài thơ gởi Huế)
Tình yêu của nhà thơ không dành cho riêng một cảnh đẹp nào, nó chan hòa, tràn ngập khắp cả cố đô
Lòng bâng khuâng mãi nhìn đây đó
Trao gởi khắp cùng nỗi mến thương
                               (Và dấu chim di)

Thật ít thấy cái tình quê hương sống động, thắm thiết – như đôi tình nhân như thế.

*

Càng thương bao nhiêu, khi phải xa cách nỗi nhớ càng sâu đậm. Ngày lên đường , mới đưa tay từ biệt , thế mà
Chưa chi gió nhuộm thu sầu
Mà nghe sương khói xanh màu biệt ly.
                                (Bài thơ tạm biệt)
Nói tạm biệt nhưng thật ra là xa vời vợi. Đường sá xa xôi, chiến tranh kéo dài, thời cuộc nhiều biến động làm cho đường về xa lắc, nỗi nhớ trong lòng người xa xứ càng thêm da diết .
Ngày tháng tha hương nỗi sầu quay quắt
Giọt mưa sa chưa trở lại cội nguồn
Hai mươi năm không về thăm Huế được
Như một loài chim xa lánh cố hương.
                                 (Gởi Huế ngàn năm)
Người tha hương tự ví mình Như người con gái sang ngang / Vườn sau đứng lặng một phương quê mình.(Bài thơ gởi Huế). Thương biết mấy cái dáng người “đứng lặng vườn sau” trông vời cố quận!
Có khi trên đường dài, như hạt “ Bụi tha hương”, thoảng nghe một câu hò thân quen cất lên đâu đó khiến lòng nao nao, Việt Trang tự hỏi lòng: Có thể nào không tha thiết tình quê / Nghe bất chợt vọng câu hò mái đẩy? Nỗi nhớ quê cũ luôn canh cánh bên lòng người xa xứ, tràn ngập không gian, vương vấn trong mỗi phút giây. Có lúc thi nhân phải tìm cách trốn tránh nỗi sầu xa xứ trào dâng trong lòng mình.
Buồn vui chất chở sao vừa
Quê xưa ngàn dặm mịt mờ vờ quên.
                                  (Nhớ Huế)
Cái vẻ “vờ quên” ấy trông sao mà xót xa!

*

“Gởi Huế Ngàn Năm” còn cho ta thấy nỗi niềm tâm sự , những ngậm ngùi riêng của một con người phải sống kiếp ly hương . Đó là những lời tự thán cảm động, là khát khao “quy hồi cố quận” cháy bỏng.
Ngoảnh lại Lâm Viên mờ gió lạnh
Trông vời cố quận thoáng mây giăng
Thân không bèo bọt mà trôi nổi
Đời lắm sông hồ lắm trở trăn.
                                     (Đường về quê)
Xin chào tất cả tôi đi
Nghĩ mình thân phận chim di một đời
                                      (Bài thơ tạm biệt)
Bóng mình soi bóng nước
Trong đục tới bao giờ
Dừng chân dòng sông cũ
Trên bến thơ chiều thơ.
                                    (Về Huế cuối mùa xuân)
Ngày về thành khách lạ
Ngày đi mang muộn phiền
Nghe hạt bụi Thừa Thiên
Vương làn tóc chóng bạc.
                                     (Khách lạ)

Tha hương thế cũng trọn một đời. Việt Trang rời Huế từ thuở hai mươi, đến nay ông đã ngoại bát tuần. Trong bấy  nhiêu năm xa quê ấy , không lúc nào ông không mong trở về:
Nhớ thương như muốn nghiêng trời đất
Nghe vạc kêu sương giục dặm về.
                                   (Nghe vạc kêu sương)
Ông tự hứa với mình:
Hẹn thăm lại với ân tình dĩ vãng
Bụi tha hương dẫu phủ kín đường về.
                                   (Bụi tha hương)
Tâm nguyện trở về day dứt trong lòng ông, tâm nguyện của cả một đời:
Ngàn năm máu dội về tim
Trăm năm tôi nguyện tìm về cố hương.
                                    (Bài thơ gởi Huế)

***

Kết thúc tập thơ là bốn câu thơ không đề, gói trọn tâm tư của tác giả, cũng là lời hứa sắt son, như một lời trăng trối:
Bước tha phương khi tuổi còn rất trẻ
Để trọn đời mang Huế nặng trong tim
Nếu một mai khi giã từ cõi thế,
Tìm cố hương xin nguyện hóa thành chim.
Cuối tháng bảy năm nay, trong những ngày Dalat mưa dầm, Việt Trang đã rời bỏ người thân, rời bỏ bạn bè . Con chim sơn ca “bay ngược lên đỉnh núi LangBiang” năm xưa cất giọng thiết tha “GỞI HUẾ NGÀN NĂM”, “trọn đời mang nặng Huế trong tim” nay chắc đã bay về với miền Hương Ngự thương yêu như ước nguyện thưở sinh thời. Những lời thơ thiết tha của Việt Trang đối với quê Huế đã ngừng lại, nhưng tiếng thơ chắc hẳn còn ngân trong lòng những người con đất cố đô tha hương, bởi thi nhân đã nói thay tâm tình của họ bằng cả trái tim mình.

thanhdalat
31/7/2010

(1) Trích từ bài thơ “Gởi Huế nghìn năm” và “Vẫy gọi xuân về”.
(2)Tuyển thơ:”Mười năm thơ Đường 1990 – 2000” (nxb Văn hóa dân tộc); “Trăng nước Hương Giang” , (nxb Thuận Hóa, 1993, 2000, 2005, 2007) ; “Trăng Thương Bạc” –Chào mừng Festival Huế (nxb Thuận Hóa. 2002). Tiểu luận văn học:“Ai tri âm đó” –,  Như Anh biên soạn (nxb Văn nghệ tp Hồ Chí Minh, 1997). Báo “Bút Xưa”,..
(3) Trà Sơn (núi trà): Việt Trang thường dùng để chỉ vùng cao nguyên Lâm Đồng .
(4) Trích : “Về thăm Huế”, “Rong chơi cọng khói.”
     (5) Hò mái nhì :          
                                         Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em theo không kịp
Tội lắm  anh ơi!
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa
Cũng tại ông Trời nên xa.